Buôn Đôn, bình minh trên mái nhà sàn…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 30km, Buôn Đôn được xem như ngôi nhà cổ sơ còn lại của bắc Tây nguyên. Khi chúng tôi đến, tiếng cồng chiêng từ bờ sông Sêrêpôk vang vọng...
Khi Y Thị, một chàng trai Ê Đê ôm đàn hát bản nhạc Đứa con núi rừng, tôi như bừng tỉnh nhớ đến câu chuyện bàn luận hôm trước trong một ngôi quán ở Buôn Ma Thuột. Đề tài không gian văn hóa Tây nguyên được một anh bạn đồng nghiệp lớn tuổi nhắc đi nhắc lại xem như vốn đúc kết 35 năm đã sống với Đắk Lắk, rằng: “Rừng, voi, cồng chiêng, rượu cần và phong tục tập quán của người dân bản địa là vô cùng quý giá. Những thứ ấy đã tạo nên không gian văn hóa đặc thù, không lẫn vào đâu được. Đừng bao giờ đẩy chúng về miền quá khứ, để rồi chỉ còn trong hoài niệm”. Người đàn ông bước qua tuổi thất thập đã lâu, từng gửi tuổi thanh xuân của mình ở miền đất này, khi nói lên những điều ấy vẫn như run run xúc động.

Cầu treo ở Khu du lịch Bản Đôn-Thanh Hà. Ảnh: Quang Viên
Cầu treo ở Khu du lịch Bản Đôn-Thanh Hà. Ảnh: Quang Viên
Bây giờ, tiếng đàn ngân lên bên dòng sông nước chảy ngược không nơi nào có như Sêrêpôk và giọng hát hoang dại của Y Thị cất lên, khiến vùng tâm tưởng của tôi thức dậy những kỷ niệm hơn 30 năm trước, đã từng sống và dạy học mấy năm ở vùng đất này. Hỏi Y Thị về vài người quen cũ và cả nhóm học trò như H’ Smốt, H’ Duyết, Y Hay… mới biết rằng cậu ấy là đàn em của tay nhạc công chơi guitar bass rất điêu luyện trong dàn nhạc năm nào, là anh chàng Y Hay có mái tóc bồng bềnh, luôn chơi nhạc một cách ngẫu hứng trên sân khấu.
Trụ lại ở Buôn Đôn
Tình cờ, ông chủ của Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Thanh Hà, nơi chúng tôi đến, tên là Nguyễn Trụ, một bác sĩ y khoa của thập niên 1980. Ông yêu núi rừng, yêu văn hóa Tây nguyên nên lên đây làm ăn, như ông tỏ bày tâm huyết. Lúc ấy, trong tôi chợt nảy ra một liên tưởng nhỏ và nói đùa: “Vậy là từ lòng yêu mến ấy, ông đã trụ lại Buôn Đôn?”.
Người chủ có giọng nói sang sảng hồn nhiên cười trả lời “đúng vậy” rồi dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trên những lối đi lát đá và hoa nở từng cụm ven lối, với hơn 20 căn nhà nghỉ được thiết kế mái nhọn vuốt lên trời như mái nhà sàn của bà con dân tộc thiểu số, ẩn dưới cây rừng. Mỗi căn nhà có từ 4 đến 8 chỗ cho khách nghỉ, đều lấy tên đặc trưng bản địa như Kơtia, Chapi…với bậc thang bước lên và thềm nhà bằng gỗ ghép.

Khu mộ voi, nơi để tưởng nhớ đôi voi Pắc Kú và H’Panh. Ảnh: Quang Viên
Khu mộ voi, nơi để tưởng nhớ đôi voi Pắc Kú và H’Panh. Ảnh: Quang Viên
Ở trong căn nhà ấy, tôi nhìn thấy trên bàn mấy trang tư liệu được in nhỏ bằng loại giấy sẫm màu, ghi là Hạt ngọc cao nguyên, giới thiệu về lai lịch giống cà phê Robusta đến vùng đất Ban Mê từ năm 1857, là anh em với giống cà phê Arabica được trồng ở Việt Nam trước đó.
Ông Trụ nói: “Tôi đến Buôn Đôn, và trụ lại ở đây hơn 30 năm. Càng sống, càng tìm hiểu mới thấy rằng những hiểu biết của mình về vùng đất này chưa bao giờ hết được. Mỗi ngày đều có một bất ngờ. Điều đó cho thấy kho tàng văn hóa Tây nguyên luôn hiện hữu trong dòng chảy sinh hoạt hằng ngày của người dân, mà sự khám phá của mỗi con người rất hữu hạn”.
Buổi chiều nhạt nắng, sau khi đi một vòng qua mấy chiếc cầu treo bắc trên dòng sông Sêrêpôk nước cuộn chảy, để chụp hình, chúng tôi bắt gặp một bức tượng lớn trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng. Ở đó, hình ảnh của vua săn voi Buôn Đôn là Y Thu K’Nul, sống đến 110 tuổi (1827 - 1937), cũng là nhân vật lừng danh Tây nguyên, được tạc và thờ cúng trang trọng trong khu tưởng niệm.
Đoạn thuyết minh dưới chân bức tượng ghi rằng (nguyên văn): “Ông là người khai sinh ra địa danh Bản Đôn và là người có công lao to lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng (bằng dây da con trâu)… Ông là nhân vật lịch sử, lãnh đạo tinh thần và trở thành một huyền thoại của đất rừng Bản Đôn”.

Một nhánh suối ở Buôn Đôn vào mùa mưa. Ảnh: Quang Viên
Một nhánh suối ở Buôn Đôn vào mùa mưa. Ảnh: Quang Viên
Đêm với âm vang Tây nguyên
Anh bạn đồng nghiệp cùng đoàn lúc chiều đã kịp bắt chuyện với vài cô gái mặc váy thổ cẩm ở trong khu du lịch. Họ tíu tít đi lại để lo những công việc phục vụ cho khách ăn uống nghỉ ngơi, cười nói với nhau bằng tiếng của người bản địa, nhưng khi anh bạn hỏi chuyện, lại nói bằng tiếng người Kinh. Hỏi thêm cách phát âm vài câu chào, vài câu giao tiếp đơn giản, các cô gái dúi vào nhau khúc khích. Và mỗi cô tự giới thiệu tên mình: H’ Len, H’ Ni, H’ Nhi và H’ Linh. Những cô gái này là pho tư liệu sống về phong tục của người dân nơi đây, vì nhà họ chỉ cách bán kính khu du lịch vài cây số.
Bữa tối, anh bạn là kỹ sư cầu đường trong đoàn gọi món nem Buôn Đôn cuốn lá sung, để nhâm nhi cùng rượu thuốc A Ma Kông do ông Trụ tự ngâm. Rồi tiếp theo là cơm lam nướng với ống nứa, vài món làm từ cá lăng, rau rừng…, chúng tôi đã có một bữa tối mang phong vị ẩm thực đậm chất núi rừng.
Lát sau, Y Thị lại mang ra cây đàn guitar để hòa cùng giọng hát của các cô gái Ê Đê, M’ Nông với các bản nhạc tiếng Ê Đê quyện lấy Ly cà phê Ban Mê, H’ Den lên rẫy… Ánh lửa đêm rừng soi tỏ ánh nhìn long lanh của các cô gái lúc này cũng đã hồng lên vì chút men rượu. Họ đàn với tiết tấu càng lúc càng nhanh, họ hát với giọng nồng ấm và nhún nhảy giao lưu như một cách tỏ bày sự mến khách đến từ phương xa.

H’Len (trái) và H’ Linh, 2 cô sơn nữ làm việc trong khu du lịch sinh thái Bản Đôn-Thanh Hà. Ảnh: Quang Viên
H’Len (trái) và H’ Linh, 2 cô sơn nữ làm việc trong khu du lịch sinh thái Bản Đôn-Thanh Hà. Ảnh: Quang Viên
Dường như cơn mưa rỉ rả của đêm tối không ngăn được cảm xúc âm nhạc bật ra trên những đôi môi thiếu nữ. Một ly rượu nhỏ, rồi hai ly, ba ly… Lúc họ trở về với ngôi nhà sàn của gia đình mình ở đâu đó, tiếng hát của họ vẫn còn vương lại trên những tàn cây.
Buổi sáng hôm sau, khi bình minh chiếu rọi trên những mái nhà chóp nhọn, chúng tôi thức giấc rồi rời đi. Bước ra phía bờ sông, ánh nắng thanh khiết buổi ban mai len lỏi qua ngàn lá. Để lại phía sau một vầng trời, tiếng róc rách của dòng suối và tiếng chim rừng như còn muốn níu giữ bước chân du khách…
Theo Trần Thanh Bình (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.