Cà phê tiểu điền xưa ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khoảng giữa thập niên 20 của thế kỷ trước, người Pháp đã chọn vùng đất đỏ bazan Pleiku để lập các đồn điền. Ban đầu, đa số công ty tư bản Pháp đều ghi trong đơn xin cấp đất lập đồn điền là: trồng cây trà và cây cà phê (cũng có đơn ghi thêm các loại cây khác như canh-ki-na, trầu...)

Nhưng với thời tiết nắng nóng kéo dài, một số đồn điền trồng thử nghiệm cây cà phê đã gặp thất bại ban đầu đến mức Nha Nông nghiệp Đông Dương phải thành lập Trạm Thực nghiệm nông nghiệp tại Pleiku để nghiên cứu về hạt giống, cách trồng cây trà và cây cà phê cũng như những loại cây che nắng, chắn gió.

Tuy vậy, khi so sánh hiệu quả và lợi nhuận mang lại từ 2 loại cây chủ lực này, một số đồn điền lớn như Sở trà Biển Hồ S.T.I. (Société des Thés de l’Indochine-Công ty Trà Đông Dương) và Sở trà Bàu Cạn CATECKA chỉ còn chuyên về trồng và chế biến trà (mặc dù tên gọi ban đầu thể hiện có cả việc trồng cây cà phê, ví dụ như Catecka với các chữ tắt của tên đầy đủ: Compagnie des Thés et Cafés du Kontum (Annam)-Công ty trồng Trà và Cà phê tỉnh Kontum (Trung Kỳ).

Mặc dù gặp khó khăn khi du nhập cây cà phê vào đất Gia Lai như vậy, nhưng sau khi đã giải quyết được về giống và phương pháp trồng cây cà phê, ký ức của những người đã sống ở Pleiku từ những năm 60 vẫn còn in đậm nét về các vườn cà phê trong nội thị (mà bây giờ ta hay gọi là trồng theo dạng tiểu điền).

Một trong những vườn cà phê dạng tiểu điền nằm ngay trong khu trung tâm đã ghi đậm nét trong trí nhớ của học trò chúng tôi thời đó là vườn cà phê của các xơ dòng Mến Thánh giá nằm ngay bên cạnh hàng rào phân cách giữa đất của nhà dòng và Trường Nam Tiểu học Pleiku (nay là Trường THPT chuyên Hùng Vương).

Nói là đáng nhớ nhất kể ra cũng không ngoa chút nào, vì thuở ấy, khi học lớp 3, lớp 4 (tức lớp 3 và lớp 2 của bậc tiểu học hiện nay), việc các thầy nghiêm khắc dùng roi vọt để dọa và phạt các học sinh nghịch ngợm, vô kỷ luật… là chuyện bình thường mà không hề bị các phụ huynh phản đối. Và vì thế, thầy giáo thường sai lớp trưởng qua vườn cà phê của các xơ để bẻ 1 cành cà phê làm roi!

Khi học lên bậc trung học, bạn cùng lớp chúng tôi là con của công chức Tòa Hành chính tỉnh nên gia đình được cấp trên sắp xếp cho ở tại ngôi nhà nằm sát khu vực nhà dòng của các xơ. Do đó, thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn vào khu vườn cà phê râm mát này để học nhóm hoặc soạn bài, đôi khi vào lúc nghỉ giải lao có bạn hái một vài quả cà phê chín đỏ để thưởng thức vị ngọt của nó.

Sau này, lên bậc trung học, trên đường chúng tôi đi học, dọc theo con đường từ Trường Nam Tiểu học lên đến Trường Trung học Pleiku (nay là Trường THCS Nguyễn Du), tức bên phía sát đường Hoàng Diệu (đường Hùng Vương bây giờ), nếu không để ý thì cũng ít thấy các cây cà phê bên trong vì hàng rào của khu vườn vào mùa mưa bị vạt dã quỳ che kín.

Mãi sau này, khi khai mở thêm và trải nhựa các con đường Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu, Trần Quang Khải thì vườn cà phê này mới thật sự nhường chỗ cho nhà cửa mới xây dựng.

Một vườn cà phê khác nằm phía sau các nhà mặt tiền đường Hoàng Diệu đoạn lưng chừng con dốc võng Hội Phú; vườn cà phê này nằm cạnh con hẻm hồi đó chúng tôi thường gọi là hẻm võ sư Thanh Long (gần sát ngôi nhà ngày trước là Hợp tác xã Khai thác nước ngầm, nay là tiệm bán xe Honda). Vườn cà phê này tuy không rộng bằng vườn cà phê của các xơ dòng Mến Thánh giá nhưng cũng khá nhiều cây sum suê cao trên 3 m. Sau 1975, nhà cửa dân cư mọc lên nhiều nên vườn cà phê không còn nữa.

Từ năm 1963 trở đi, các xe quân sự lớn được quân đội chế độ cũ sử dụng tăng lên nhiều, việc làm đường vành đai để giảm bớt lượng xe đi qua nội thị được đặt ra. Khoảng giữa năm 1964, khi chúng tôi đang học hè tại Trường tư thục Văn Đức (nay là Trường Tiểu học Chu Văn An), đôi lúc, do làm xong bài tập trước các bạn, tôi lơ đãng nhìn ra ngoài lớp học để dõi theo những chiếc máy ủi mở đường nối từ cuối dốc đường Phan Đình Phùng ra đến giáp quốc lộ 14, đoạn đi qua khu Hoa Lư (lúc đó, đoạn quốc lộ 14 này được gọi là đường Lê Lợi nối dài), đoạn đường mới mở này cũng cắt ngang qua các cây vườn cà phê nhỏ của tư nhân.

Xa hơn, ngoài vùng ven cũng có một số vườn cây cà phê dạng tiểu điền là tại Plei Towat và tại khu vực Tiên Sơn-Hà Bầu vào giai đoạn cố Hiển (Corompt) làm linh mục quản xứ (1908-1957).

Trạm Thực nghiệm nông nghiệp Pleiku trong báo cáo năm 1929 ghi lại: Trạm đã từng nhân giống cà phê Arabica từ 5 cây cà phê khỏe mạnh của Plei Towat mà nguồn gốc được cho là các cây cà phê hoang dã do các loài chim đem hạt quả chín từ đâu đó về. Ngoài ra, Trạm cũng nhân giống cà phê Arabica từ các cây cà phê do cố Hiển trồng thử nghiệm trên một phần đất nhỏ nằm trong 100 ha đất ông được cấp gần Tiên Sơn-Hà Bầu để chia cho dân trồng lúa gạo và cây lương thực bắp, khoai, mì là chính.

Đường sá nội thị Pleiku thời bấy giờ do chiến tranh và do dân cư chưa đông nên rất ít mở mang, hẹp và ngắn. Pleiku lúc đó, ngoài một số ít đường được trải nhựa asphalt trong trung tâm, phía vùng ven nội thị đa số đều là đường đất nên vào mùa mưa, màu đất đỏ bazan được đem vô nội thị là từ bùn đất của những con đường này, chẳng nói đâu xa, bùn đất từ những con hẻm trong khu vườn ông Hai, nay là khu vực các đường Phù Đổng, Ama Quang, Lương Thạnh… dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay.

Pleiku vào mùa mưa như một bức vẽ với 2 màu tương phản: màu xanh của những tuyến đường nội thị râm mát với 2 hàng cây xanh cổ thụ ven đường, hòa cùng với màu xanh của các vườn cà phê trong nội thị và màu đỏ từ bùn đất mùa mưa. Xem ra trồng cây cà phê theo dạng tiểu điền dễ thành công hơn vì chủ nhân ở ngay bên cạnh để tiện chăm sóc.

Mới đó mà đã trải qua hơn nửa thế kỷ, người mới đến ngụ cư tại Pleiku từ những năm 80 trở đi ít ai biết đến những vườn cây cà phê dạng tiểu điền trong nội thị và vùng ven như vừa kể trên.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.