Ba cuốn “Phẩm cách quốc gia”, “Phẩm cách cha mẹ” và “Phẩm cách phụ nữ” bán được hàng triệu bản tại Nhật, tạo dư luận lớn tại đất nước hoa anh đào mới được xuất bản tiếng Việt.
Theo ông Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh ngành Giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa, Nhật, là dịch giả của bộ sách - trong khoảng từ năm 2005 đến 2007, ba cuốn sách Phẩm cách quốc gia (2005), Phẩm cách phụ nữ (2006) và Phẩm cách cha mẹ (2007) liên tiếp ra đời như một hiệu ứng dây chuyền. Sự xuất hiện của ba cuốn sách làm cho dư luận Nhật Bản nổi sóng trong thời gian dài.
Mới đây, NXB Phụ Nữ đã mua bản quyền, tiến hành dịch thuật, biên tập và xuất bản bộ ba cuốn về phẩm cách tại Việt Nam.
|
Ba cuốn sách bàn về phẩm cách từng bán hàng triệu bản, là đề tài bàn luận sôi nổi tại Nhật mới xuất bản tại Việt Nam. |
Bộ ba cuốn sách tạo hiệu ứng được khởi đầu từ Phẩm cách qốc gia - tác phẩm được chính tác giả Fujiwara Masahiko nhìn nhận là “cuốn sách vô cùng hiếm hoi bàn về quốc gia có phẩm cách được viết ra bởi tác giả không có phẩm cách”.
Fujiwara Masahiko vốn là nhà toán học, Giáo sư thỉnh giảng tại đại học ở Mỹ. 3 năm sống tại Mỹ, ông quen với tư duy logic của người phương Tây, và cảm thấy dễ chịu bởi lối tư duy đó. Nhưng một năm sống tại Anh, nơi tập quán, truyền thống, sự thành thật và hài hước của cá nhân được coi trọng hơn logic, Fujiwara thay đổi nhận định về đặc trưng quốc gia.
Fujiwara cho rằng sau chiến tranh Thế giới Thứ Hai, người Nhật đã mất đi lòng tự hào, sự tự tin đối với tổ quốc và trở nên yếu đuối, đã quên hết “cảm xúc và hình thức” có nguồn gốc xa xưa của nước mình, và đi theo logic cùng sự lý tính Âu Mĩ.
Tác giả dùng những từ mạnh, cho rằng việc Nhật Bản mất đi đặc trưng của mình là mất đi “phẩm cách quốc gia”. Trong sách Phẩm cách quốc gia, tác giả đi ngược lại những nhận định đang trở thành xu hướng của số đông. Ông phản đối chuyện bắt buộc học tiếng Anh từ tiểu học, và khuyến khích coi trọng tiếng mẹ đẻ.
Theo tác giả, một quốc gia có phẩm cách có đặc trưng sau: Độc lập và không bị phụ thuộc; Đạo đức cao; Ruộng vườn đẹp đẽ; Sự xuất hiện liên tục của các thiên tài. Với Fujiwara, sự phát triển rực rỡ của văn hóa mới là thước đo phẩm cách. Việc phát triển kinh tế 10 năm ấn tượng của một quốc gia không thể giúp khẳng định đó là quốc gia tuyệt vời.
|
Tác giả Fujiwara Masahiko - người châm ngòi cho cuộc tranh luận tại Nhật năm 2006 khi bàn về phẩm cách của quốc gia. |
Cuốn sách Phẩm cách quốc gia đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận Nhật khi ra mắt. Bà Bando Mariko - chủ tịch hội đồng đời thứ 5 Đại học nữ sinh Showa, trưởng phòng bình đẳng nam nữ trong phủ thủ tướng, cục trưởng bình đẳng năm nữ phủ nội các Nhật - cho rằng, tiền đề của quốc gia có phẩm cách là sự tồn tại của các cá nhân có phẩm cách. Là người hết lòng vì đấu tranh cho bình đẳng, sự phát triển của phụ nữ, Bando Mariko đã viết cuốn Phẩm cách phụ nữ.
Sách cho thấy trong xã hội hiện đại, vai trò của phụ nữ đã thay đổi, đạo đức truyền thống không còn thông dụng, nhưng các tiêu chuẩn mới chưa được xác lập, làm nảy sinh sự hỗn loạn. Nhu cầu tìm kiếm những đức tính tốt đẹp mới cho phụ nữ là vấn đề.
Trong bối cảnh, đàn ông chìm đắm trong cái khung con người của tổ chức, xã hội, không thể thoát ra ma lực đồng tiền, quyền lực, thì phụ nữ không được phép dẫm chân vào vết xe đổ của đàn ông. Người phụ nữ có phẩm cách thời nay không chỉ bo bo chăm lo cho hạnh phúc gia đình mình, mà cần phải có “phẩm cách phụ nữ ở cấp độ toàn cầu”, phải nghĩ tới các vấn đề như môi trường, già hóa dân số, sự tiến bộ khoa học xã hội…
Cuốn sách bàn về phẩm cách phụ nữ, tuy nhiên tác giả đưa ra những suy ngẫm sâu hơn về phẩm cách của con người.
|
Hai cuốn Phẩm cách phụ nữ và Phẩm cách cha mẹ của Bando Mariko. |
Tiếp nối Phẩm cách phụ nữ, năm 2007, Bando Mariko cho ra mắt cuốn Phẩm cách cha mẹ. Tác giả cho rằng lẽ sống và giá trị quan của cha mẹ sẽ phần nào thể hiện qua việc nuôi dạy con cái. Quá trình nuôi dạy con cái cũng là quá trình cha mẹ hoàn thiện mình hơn. Vì vậy trước khi kỳ vọng ở con cái cha mẹ phải là người có phẩm cách.
7 chương sách bàn về phẩm cách của cha mẹ và đưa ra những hướng dẫn giáo dục con của người cha mẹ: Giáo dục sinh mệnh (bắt đầu từ lời chào hỏi, đến việc cả gia đình cùng ăn cơm, cùng con ca hát, đọc sách, khám phá thiên nhiên); Giáo dục phép tắc cư xử (cho con giúp đỡ cha mẹ, tạo cho con thói quen sinh hoạt tốt...); Giáo dục nhân tính (luôn giữ lời hứa, khiêm tốn vừa phải, giúp con tự tin...); Sự tiếp xúc với trường học; Giáo dục trẻ tuổi teen; Cách tiếp cận thông tin; Duy trì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi các con đã trưởng thành.
Cả ba cuốn sách về phẩm cách đều có lượng phát hành kinh ngạc. Trong đó cuốn Phẩm cách quốc gia đã bán 2,65 triệu bản tại Nhật chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi ra mắt, cuốn Phẩm cách phụ nữ tới nay đã bán trên 3 triệu bản, cuốn Phẩm cách cha mẹ bán 90.000 bản. Các vấn đề đưa ra trong ba cuốn sách đều gây xôn xao dư luận, là đề tài bàn luận sôi nổi trong các diễn đàn.
Từ “phẩm cách” sau đó đã trở thành một từ khóa phổ biến trong xã hội Nhật, được nhắc đến liên tục trên các phương tiện truyền thông và năm 2006 được bình chọn là “từ thông dụng nhất” trong năm.
Tần Tần (zing)