Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát lại quy trình xét tuyển đại học trên hệ thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2022 là năm hoạt động tuyển sinh có nhiều điều chỉnh về mặt kỹ thuật để hướng đến minh bạch hóa và đảm bảo công bằng cao nhất cho thí sinh. Tuy nhiên, với những điều chỉnh mới, đã có không ít khó khăn trong quá trình triển khai công tác xét tuyển. Trước thời điểm đóng hệ thống xác nhận nhập học đợt 1 (17h ngày 30-9), bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có những chia sẻ nhìn lại công tác tuyển sinh năm 2022. 
* Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh
* Phóng viên: Thưa bà Nguyễn Thu Thủy, 17h hôm nay, hệ thống xác nhận nhập học đợt 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đóng lại, cũng là cơ bản hoàn thành một mùa tuyển sinh với nhiều thay đổi về mặt kỹ thuật. Nhìn lại hoạt động tuyển sinh vừa qua, xin bà chia sẻ những kết quả đạt được từ sự đổi mới năm nay?
* Bà Nguyễn Thu Thủy: Về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ. Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo, còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó đảm bảo việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống. 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh năm 2022 đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh, có những thời điểm có tới hàng trăm ngàn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian trên Cổng thông tin tuyển sinh và Cổng dịch vụ công quốc gia. 
Công tác tuyển sinh năm 2022 bước đầu được đánh giá là sự đột phá về chuyển đổi số, đặc biệt là việc thanh toán lệ phí không sử dụng tiền mặt - đây cũng là một trong những nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Ngoài ra, xét tuyển chung là khâu kỹ thuật để giúp các trường tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển vào quá nhiều trường, mất cơ hội của những thí sinh khác. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý nguyện vọng chung tạo ra sự bình đẳng, công bằng cho thí sinh và cho các cơ sở đào tạo. Đến nay, trên 80% thí sinh đã xác nhận nhập học trên hệ thống. Điều này cho thấy năm nay, tỉ lệ thí sinh ảo đã giảm mạnh so với nhiều năm trước trong xét tuyển đợt 1.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ sở dữ liệu toàn bộ, đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường, là công cụ hữu hiệu để phân tích chính sách, từ đó có thể kịp thời điều chỉnh những bất cập, hạn chế.
Quá trình triển khai công tác tuyển sinh năm 2022 cũng giúp phát hiện những vấn đề còn bất cập trong thực tiễn. Ví dụ như: Có trường tổ chức xét tuyển sớm theo học bạ dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ quá nhiều; có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu, vì vượt chỉ tiêu nên phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, dẫn tới điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng. 
Việc xét tuyển sớm ở một góc độ nào đó gây mất công bằng cho thí sinh, không lựa chọn được các thí sinh có chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, chính việc xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ vào nhiều trường, với nhiều thủ tục khai báo và các minh chứng kèm theo, trong khi theo quy định, thí sinh vẫn phải khai báo trên hệ thống chung, từ đó gây nhiễu loạn thông tin, làm cho thí sinh nhầm lẫn, sai sót.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: TT
Bà Nguyễn Thu Thủy-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: TT
* Phóng viên: Trong khi nhiều trường đánh giá hệ thống lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo là ưu việt, vẫn có một số ý kiến cho rằng, hệ thống này gây bức xúc khi tất cả các phương thức xét tuyển đều được lọc ảo chung, các trường hoàn toàn không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức. Bà chia sẻ gì về vấn đề này?
* Bà Nguyễn Thu Thủy: Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học, các năm trước con số tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học. Như vậy, vai trò của việc lọc ảo là vô cùng cần thiết và quan trọng, giúp cho các cơ sở đào tạo giảm thiểu được số lượng thí sinh ảo giữa các phương thức xét tuyển và giữa các cơ sở đào tạo. Thí sinh được lựa chọn nguyện vọng đúng ngành và trường mong muốn, không chịu sức ép phải xác nhận nhập học sớm.
Việc xét tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm đã được các trường triển khai thực hiện từ năm 2021 trở về trước. Thí sinh phải đăng ký xét tuyển, nộp hồ sơ vào nhiều trường, nhiều phương thức xét tuyển. Điều này gây nên lãng phí, mất thời gian, công sức xác nhận giấy tờ của các trường phổ thông và có thể trúng tuyển vào nhiều trường nhưng chỉ có thể nhập học vào một trường.
Từ những bất cập này, để thí sinh chỉ có thể trúng tuyển với nguyện vọng mong muốn nhất vào một trường, một ngành theo một phương thức xét tuyển, năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tất cả các thí sinh xét tuyển theo các phương thức khác đều phải đăng ký xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Bộ cũng khuyến cáo các trường tổ chức xét tuyển tất cả các phương thức cùng với thời gian lọc ảo toàn quốc để có thể chủ động điều chỉnh được mức điểm trúng tuyển giữa các phương thức, đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển và lựa chọn được những thí sinh có chất lượng tốt nhất vào học tập tại trường. 
Có ý kiến cho rằng, các trường hoàn toàn không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức. Đây là nhận định không chính xác. Điểm sàn do các trường quy định nhằm hạn chế hồ sơ đăng ký không đáp ứng yêu cầu đầu vào; các trường xác định điểm trúng tuyển theo nguyên tắc xét từ điểm cao xuống thấp theo chỉ tiêu, chứ không thể ấn định“điểm chuẩn” trúng tuyển ngay từ đầu.
* Hầu hết sai sót đã được khắc phục
* Phóng viên: Hệ thống kỹ thuật rối, gây thiệt thòi cho thí sinh khi có thí sinh đỗ thành trượt, cũng là một trong những phản ánh về tuyển sinh năm nay. Thực tế có trường hợp thí sinh như vậy hay không? Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đã có những hỗ trợ như thế nào với những trường hợp thí sinh như vậy, thưa bà?
* Bà Nguyễn Thu Thủy: Kết quả trúng tuyển của thí sinh được công bố là dựa trên các thông tin từ dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, cơ sở dữ liệu ngành, do thí sinh cung cấp (khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên) và các dữ liệu khác cùng các quy định tuyển sinh của cơ sở đào tạo; chỉ cần hơn kém 0,01 điểm hoặc tiêu chí phụ là đã có thể đỗ hoặc trượt, có thể trúng tuyển, không trúng tuyển ở trường này hay trường khác.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh năm 2022 được triển khai đồng bộ và triệt để. Có những thời điểm có tới hàng trăm ngàn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian trên Cổng thông tin tuyển sinh và Cổng dịch vụ công quốc gia, dẫn tới khó tránh khỏi việc xuất hiện một số vấn đề phát sinh hay sai sót. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp sai sót hay khó khăn đều được tích cực khắc phục, giải quyết, qua đó đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của thí sinh ngay trong năm nay. 
Trong quá trình tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo và công bố kết quả, Bộ đều đã hướng dẫn để tổ kỹ thuật và các trường đại học phối hợp sửa các lỗi nhầm lẫn, sai sót trong quá trình nhập dữ liệu của thí sinh. Đến nay, hầu hết các trường hợp sai sót đã được giải quyết, số còn lại đang được các trường tiếp tục rà soát và xử lý.
Cho đến thời điểm này, ngoài một số khó khăn trong thanh toán phí xét tuyển trực tuyến (do nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia và một vài kênh thanh toán trực tuyến) và lỗi hiển thị thông tin trúng tuyển trong sáng ngày đầu tiên thí sinh xác nhận nhập học (ngày 18/9), hệ thống đăng ký thi và xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có bất kỳ lỗi nào gây “thiệt thòi” cho thí sinh.
Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung năm 2022 không phải được xây mới hoàn toàn mà được kế thừa từ hệ thống đã được triển khai thành công từ các năm trước đây. Năm 2021, thí sinh đã đăng ký xét tuyển trực tuyến và 100% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến trên Hệ thống. Năm 2022, Hệ thống chỉ nâng cấp để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tất cả các nguyện vọng trên hệ thống và nộp lệ phí cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.  
Với một hệ thống lớn, đòi hỏi độ chính xác cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp với quy trình chặt chẽ, trong đó có việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường truyền thông để các đối tượng tham gia biết và thực hiện. Bộ đồng thời cũng dự liệu các tình huống có thể xảy ra để kịp thời giải quyết. Dù vậy, đa phần thí sinh tham gia hệ thống lần đầu, hầu hết lại chưa có tài khoản và chưa từng giao dịch không sử dụng tiền mặt, vì vậy khó khăn là không thể tránh khỏi.
* Đơn giản hóa các phương thức xét tuyển
* Phóng viên: Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới với giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tới việc “các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa”. Trước thực tế xét tuyển với quá nhiều phương thức do các trường tự đặt ra dẫn đến khó khăn như năm nay, theo bà, có nên đưa ra giải pháp mang tính “áp đặt” phương thức thay vì chỉ kêu gọi các nhà trường “đơn giản hóa” hay không?
* Bà Nguyễn Thu Thủy: Trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.
Điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học quy định: "Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. Để Hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng, gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
* Phóng viên: Từ thực tế tuyển sinh năm nay, đại diện một số trường đại học và chuyên gia cho rằng, cần giữ ổn định cho năm 2023 nhưng phải hoàn thiện về hệ thống kỹ thuật. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính toán đến việc hoàn thiện như thế nào?
* Bà Nguyễn Thu Thủy: Hiện nay, Hệ thống đang tiếp tục hỗ trợ thí sinh xác nhận nhập học và xét tuyển bổ sung. Tất cả những vướng mắc, không thuận lợi trong quá trình triển khai đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận, phân tích để hoàn thiện quy trình tuyển sinh cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022, có thể khẳng định, áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Bộ sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm. Sau đó, sẽ có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến có khả năng bắt lỗi người sử dụng, dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu hơn.
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!
VIỆT HÀ (thực hiện)
 

Có thể bạn quan tâm

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).