Cần bảo vệ di sản thiên nhiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày qua, báo chí và mạng xã hội đưa tin rầm rộ về vẻ đẹp của suối đá triệu năm ở làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Hàng trăm du khách đã tìm đến nơi này thưởng ngoạn. Nhiều chuyến khảo sát của các cơ quan chức năng đã được thực hiện. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại điện Hội Người cao tuổi tỉnh-cho rằng: Di sản mà thiên nhiên đã ban tặng chúng ta cần được bảo tồn, phát huy giá trị. Là người con của làng Óp (xã Ia Phí, huyện Chư Păh), bà H’Yéo cho biết, dòng suối này đã được người Jrai biết đến từ khá sớm. Năm 1967, giữa chiến trường ác liệt, bà đã có mặt tại nơi mà nay đang dần trở thành điểm đến quyến rũ nhiều du khách. Vào thời điểm đó, bà H’Yéo thuộc biên chế của Đại đội 31, Huyện đội Khu 4 (nay là huyện Chư Păh). Suối khi ấy nhiều nước, cây cối cũng rậm rạp hơn nên các bãi đá không lộ thiên như ngày nay. Dòng suối này là nơi các du kích của xã B3 (thị trấn Ia Ly và xã Ia Mơ Nông hiện nay), lực lượng địa phương (Huyện đội Khu 4) và bộ đội chủ lực (đơn vị K631) sống chan hòa, hỗ trợ nhau không chỉ qua từng trận đánh, chiến dịch mà còn cả trong mỗi bữa ăn, sinh hoạt hàng ngày.
Về tên gọi, bà H’Yéo cho biết: Ngoài Jrai Phă và Ia Ruai, người ta còn gọi nơi này là Ia Ai. “Ia” là dòng suối, dòng nước còn “ai” là người đóng vai trò dâu hoặc rể, theo tiếng địa phương. Tên gọi này gắn với một câu chuyện có từ ngày xưa. Theo đó, những người Jrai cao tuổi kể rằng: Có một người con gái xinh đẹp (bia) lấy chồng tên là Juông. Từ đó, em trai Rôk của Juông gọi chị dâu mình là “ai”. Không bao lâu sau, tình cảm của anh em Juông rạn nứt vì một điều oái oăm: Rôk đem lòng thương yêu chị dâu của mình. Là ruột thịt nên anh em họ không muốn đem chuyện trong nhà ra để phạt vạ lẫn nhau theo tục ông bà. Đau khổ tột cùng nhưng họ lặng im, rồi mỗi người đàn ông Jrai trẻ trung ấy biến thành một dòng thác lớn làm nên Ia Ly hùng vĩ quanh năm ầm ào. Trong khi đó, người con gái xinh đẹp kia cũng hóa thân thành dòng suối lúc sôi nổi, khi lặng lẽ róc rách như muốn kể mãi với núi rừng, hậu thế câu chuyện đời mình. Dòng suối ấy chính là Ia Ai, Jrai Phă… ngày nay.
Suối đá triệu năm ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: N.Q.T
Suối đá triệu năm ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: N.Q.T
Là người luôn gần gũi với cơ sở, trả lời chúng tôi câu hỏi về mong ước của người dân đối với việc tái phát hiện bãi đá cổ, bà H’Yéo khẳng định: Không chỉ bà mà các cộng đồng Jrai ở xung quanh khu vực này đều muốn dòng suối, bãi đá có từ ngàn xưa ấy được giữ nguyên. Theo bà, các nhà chuyên môn của Trung ương và thậm chí quốc tế nữa, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan của tỉnh cần phối hợp thật chặt chẽ để làm sao gìn giữ được di sản mà thiên nhiên-hay nói như người Jrai là Yàng-đã ban tặng cho con người này. Chúng ta đã bàn nhiều về kích cầu du lịch địa phương. Vậy tại sao lại không tận dụng cơ hội rõ ràng ở đây để đầu tư và phát triển, cùng với nhiều điểm du lịch khác có liên quan như Ia Ly, Biển Hồ, Chư Đang Ya? 
“Tôi đã đọc báo Gia Lai có bài viết về bãi đá cổ ở làng Vân. Mới gần đây, tôi cũng đã trở lại thăm nơi này. Tôi mong tỉnh ta sẽ dành cho nơi này một sự quan tâm thích hợp, ít nhất là cũng giữ lại nó cho con cháu mai sau”-bà H’Yéo cho biết thêm.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.