Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 23).
Một góc thủy đình phường múa rối Nguyên Xá (Thái Bình). (Ảnh: Báo Tin Tức/TTXVN) |
Theo đó, trong đợt này, có tám di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những di sản này thuộc địa bàn các tỉnh/ thành phố: Hà Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Thọ, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa.
Cụ thể, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận lần này bao gồm:
1/ Kỹ thuật làm giấy bản của người Dao đỏ (thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang).
2/ Hát đúm Thủy Nguyên (xã Phục Lễ, xã Phả Lễ, xã Lập Lễ, xã Tam Hưng, xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng).
3/ Lễ hội đền Quả Sơn (xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An).
4/ Lễ hội đền Lăng Sương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).
5/ Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê (huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa, Phú Yên).
6/ Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - Núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh, Tây Ninh).
7/ Nghệ thuật múa rối nước ở Nguyên Xá và Đông Các (xã Nguyên Xá, xã Đông Các, huyện Đông Hưng, Thái Bình).
8/ Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa).
Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, có 257 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. |
An Ngọc (Vietnam+)