Cái đẹp trong thơ phái đẹp mà tôi đã đọc, đã chiêm nghiệm mấy chục năm nay và bây giờ vẫn đang tìm kiếm quả là vô cùng vô tận, muôn màu, muôn vẻ như chính thế giới của người đẹp vậy.
Vui không có hạn, sầu không hạn/ Nằm giữa lòng trăng, khóc giữa trời.
Hai câu thơ của cố nữ sỹ Vân Đài mà sinh thời thi sỹ Bùi Giáng đã cho rằng “Quả thực bốn ngàn năm văn hiến Việt Nam chỉ có thể nẩy hột tinh hoa ra hai câu thơ như thế...Ta phải coi Vân Đài nữ sỹ như bà nội, bà ngoại chúng ta thì mới cảm hết cái mênh mông trong mấy vần thơ này”.
Có thể thi sỹ họ Bùi có cách nói khác người, nhưng quả thực những câu thơ như thế cứ ngân lên trong tôi mỗi lần nghĩ về thơ.
Và mỗi lần mùa xuân đến, đi qua những cánh đồng lúa xanh rờn trong mưa bụi tôi lại nhớ tới “Bức tranh quê” của cố nữ sỹ Anh Thơ:
Trên đồng lúa xanh rờn và ướt lạnh/ Đàn sáo rừng sà xuống mổ vu vơ / Những cánh bướm bay dập dờn trước gió/ Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa...
Vẻ đẹp làng quê Việt Nam có lẽ muôn đời vẫn là vẻ đẹp của thi ca, trong thi ca, như chính quê hương tôi, nơi có đèo Ngang nổi tiếng với những câu thơ của bà Huyện Thanh Quan : “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà / Cỏ cây chen đá, lá chen hoa / Lưa thưa dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông rợ mấy nhà”...
Và trong thơ của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương: “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám / Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”. Một cảnh sắc vô cùng sống động.
Đến thời hiện đại, thơ phái đẹp càng phong phú, đa dạng, từ vẻ đẹp thiên nhiên đến vẻ đẹp con người, nhất là những người con gái vì nước mà hy sinh cả bản thân mình: “Có phải thịt da em mềm mại trắng trong / Đã hóa thành những làn mây trắng... Gương mặt em bạn bè tôi không biết / Nên mỗi người có gương mặt em riêng”... (Lâm Thị Mỹ Dạ- Khoảng trời và hố bom). Để rồi trên đất nước này những người con gái, những người chị, người mẹ đã hy sinh cả tình yêu, hạnh phúc trong những tháng năm đợi chờ của tuổi trẻ vì đất nước : “Anh khoác ba lô về / Đất trời dồn chật lại / Em tái nhợt niềm vui / Như trăng mọc ban ngày”... (Lê Thị Mây).
Tôi thiển nghĩ, vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa, của tâm hồn con người mới là vẻ đẹp muôn đời trong thi ca, nhất là thi ca của phái đẹp. Mỗi lần nghe bài hát phổ thơ của cố nữ sỹ Xuân Quỳnh “Thơ tình cuối mùa thu” có lẽ hàng triệu người cũng thổn thức như tôi: “Tình ta như hàng cây / Đã qua mùa bão tố / tình ta như dòng sông / Đã yên ngày thác lũ ...Mùa thu ra biển cả / Theo dòng nước mênh mông / Mùa thu vào hoa cúc / Chỉ còn anh và em / Chỉ còn anh và em / Là của mùa thu cũ...”. Sinh thời nữ sỹ Xuân Quỳnh là người yêu hết mình, sống hết mình không chỉ trong thơ, dù chị biết “Lời yêu mỏng mảnh như sương khói / Ai biết lòng anh có đổi thay” ...
Có những tình yêu mãnh liệt như nữ sỹ Xuân Quỳnh, cũng có những tình yêu thầm kín như “Hương Thầm” của nữ sỹ Phan Thị Thanh Nhàn: “Giấu một chùm hoa sang nhà hàng xóm.../nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.../ Hương bưởi thơm cho lòng bối rối...”. Tình yêu thầm kín, dân dã mà nồng say cũng được nữ sỹ Phan Thi Thanh Nhàn diễn tả rất thành công: “Các cụ ông say thuốc / Các cụ bà say trầu / Còn con trai, con gái / Chỉ nhìn là say nhau...”.
Trang bìa "Cánh đồng thức" của nữ sỹ Lê Thị Mây |
Vẻ đẹp trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam ngàn đời chính là vẻ đẹp thầm kín, đoan trang, nhu mì, không hề phô trương. Nhưng khi tình yêu say đắm ngập tràn tâm hồn người con gái, mọi ngăn cách không là gì, như nhà thơ Bùi Sim Sim đã viết: “Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh”. Yêu nhau, như người ta thường nói, chỉ có khen nhau, chỉ thấy ưu điểm của nhau, chàng trai luôn mê đắm và thấy người yêu của mình ở khía cạnh nào cũng đẹp. Nhưng, người con gái trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lại sợ lời khen: “Em sợ lời khen của anh / Như sợ đêm về trời tối / Nhiều khi em ngồi một mình / Trách anh sao mà nông nổi / Hãy chỉ cho em cái xấu / Để em nên người tốt lành / Hãy chỉ cho em cái xấu / Để em chăm chút hồn anh... Bởi: “Tình yêu khắt khe biết mấy / Anh ơi anh đừng khen em...”. Tình yêu khắt khe là vậy, tình yêu có muôn vàn tâm trạng mà những nhà thơ trẻ hiện đại bây giờ không ngại bày tỏ hết những cảm xúc sâu xa nhất, bản ngã nhất, cháy bỏng nhất :
Nỗi nhớ phờ phạc đổ bóng những chiều tà/ Nỗi nhớ gầy rạc trong thân xác héo rũ/ Nỗi nhớ như a xít ăn mòn răng tóc/ Chỉ còn lại hốc mắt khô/ Em.../ Em không thể chạy đến tìm anh để ngã vào cô đơn thêm một lần nữa
(Trích bài thơ “ Con thú” của Như Bình)
Khi đọc những câu thơ như thế, tôi thực sự giật mình, khi người thơ không còn giấu giếm những tình cảm cháy bỏng, trong sự phân thân đau đớn tột cùng, thơ ca đã thực sự ám ảnh tâm trí người đọc.
Một dạo, Đinh Thu Vân đã cuốn hút người đọc bằng những bài thơ với những ý tưởng thân quen mà cũng lạ. Người thơ yêu cả những bài thơ của người yêu của mình làm tặng người khác: “Thơ anh kỷ niệm một thời / Em xin giữ lại một đời vì anh / Trái tim đã đập chân thành / Xin yêu ngày tháng chưa dành cho nhau...”. Cha ông xưa từng nói đã yêu, yêu cả “tông ty, họ hàng”, tình yêu trong thơ Đinh Thu Vân là vậy, đó cũng là một nét đẹp, nhân văn, của những người con gái đang yêu.
Nhà thơ Trần Kim Hoa viết: “... Nẻo mùa xa xứ / Nẻo trời phân vân / Nẻo người lữ thứ / Nẻo vời cố nhân... (Trích tập thơ BÊN TRỜI) vẻ đẹp của hồn thơ là vậy! Còn người thơ Vân Khánh thì viết : “Bàn tay mỏi lắm / Bấm đốt nhớ mong / Năm cùng tháng tận / Vui buồn có không...”. Tôi đọc một lần những câu thơ như thế mà thuộc lòng. Giản dị mà sâu sắc, chân thật mà gợi mở, chỉ có phái đẹp mới có thể viết những câu thơ như thế. Tôi như đang hình dung những người mẹ, người vợ bấm đốt ngón tay chờ đợi chồng con, hay những người con gái bấm đốt ngón tay chờ người yêu trở về từ chiến trận... Với tôi, đó là những câu thơ hay, lời ít mà ý nhiều.
Đoàn Thị Tảo chỉ có một bài thơ được phổ nhạc viết về chị mình mà người đọc, người nghe cứ xao xuyến, bồi hồi, ngổn ngang tâm sự: “Ngày chị sinh / Trời cho làm thơ... Vấn vương mấy sợi tơ trời / Tình riêng bỏ chợ / Tình người đa đoan”.
Vũ Thị Huyền một nhà thơ từng đoạt giải “Tác phẩm tuổi xanh” có nhiều câu thơ mà tôi thích: “Ngửa mặt nhìn trời sương khói / Hoa vàng vẫn thả bùa mê”; Còn Dư Thị Hoàn cũng là một người thơ quê Hải Phòng thì viết: “Em có đôi bàn tay trắng xinh / Cầu nguyện cho bàn tay đừng ám muội...”.
Khi Đặng Nguyệt Anh, một người thơ ở thành phố Hồ Chí Minh viết: “Cất giùm tôi tuổi năm mươi / Để tôi sống lại cái thời ngày xưa / Cái thời lúng liếng đong đưa / Bao nhiêu cậu ấm cù cưa theo mình ...” thì tôi hiểu rằng tình yêu là không có tuổi.
Như Bình và Bùi Sim Sim hai người đẹp của làng thơ |
Tình cảm của những người con gái sau lũy tre làng mà Nông Thị Hưng gửi vào những câu thơ gần với ca dao dù người thơ đang sống trong thời công nghiệp hóa: “Vịn vào bậc đá rêu phong / Nhận ra trống rỗng trong lòng bấy lâu / Cánh cò bay mỏi ca dao / Mà không thoát khỏi bờ ao, gốc làng... Để rồi: “Đàn trời chẳng réo mà đau / Đàn ta lỗi nhịp trước sau vẫn buồn”.
Trần Thi Ngọc Hồng, một người thơ Nam bộ, cháu ruột của GS Trần Văn Khê nhiều năm qua thường gửi cho tôi những bài thơ mà chị sáng tác, tôi thích nhiều câu thơ của người thơ vùng sông nước Cửu Long này: “Tơ trời reo đỉnh phù vân / Tiễn con mẹ gánh bâng khuâng trở về...”
Một dạo, nhiều người yêu thơ khen bài thơ về đôi guốc của Phi Tuyết Ba : “ Đôi guốc đỏ biết rằng em đã đến”. Chỉ có những người phụ nữ tinh tế nhìn đôi guốc lạ ở cửa phòng người con trai mà biết mình phải làm gì ...Bây giờ, tôi vẫn gặp Phi Tuyết Ba với những câu thơ tinh tế như thế: “Nhẹ hơn nửa cánh hoa hồng / Mỏng hơn một sợi tơ không lưng trời...”.
Hồ Thị Hải Âu một tác giả đoạt giải “ Tác Phẩm tuổi xanh” (Do báo Tiền Phong tổ chức) qua bao thăng trầm của cuộc đời vẫn hồn nhiên, trong trẻo: “Em vẫn thế, vẫn dại khờ như thế / Sao không đành ngoảnh mặt làm ngơ”. Còn “Tác phẩm tuổi xanh” Ngô Lan Anh thì viết: “Em về cho ngày nắng / Thênh thang những con đường / em về đi/ mùa nhớ / Lúa trổ đồng đơm hương”. Tôi yêu những tâm hồn trong trẻo của người con gái Việt Nam dù họ đi qua bao gian nan vất vả của cuộc đời, trong thơ và cả trong cuộc sống hàng ngày.
Đó phải chăng cũng là một trong những vẻ đẹp của phái đẹp cuốn hút chúng ta không chỉ trong thơ.