Từ việc được kết nối với một nhân vật mà Báo Thanh Niên từng giới thiệu trên mục Giới trẻ, một anh nông dân đã có cơ hội đổi đời bằng xe bánh mì sau khi khởi nghiệp ở tuổi 34 sau 20 năm trồng cà phê.
|
Anh Lê Thanh Xuân chụp ảnh cùng vị khách nước ngoài yêu thích món bánh mì kẹp của anh - Lê Nam |
Khi đổi đời bằng xe bánh mì anh Lê Thanh Xuân, 38 tuổi, quê ở Nam Định chia sẻ: "Đến bây giờ mình vẫn có một chút tiếc nuối, tại sao mình lại làm vườn lâu đến thế?"
Năm 17 tuổi, anh theo gia đình vào Lâm Đồng khai hoang làm vườn, trồng cà phê rồi lập gia đình. Suốt 20 năm lao động quần quật nhưng kinh tế gia đình vẫn chẳng dư dả; làm nông nghiệp hết phụ thuộc vào thời tiết lại đến thị trường đầu ra khiến anh chán nản…
Trong một lần đến Bình Dương thăm bạn, anh thấy mô hình chuỗi kinh doanh mà bạn mình làm hoạt động hiệu quả. Nhận thấy việc làm vườn mãi cũng không thể khá được nên bản thân anh muốn thay đổi.
Về Lâm Đồng, anh bàn với vợ bán vườn để lấy vốn làm ăn nhưng thật tình lúc đó chưa biết phải làm gì. “Trước giờ chỉ biết đến làm vườn, chuyên môn mình không có…”, anh Xuân nói.
|
Anh nông dân bỏ tất cả để đi bán bánh mì - Lê Nam |
Lúc ấy, anh chợt nhớ lại câu chuyện cách đây 10 năm trong một lần đến TP.HCM chơi, anh vô tình thấy một chị bán bánh mì truyền thống nhưng rất đắt khách. Anh nông dân uống một ngụm trà, chăm chú quán sát chị bán bánh mì và nhẩm tính về doanh thu mà chị bán được. Anh thấy hiệu quả. Sau một hồi suy nghĩ, anh đã có quyết định của riêng mình.
Mặc dù biết bản thân sẽ bán bánh mì nhưng chưa biết phải bắt đầu thế nào, bán làm sao để cạnh tranh được với các hàng khác, anh Xuân tìm đến các mô hình nhượng quyền.
Anh nông dân bỏ tất cả đi bán bánh mì
Anh kể: “Trước khi chính thức gắn bó bánh mì, mình phải đi ăn thử nhiều điểm bán của công ty. Mình thấy ngoài bánh ngon, thì về mặt hình thức nhận diện thương hiệu từ nhân viên cho đến quy trình phục vụ đều chuyên nghiệp”.
Anh Xuân nhớ lại, lúc đó trên thị trường có không ít các chuỗi cửa hàng bánh mì Kebab, như Đồng Nai có thương hiệu bánh mì Táo Đảo nổi tiếng, hay ở TP.HCM không thiếu các xe bánh mì Kebab tự phát trên vỉa hè, họ cũng đi chuyển giao công nghệ, cung cấp thương hiệu cho những ai có nhu cầu. Sau khi thử qua tất cả, anh chỉ thấy bánh mì Kebab Torki là ổn nhất.
“Gia vị ướp thịt ngon, nước sốt độc quyền, rau ngâm đủ giòn… Lúc làm bánh, các chỗ khác họ làm bánh xong mới cho vào nướng khiến rau bên trong bị tái hết đi. Còn ở đây là nướng bánh giòn mới cho rau và thịt vào".
Cách đây 4 năm, anh Xuân bắt đầu mở những xe bánh mì đầu tiên tại Vũng Tàu, Đồng Nai… Với giá 12.000 đồng/chiếc, các xe bánh mì của anh đều được khách hàng đón nhận, mỗi ngày bán vài trăm chiếc. Nhờ làm việc chăm chỉ và tâm huyết với công việc, hai vợ chồng mở thêm được nhiều xe bánh mì mới. Anh Lê Quốc Thạch, người sáng lập ra thương hiệu bánh mì Torki nhận thấy tiềm năng ở anh Xuân nên đề nghị hợp tác dưới dạng chuyển giao thị trường để anh phát triển. Anh Xuân đồng ý, cứ ai có nhu cầu mở xe bánh mì, anh Thạch lại chuyển cho anh Xuân tư vấn, hỗ trợ mở cửa hàng…
Cuối 2019, anh nhường lại thị trường cũ cho người khác và đưa cả gia đình lên Đà Lạt phát triển thị trường mới. Mới hơn 3 tháng, anh đã mở đến chi nhánh thứ 5, phủ kín các địa điểm đông khách tại TP. Đà Lạt.
Anh Xuân kể, điểm đầu tiên, một ngày anh bán khoảng 300 cái. Hiện tại học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch virus corona, số lượng mỗi ngày bán gần 200 cái. Sau đó anh mở thêm địa chỉ thứ 2, xung quanh có nhiều trường học, bình thường học sinh đi học cứ tấp nập ghé xe bánh mì từ sáng đến tối, bán không nghỉ tay…
“Sắp tới kế hoạch mình sẽ mở thêm 2, 3 điểm nữa để làm sao phủ kín một vài cái nơi mà mình chưa tới tại Đà Lạt. Mình cũng muốn chiếm lĩnh thị trường sớm, không để các đối thủ khác chen chân vào”, anh cười.
|
Khách hàng chờ mua bánh mì của anh Lê Thanh Xuân - Lê Nam |
Khi được hỏi về doanh thu, anh thành thật chia sẻ: “Sau khi trừ tiền nguyên liệu như thịt, rau, sốt hay tiền điện đóm... thì lợi nhuận ít nhất được 6.000 đồng/chiếc. Tiền thuê nhân viên và tiền mặt bằng thì tùy từng cửa hàng”.
“Mình trừ hết đi rồi vẫn có lãi từ 6-7.000 đồng/bánh; 200 cái bánh mì là mình kiếm được 1,2 triệu đồng/ngày. Tính trung bình, 1 tháng lợi nhuận khoảng 15-30 triệu đồng/cửa hàng. Đấy là thuê hoàn toàn, mình không làm nha”, anh Xuân nói.
1 xe bánh mì lãi bằng cả năm trồng cà phê
Khi được hỏi anh có nhớ lại khoảng thời gian ngày trước làm vườn kinh tế nào không, anh giãi bày: “Đến bây giờ mình vẫn vẫn có một chút tiếc nuối, tại sao mình không đi sớm hơn một tí, tại sao mình không làm vườn 10 năm thôi rồi mình đi mà mình lại làm tới 20 năm?”.
“So với nhiều người thì nguồn thu từ cây cà phê ở Lâm Đồng cũng tương đối đấy. Ngày xưa, vườn nhà mình một năm thu được 10 tấn cà phê. Như giá hiện tại bây giờ là 30.000 đồng/kg. 10 tấn thì cỡ 300 triệu đồng/năm/vườn.
Sau khi trừ phân bón đầu tư, thuốc trừ sâu, công hái, công thu hoạch, chưa kể công mình trong cả năm vất vả thì mình lời khoảng 120 triệu đồng - 150 triệu đồng là hết cỡ. Thế thì mình chỉ so sánh với một cửa hàng bánh mì thôi. Đơn giản lãi khoảng 10-15 triệu đồng/tháng/1 xe bánh mì thì mình đã thu nhập bằng một cái vườn cà phê 3 ha với sản lượng 10 tấn. Mà một năm thu hoạch 10 tấn cà phê đã thuộc dạng khá trong xã rồi đấy”, anh nhẩm tính.
|
Con gái út của anh Xuân hỗ trợ ba bán bánh mì cho khách trên Đà Lạt - Lê Nam |
Ngoài việc có thể mở rộng chuỗi 5 cửa hàng ở Đà Lạt, anh Xuân còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều anh em, con cháu trong nhà. Thay vì đi làm công nhân với mức lương phổ thông từ 5-6 triệu đồng/ tháng, trừ tiền ăn uống sinh hoạt cũng chẳng còn bao nhiêu thì vào Đà Lạt làm xe bánh mì với anh, mức lương tốt hơn hẳn, lại có anh em cũng gần gũi, tình cảm.
Mỗi lúc rảnh rỗi, anh Xuân thường mang đàn guitar ra ca hát. Anh nói việc biết chơi đàn guitar cũng là do ngày xưa làm vườn buồn chán quá, sáng làm xong tối ngồi không, thấy bạn chơi rồi anh học theo, say sưa lúc nào không biết. Mỗi ngày cứ ôm đàn từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm, mê đắm lắm...
|
Anh nông dân ngày nào chơi đàn giỏi, hát hay, giờ thành ông chủ của nhiều cửa hàng bánh mì kẹp được mọi người yêu thích - Lê Nam |
Những ngón tay đàn vẫn thành thục như ngày còn làm vườn, giọng hát vẫn chân chất mộc mạc, nhưng chỉ có điều ngày xưa chơi đàn vì buồn chán, rảnh rỗi; còn bây giờ, anh chơi đàn vì nhớ, vì phải tranh thủ những lúc giải lao để ca hát chứ công việc bận bịu, khách hàng ra vào mua bánh mì thường xuyên không còn thời gian để buồn. Nhìn khách ăn ngon miệng, vừa hát, anh vừa cười vui lắm…!
Theo Lê Nam (ThanhNiên)