(GLO)- Tại Hội thao võ chiến đấu tay không của Quân đoàn 3, người xem hết sức ấn tượng với sự có mặt của 28 “bóng hồng” đầy quyết liệt, nhiệt huyết trên sàn đấu.
Nguyễn Thị Thùy Dương-nhân viên Bảo tàng Quân đoàn (người bên trái) tranh tài ở trận chung kết hạng cân dưới 48 kg. Ảnh: Vũ Huy Hiển |
Những ngày đầu tháng 7, Nhà Thi đấu Quân đoàn 3 luôn rộn ràng những tiếng hô vang, cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả cho hơn 200 vận động viên tranh tài ở 9 hạng cân dành cho nam (từ dưới 51 kg đến trên 80 kg) và 6 hạng cân dành cho nữ (từ dưới 48 kg đến trên 60 kg). Theo dõi giải đấu, chúng tôi chứng kiến không ít nụ cười hạnh phúc và cả những giọt nước mắt tiếc nuối của 28 vận động viên nữ. Để có mặt ở giải đấu, với các vận động viên nam đã là một sự cố gắng nỗ lực lớn, nhưng với phái nữ, những người chân yếu tay mềm, khó khăn càng gấp bội.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thùy Dương (nhân viên Bảo tàng Quân đoàn) tâm sự: “Biết em tham gia tập võ, chồng em phản đối lắm. Nhưng khi nghe em chia sẻ thì anh ấy cũng cảm thông phần nào, hầu như ngày nào cũng điện thoại về hỏi han việc luyện tập của em. Cũng may là cơ quan gần nhà, lại gần ông bà ngoại nên em được giúp đỡ nhiều, nhất là chăm thằng bé mới 5 tuổi. Mấy hôm đầu tiên tập luyện về đau cơ, nhức mỏi em không làm được việc gì cả, phải một vài ngày sau mới quen được”. Bên cạnh việc tham gia hội thao, Trung úy Dương còn phải tranh thủ bố trí sắp xếp thời gian hợp lý để không làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của đơn vị.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Thị Tú Nguyên (nhân viên điều dưỡng Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 10) lại là một trường hợp khác. Lần đầu tiên tham dự hội thao, Trung úy Nguyên lo lắng rất nhiều, phần vì bản thân, phần vì 2 đứa con, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 20 tháng. Một tuần tham gia giải đấu trên Quân đoàn, chị phải theo xe của đơn vị từ Kon Tum sáng đi tối về để chăm sóc con nhỏ. Sự cố gắng ấy đã được đền đáp xứng đáng khi chị giành huy chương vàng hạng cân dưới 48 kg một cách hết sức thuyết phục.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Đức (nhân viên nấu ăn thuộc Phòng Hậu cần, Lữ đoàn 7), họ chẳng bao giờ nghĩ vợ, mẹ mình có ngày lên sàn đấu võ. Năm ngoái, các con chị Đức đi học xa nhà biết tin mẹ tham gia đã quyết liệt phản đối vì cho rằng mẹ đã nhiều tuổi. Đến khi chị vinh dự đứng trong đội vận động viên Quân đoàn 3 tham gia giải đấu toàn quân và lọt vào tận vòng tranh huy chương thì các con chị mới “chịu thua” mẹ. Tại hội thao năm nay, vẫn là người nhiều tuổi thứ hai (chị Đức sinh năm 1973) nhưng được sự ủng hộ hết mình từ phía gia đình và đơn vị, với những kinh nghiệm tích lũy được mùa giải trước, chị đã dễ dàng đánh bại các đối thủ để giành chiếc huy chương vàng thứ hai ở giải đấu của Quân đoàn.
Mỗi vận động viên nữ, dù ở cương vị công tác khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi lên sàn đấu, họ đều thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của cơ quan, đơn vị. Trung tá Lê Văn Tuân-thành viên Ban tổ chức Hội thao võ thuật Quân đoàn cho biết: “Mặc dù nội dung võ thuật các chị em không được huấn luyện thường xuyên như các vận động viên nam, rồi điều kiện thể lực hạn chế, lại vướng bận chuyện gia đình con cái nhưng qua giải lần này chúng tôi thấy các vận động viên nữ đã có sự cố gắng rất lớn, không còn lúng túng như mùa giải trước. Sự tham gia của các chị em đã làm cho giải đấu có thêm nhiều cung bậc cảm xúc”.
Vũ Huy Hiển