Cà phê, nhà hàng, du lịch ngóng hỗ trợ để tái xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các quán cà phê, nhà hàng hy vọng sớm được hỗ trợ; ngành du lịch trở về con số 0 cũng mong được cấp cứu gấp khi TP.HCM dần mở cửa khôi phục kinh tế.
TP.HCM đang dần mở cửa khôi phục kinh tế. Sau 2 năm Covid-19 và cú "nốc ao" 4-5 tháng qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, ăn uống, du lịch tại TP.HCM sức cùng lực kiệt, cần được hỗ trợ gấp.
Cà phê, nhà hàng méo mặt vì phí mặt bằng
Sau 5 năm tích cóp, chị Ngọc Thuận cùng một số người bạn quyết định mở một quán cà phê dành cho giới trẻ tại quận Phú Nhuận. Khai trương được 3 tháng, bắt đầu có khách quen thì Covid-19 ập đến. Tính đến nay, thời gian quán đóng cửa còn nhiều hơn so với mở bán. Chị Thuận đang trông chờ vào kế hoạch khôi phục kinh tế TP.HCM sau ngày 1/10, mới quyết định mở hay không.
"Mới kinh doanh nên thời gian đó hầu như lỗ. Đóng cửa liên tục thời gian qua nhưng tháng nào cũng trả tiền mặt bằng hơn chục triệu, chủ nhà họ không giảm tiền thuê. Tôi đang trông các quy định mở cửa rõ ràng hơn, bớt gắt gao hơn như xét nghiệm 2-3 ngày/lần mới tính đến chuyện bán lại", chị Thuận nói.

Hàng loạt chuỗi nhà hàng, cà phê, quán ăn trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận vẫn đóng cửa im ỉm. Ảnh: Hồng Phúc.
Hàng loạt chuỗi nhà hàng, cà phê, quán ăn trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận vẫn đóng cửa im ỉm. Ảnh: Hồng Phúc
Tại TP.HCM, các cửa hàng cà phê mọc lên khắp nơi. Không chỉ các mô hình nhỏ lẻ gặp khó mà nhiều hệ thống lớn cũng đang đau đầu. Ông Nguyễn Đức Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cà phê Napoli, cho biết doanh nghiệp của ông và các đối tác có hệ thống hơn 2.000 cửa hàng nhượng quyền, thời gian qua đều lao đao vì dịch.
"Chúng tôi phải trả chi phí mặt bằng và các chi phí cơ bản để tồn tại. Tôi còn có nhà máy xuất khẩu cà phê, rào cản giao thông hiện nay, thông hàng tại cửa khẩu cũng rất khó", ông Hưng nói.
Theo ông, thời gian qua, khó khăn của ngành F&B vẫn chưa nhận được các giải pháp hỗ trợ. Vì vậy, ông kiến nghị chính quyền TP.HCM và Chính phủ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp F&B đứng lên, khôi phục hoạt động. Đặc biệt, các chính sách này cũng cần có độ phủ rộng hơn để bao quát các đối tượng.
"Gói hỗ trợ của TP cho doanh nghiệp có kế hoạch phân bổ có độ bao phủ từ lớn đến nhỏ, từ doanh nghiệp nhà nước đến tư nhân hộ, tiểu thương… Làm sao để đều nhận được ít nhiều, làm sao đến tận tay các đối tượng thật sự khó khăn lúc này", ông kiến nghị.
Trong thư kiến nghị tập thể gửi lãnh đạo TP.HCM mới đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn uống như Golden Gate, KFC, Pizza Hut, Starbucks, Jollibee, Loterria, Red Wok, QSR Management, Lê Kiên, Mesa… đã đề xuất các gói hỗ trợ tài chính để "cấp cứu" trong giai đoạn khó khăn.
Cụ thể, các doanh nghiệp mong muốn được cấp nguồn cho vay và hỗ trợ trong vòng 24 tháng trong và sau dịch, hoặc hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 trong vòng hai năm. Đồng thời, đề xuất được khoanh nợ, giãn nợ cả gốc và lãi đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, không có khả năng thanh toán vì dịch.

Doanh nghiệp F&B kiến nghị người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, tuân thủ 5K được lưu thông, sản xuất kinh doanh và buôn bán. Ảnh: Hồng Phúc
Doanh nghiệp F&B kiến nghị người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, tuân thủ 5K được lưu thông, sản xuất kinh doanh và buôn bán. Ảnh: Hồng Phúc
Lãnh đạo một chuỗi hệ thống F&B lớn khác cho rằng sau ngày 1/10, nên cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, tuân thủ 5K được lưu thông, sản xuất kinh doanh và buôn bán. Vận chuyển, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu trong nội thành lẫn liên tỉnh cần được gỡ vướng, để khơi thông vùng trồng cà phê, rau củ quả, trái cây đang gặp khó khăn tiêu thụ.
Doanh nghiệp du lịch ngóng hỗ trợ
Các doanh nghiệp du lịch cũng rất phấn khởi khi TP.HCM cũng như cả nước chấp nhận "thẻ xanh Covid-19". Nhiều doanh nghiệp hồ hởi khẳng định có thể kích hoạt trở lại ngay khi Chính phủ, ngành du lịch cũng như các địa phương thống nhất phương án, văn bản hướng dẫn cụ thể về việc đón khách.
Dù vậy, trong khi chờ các phương án cụ thể được đưa ra, điều khiến ngành du lịch lo nhất hiện nay là nguồn nhân lực cũng như nguồn tài chính.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng phòng Truyền thông - Marketing TST Tourist cho biết, thời gian qua đã có nhiều kiến nghị với các sở, ban ngành về những vấn đề liên quan mật thiết đến sự an toàn, tồn tại của doanh nghiệp, đảm bảo duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nhằm duy trì khả năng đáp ứng và hồi phục.

Doanh nghiệp du lịch kiến nghị cần được hỗ trợ gấp để tái hoạt động. Ảnh: Hồng Phúc
Doanh nghiệp du lịch kiến nghị cần được hỗ trợ gấp để tái hoạt động. Ảnh: Hồng Phúc
Bên cạnh đó là các nhóm đề xuất liên quan chính sách miễn giảm, gia hạn thuế doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, chính sách trợ cấp dành cho người lao động mất việc, nghỉ không lương và hướng dẫn viên khó khăn… 
"Chúng tôi rất mong Chính Phủ và lãnh đạo TP.HCM có sự hỗ trợ nhanh chóng và tích cực hơn đối với ngành lữ hành. Vì đến giai đoạn hiện nay không còn nhiều doanh nghiệp lữ hành còn đủ sức khoẻ tồn tại, cả về tài chính và nguồn nhân lực", ông Mẫn nói.
Còn Vietravel, doanh nghiệp này có 1.700 người lao động nhưng có thời điểm chỉ 15-20 người đến cơ quan để duy trì hoạt động hành chính. Lực lượng hướng dẫn viên đông đảo nhưng cũng chỉ có 141 người đủ tiêu chí được nhận gói hỗ trợ gần đây nhất.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Vietravel, kiến nghị Chính phủ cần sớm có chính sách hỗ trợ kịp thời, nhất là về tài chính để các doanh nghiệp du lịch có nguồn vốn đầu tư mạnh trở lại sau khi dịch được khống chế. 
"Một trong những chính sách được các doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là sớm được tiếp tục cơ cấu lại khoản nợ, giãn nợ và không chuyển nhóm nợ để có thể được tiếp tục vay vốn mới duy trì hoạt động. Các chính sách hỗ trợ càng sớm đến được với doanh nghiệp là cơ hội góp phần giúp phục kinh tế nhanh nhất", bà Huỳnh Phan Phương Hoàng nói với Dân Việt.
Theo Hồng Phúc (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.