Bok Núp chống Pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vai trò của Anh hùng Núp trong kháng chiến chống Pháp với Tây Nguyên, với đất nước này là hết sức quan trọng và nổi bật.
Những người am hiểu Tây Nguyên và lịch sử kháng chiến của nhân dân Tây Nguyên đều biết, từ thời chống Pháp, ở Tây Nguyên có nhiều người với vai trò lãnh tụ, người đứng đầu cộng đồng, cùng đứng lên chỉ huy dân làng chống Pháp như: cụ Mết, bok Wừu, bok Núp... Họ đều được tiếp xúc với “người Đảng”, rồi giác ngộ, rồi lập làng chiến đấu.
 Anh hùng Núp (giữa) cùng tác giả và các nhà văn trong một chuyến công tác tại Kon Tum. Ảnh: H.H.G
Anh hùng Núp (giữa) cùng tác giả và các nhà văn trong một chuyến công tác tại Kon Tum. Ảnh: tư liệu của H.H.G
Rồi cùng vào sách, cả bok Núp và cụ Mết cùng trở thành nhân vật của văn chương, thậm chí hình tượng cụ Mết với rừng xà nu bất tử còn lung linh hơn bok Núp với làng Kông Hoa huyền thoại. Nhưng người ta vẫn thấy một bok Núp lừng lững, một Anh hùng Núp trở thành biểu tượng của Tây Nguyên, của không chỉ một thời kháng chiến, mà đến giờ ông cũng vẫn là một tượng đài.
Hình như chưa có ai cắt nghĩa một cách thấu đáo vấn đề này. Nó đặt ra một vấn đề thú vị của đời sống lịch sử, của văn hóa và cả văn chương nghệ thuật. Theo tôi, bằng tư duy còn nhiều hạn hẹp, có thể lý giải một cách đơn giản nhất như thế này chăng:
Thứ nhất, là ở cốt cách từng người. Có người sinh ra đã mang mệnh đế vương, có người lại mang dáng cao sang, người mang tư chất thủ lĩnh... Ở bok Núp toát lên tư chất thủ lĩnh dù nhìn ông rất hiền. Đôi mắt nhỏ như mắt voi nhưng ở ông có sự thu hút lạ kỳ. Chính sự thu hút ấy khiến ông dễ dàng nổi bật ở tất cả mọi nơi mình xuất hiện, từ thời “bắn Pháp chảy máu” cho đến sau này khi ông về quê đánh Mỹ và rồi xây dựng quê hương. Vai trò của ông là vai trò tập hợp, vai trò thủ lĩnh, chứ không phải là người thực hiện từng công việc cụ thể. “Bắn Pháp chảy máu” là công việc cụ thể và ông chỉ thực hiện thời còn làm thủ lĩnh “lũ làng Kông Hoa”. Sau này, ông là thủ lĩnh tinh thần, là biểu tượng Tây Nguyên, chứ ngay cả khi về nhà mình, ông cũng không biết tối nay sẽ ăn gì, ăn lúc nào. Đi với ông về nhà ông ở làng, đồng nghĩa với việc khách phải tự lo việc ấy, lo cho mình và lo cho ông luôn, chứ ông gặp dân làng là cứ thế díu lại.
Thứ hai, bok Núp được xem là tượng đài đậm chất Tây Nguyên. Ra Bắc, đi học, làm cán bộ, rồi trở lại quê, ông giữ nguyên cốt cách Bahnar, cốt cách Tây Nguyên của mình. Từ cái cách địu người con trai xuyên Việt ra Bắc, đến trở về nối dây với bà Chrơ, rồi lang thang xuống làng, xuống làng như một nhu cầu thường trực. Tôi từng nhiều lần theo ông xuống làng, tức là chưa biết ngày nào sẽ về, chưa biết sẽ dừng ở đâu. Ông là người Tây Nguyên lãng mạn nhất mà tôi từng gặp. Đi, đi và đi, ít có khái niệm dừng hoặc quay về. Và khi về nhà ông, cái phòng trong khu tập thể Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trên đường Trần Hưng Đạo, ông như một con người khác, chỉ ngồi, ít nói, như đang mơ tưởng về đâu đó xa lắm, khác hẳn cái tư thế chủ động, hoạt bát, năng nổ khi ông về làng, lên một ngôi nhà sàn nào đấy giữa dân làng, bên ghè rượu, bếp lửa... hoặc một ngôi nhà nào đấy, chủ nhà vần ghè rượu ra và nồi cơm nghi ngút, đĩa cá khô nướng giã muối, ông “sa ngo” với họ, tưng bừng và hết mình.
Thứ ba, tất nhiên có vai trò của văn chương, của nhà văn Nguyên Ngọc. Nguyên Ngọc có nhiều tác phẩm hay và đẹp. “Rừng xà nu” rất hay, văn lung linh, đẹp như huyền thoại. “Đường chúng ta đi” một thời được coi là bài thơ xung trận, là tiếng kèn tiến công, là một áng văn tuyệt tác, bất hủ của tiếng Việt, hàng triệu người thuộc lòng, hàng vạn người gói nó trong tim ra trận... Nhưng “Đất nước đứng lên” lại trở thành tác phẩm có sức lan tỏa rất mạnh mẽ, hình tượng Anh hùng Núp rất nhanh chóng trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của sự dũng cảm, của Tây Nguyên, của đất nước... là bởi “Đất nước đứng lên” đã vẽ ra một Tây Nguyên cụ thể hơn. Tây Nguyên không chỉ có anh Núp đánh Pháp, mà còn có Liêu, có dân làng với những bí ẩn văn hóa, tò mò văn hóa, lạ lẫm văn hóa, một văn hóa khác lạ mà bấy giờ bạn đọc, nhất là bạn đọc phía Bắc, chưa biết chưa nghe chưa đọc. Nó mở ra một kênh mới về Tây Nguyên mà bok Núp là đại diện. Thêm vào đó, gu đọc của một thời là hình tượng người anh hùng. Cụ Mết đẹp kiểu ẩn hiện, lẫn vào... rừng xà nu, bị những cây xà nu đẹp đến đau đớn và bi thương che khuất. Còn bok Núp, lẫm liệt trong văn Nguyên Ngọc, hiện diện đủ đầy với tư cách nhân vật tiểu thuyết và mang hơi hướng bút ký, là những thể văn miêu tả nhân vật trực diện chi tiết đến tận cùng chứ không thăng hoa ảo mờ kiểu tùy bút của cụ Mết. Thời ấy, những nhân vật anh hùng trong văn chương luôn là hình ảnh lý tưởng của người đọc, của thế hệ ấy, cả người lớn và trẻ em... Mà bok Núp thì lại vừa là nhân vật văn chương vừa là người thật ngoài đời...
Và, cũng phải nói luôn nữa, bài hát “Ca ngợi Anh hùng Núp” của nhạc sĩ Trần Quý quá hay. Hay cả ca từ và giai điệu. Cái giai điệu hào hùng nhưng da diết, hoành tráng mà trữ tình, trong sáng nhưng vẫn gieo thổn thức, gieo cảm xúc chiều sâu, đến giờ nghe vẫn thích. 
Vai trò của Anh hùng Núp trong kháng chiến chống Pháp với Tây Nguyên, với đất nước này là hết sức quan trọng và nổi bật. Và đến giờ vẫn thế. Những cách cắt nghĩa thêm, có chăng, chỉ làm vai trò của ông nổi bật hơn, chính xác hơn và hiện hữu hơn mà thôi...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.