Cà rem thuở xưa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có ai đi xa mà không nhớ quê nhà, có ai lớn lên mà không thôi thổn thức về thời thơ ấu? Riêng tôi không thể nào quên những trưa hè lộng gió, cầm trên tay que cà rem tươi mát, ngọt lành như chính tuổi thơ mình.
Tuổi thơ tôi gắn liền với đồng ruộng bao la, với mấy thức quà quê dân dã. Những que kem mát lạnh, đủ màu sắc thu hút đám trẻ con thuở ấy là một trong những thức quà tôi yêu thích, tuy giờ đây chỉ còn là ký ức. Nhiều lần tôi vẫn hay nói đùa với bạn bè, rằng chúng mình thật may mắn khi lớn lên trong thời gian khó, khi mà điều kiện công nghệ chưa phát triển như bây giờ. Trẻ con ngày nay đâu biết những trò chơi thôn dã, càng làm sao biết được hương vị của những món quà quê đã đi vào dĩ vãng.
Cà rem thuở xưa… (ảnh minh họa, nguồn internet)
Cà rem thuở xưa… (ảnh minh họa, nguồn internet)
Cà rem, thức quà với tên gọi ngồ ngộ này đã từng là mơ ước của rất nhiều trẻ con trong xóm. Bởi, đâu phải lúc nào muốn cũng được bố mẹ mua cho. Gia đình tôi ngày ấy kinh tế khó khăn, cơm ba bữa còn khó, nói gì đến mấy món quà vặt hấp dẫn kia. May mắn lắm mẹ mới mua cho một que để mấy chị em ăn chung. Que kem tan chảy dưới cái nóng đổ lửa giữa trưa hè buộc mấy đứa trẻ phải ăn cho thật nhanh, nhưng hầu như đứa nào cũng muốn thưởng thức thật chậm rãi. Thảng hoặc, khi mẹ tôi lĩnh tiền công, chúng tôi mới được một “bữa tiệc” cà rem ra trò. Đó là lúc mỗi đứa được thưởng một que cà rem riêng và nhảy cẫng lên vui sướng. Niềm hạnh phúc của những đứa trẻ chưa vướng bận sự đời chỉ cần có thế.
Mỗi ngày, chiếc xe bán cà rem đều đặn đi ngang qua xóm nhỏ nhà tôi, và lần nào cũng trở thành tâm điểm bởi đám trẻ lao nhao tụm năm tụm bảy xung quanh. Thùng cà rem bằng thiếc, bên trong chứa đầy các loại kem đủ sức làm mê hoặc bất cứ đứa trẻ nào. Cà rem có nhiều loại, có những que nhiều màu sắc được làm từ si-rô dâu, cam hay bạc hà. Tôi không có may mắn được thử hết tất cả các loại, chỉ nhớ hương vị ngọt bùi, mát lành của que kem đậu xanh, đậu đen. Thời đó, muốn ăn kem có thể mua bằng tiền, hoặc bằng cách đổi những chiếc dép nhựa. Có lần chị em tôi nghịch ngợm, đem mấy chiếc dép nhựa của mẹ mới mua đổi kem. Kết quả là bị mẹ đánh trận đòn nhớ đời, mặc dù vậy, trong lòng vẫn không nguôi niềm vui sướng khi được ăn cà rem, để bây giờ mỗi khi nhắc nhớ, cả nhà lại được trận cười nghiêng ngả.
Cuộc sống hôm nay đã đủ đầy, thức quà quê ngày cũ cũng không còn là thứ gì xa vời mà trẻ con đứa nào cũng thòm thèm nữa. Bây giờ, kem có rất nhiều loại, hương vị cũng rất ngon, nhưng dù có thế nào cũng vẫn không thể thay thế được cây cà rem mộc mạc tuổi thơ. Hình ảnh chiếc xe đạp cọc cạch chở thùng cà rem đi qua ngõ suốt những năm tháng ấu thơ giờ đây đã bị lãng quên ở một góc nào đó;  và nhiều khi tôi vẫn muốn tìm kiếm, như tìm chính một phần ký ức tuổi thơ...
Ngọc Lý

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...