Cảm thụ nghệ thuật: Tưởng dễ mà không dễ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng nay, tôi uống cà phê với mấy cô giáo, có cô giáo dạy Mỹ thuật ở một trường tiểu học. Cô này là thạc sĩ và chúng tôi nói chuyện loanh quanh về nghệ thuật, dạy nghệ thuật, cảm thụ nghệ thuật và vài chuyện về nghệ thuật đang xảy ra... những chuyện nghe thì tưởng dễ mà không dễ.
Tôi kể, thời chúng tôi đi học, hoàn toàn không được học về nghệ thuật. Thì hoàn cảnh nó thế, chiến tranh, đói kém, sơ tán, bom đạn... chỉ học kiến thức thông thường là đủ phi thường rồi, nhạc họa mù tịt. Ai có năng khiếu thì tự mày mò, tự chơi các loại nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn bầu, nhị, mà cũng tự làm lấy chứ có ai bán đâu mà mua, mà có muốn mua cũng không có tiền. Tôi có mấy bạn cùng sơ tán rất khéo tay, làm sáo và thổi được, toàn nghe radio rồi bắt chước nghệ sĩ Đinh Thìn mà thổi. Sau này lớn lên, đi làm, môi trường bắt mình phải tự học, học để hiểu biết một cách phổ thông chứ không thể sử dụng và càng không thể chuyên sâu như các chuyên gia.
Cũng mới đây thôi, môn Âm nhạc và Mỹ thuật được đưa vào trường phổ thông, theo lối cuốn chiếu. Năm nay, bắt đầu vào tới bậc THPT. Nhưng lại đang nghe nói là như thế sẽ thiếu giáo viên. Bậc tiểu học, THCS đã phủ sóng, có trường đào tạo giáo viên, giờ bậc THPT, chắc sẽ điều chuyển giáo viên lên, như cái cô giáo thạc sĩ Mỹ thuật tôi kể trên, đang dạy tiểu học thì điều lên dạy THPT ngon ơ.
Nhưng lại có cái khó là giáo viên tiểu học và THCS do huyện và phòng giáo dục và đào tạo quản lý, giáo viên THPT do Sở Giáo dục-Đào tạo quản lý. Tức là cơ chế. Nhưng thôi, đấy là chuyện tổ chức, chắc khi có chương trình thì họ đã nghĩ tới giáo viên. Ở đây, tôi đang liên hệ tới việc khác. Ấy là việc đào tạo một con người toàn diện, trong đó có việc thưởng thức nghệ thuật. Thưởng thức thôi chứ sáng tác là chuyện khác.
Người dân tham quan triển lãm tranh của họa sĩ Lê Hùng. Ảnh: Phương Duyên
Người dân tham quan triển lãm tranh của họa sĩ Lê Hùng. Ảnh: Phương Duyên
Thì tất nhiên là trời sinh voi thì sẽ sinh cỏ, lâu nay có ai đào tạo đâu, mà ai cũng có thể thưởng thức nghệ thuật, cũng bình luận đâu vào đấy... Cũng như tình yêu, có ai đào tạo dạy dỗ gì đâu, vẫn đâu vào đấy.
Thì cù nhầy mà nói thế, chứ những lớp học tiền hôn nhân vẫn được mở, những kiến thức sơ đẳng về tình yêu, giới tính vẫn có, cách này hay cách khác, giúp con người tiếp cận. Mà đấy là bản năng con người rồi, ai cũng biết, nhưng vẫn được dạy.
Nghệ thuật, nó cao hơn bản năng, nó là tri thức, là văn hóa. Rất nhiều người có trách nhiệm, có kiến thức, hiểu biết, từng và đang kêu lên: Có một bộ phận lớn công chúng đang bị lệch chuẩn. Mà chả cứ công chúng, cả một số nghệ sĩ sáng tác, một số người quản lý cũng bị lệch chuẩn. Chuẩn văn hóa, chuẩn nghệ thuật. (Thì cái hồi đùng đùng bài hát “Con đường xưa em đi” bị cấm là một ví dụ, tất nhiên hồi ấy cũng có lý do chính đáng để cấm). Thế nên việc đưa các môn Âm nhạc, Mỹ thuật vào dạy ở tất cả các trường phổ thông là hoàn toàn chính xác và kịp thời, muộn còn hơn không.
Thì ngay tới văn chương, học từ bé, sử dụng hàng ngày, nhưng rồi đứng trước một tác phẩm, nhiều khi cũng vẫn còn cãi nhau chí chóe, thậm chí mất ngọt mất nhạt với nhau, huống gì những thứ chỉ lõm bõm sơ qua.
Dân ta giờ đa phần chỉ thích nghe ca khúc, vì nó... dễ, dù có nhiều bài ca từ rất ngô nghê, âm nhạc đơn điệu, nhưng nghe mãi thành quen. Hình thành một lối thưởng thức bằng thói quen, nghe quen thì sẽ hay. Còn âm nhạc cao cấp thì đa phần là lắc đầu, thưởng thức cho nó có vẻ hiểu biết chứ cơ bản là mù tịt. Nên tôi nhớ nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc rất nhiều lần kêu lên rằng, đừng đánh giá một nền âm nhạc bằng ca khúc, mà phải nhìn vào khí nhạc, vào giao hưởng thính phòng. Nhưng công chúng, như tôi, mấy người có thể nghe/xem và cảm nhận được nó?
Hội họa cũng thế. Tôi từng chứng kiến mấy họa sĩ rất khó chịu khi công chúng đi xem tranh cứ dí sát vào tranh để bình phẩm. Tôi được giải thích: “Ông xem tranh phải có một khoảng cách nhất định, để xem toàn bộ bố cục tranh, màu sắc tranh”. Lại có chuyện mấy ông họa sĩ rỉ tai nhau, thời bao cấp, vẽ xong bức tranh hoàn chỉnh rồi thì vẽ thêm một... con mèo rất vô lý ở một góc tranh. Thế là mấy ông bà có trách nhiệm duyệt tranh cứ chú mục vào con mèo ấy mà chê, mà góp ý. Anh họa sĩ hể hả xoa tay: “Em xin tiếp thu ý kiến”, rồi xắn tay áo xóa con mèo đi. Thế là xong!
Lại nhớ chuyện đang có một cái triển lãm phải tạm dừng vì vài bức tranh “có vấn đề”. Tôi không có chuyên môn và cũng chưa xem trực tiếp những tác phẩm “có vấn đề” ấy nên không dám bàn, nhưng thấy hài hước là trên mạng xã hội hiện có 2 phe tranh cãi quyết liệt về chuyện này. Thì mạng xã hội mà, ai cũng là nhà thông thái.
Rất nhiều người chụp một góc bức tranh, một chi tiết tranh rồi bình. Chỉ nghĩ, nếu chúng ta được đào tạo một cách toàn diện, tức có cả môn Âm nhạc và Mỹ thuật như sắp tới đây sẽ dạy ở tất cả các bậc học phổ thông, có khi cuộc tranh cãi nó không... quyết liệt và hùng hổ đến thế. Đành rằng, nó là một phạm trù thuộc lĩnh vực cảm xúc, nhưng rõ ràng nếu có một cái phông, cái nền văn hóa chuẩn thì khoảng cách hiểu biết và cảm xúc sẽ không quá cách xa nhau để đến nỗi phải nặng lời với nhau, rồi block nhau không thương tiếc như vừa qua.
Nghệ thuật, ai cũng biết, ai cũng thưởng thức, cũng bình phẩm được, bởi vừa là quyền vừa là cảm xúc của họ, nhưng để khoảng cách đừng xa nhau quá thì nó cần được dạy và học, và tự học, để nó vừa hiển lộ công nhiên lại cũng vẫn bí ẩn thì thào. Bởi nghĩ cho cùng, nghệ thuật vừa là đời sống nhưng lại cũng chính là cái thứ hun hút ở đâu đó, để con người cứ phải ngơ ngẩn đi tìm. Như mê lộ tình yêu vậy...
Hôm qua, tôi lên xem triển lãm tranh của họa sĩ Lê Hùng. Gặp cháu gái, một mình đi xem, từ cách đứng, cự ly, tư thế... chứng tỏ cháu có hiểu biết nhất định về nghệ thuật. Tôi hỏi, cháu nói học lớp 7, rất thích học vẽ và thích xem tranh. Mừng vì có một lớp công chúng nghệ thuật như thế.
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.