Đến cả những người đã ít nhiều biết đến, chứ chưa nói những ai không hay biết, đều không khỏi choáng với mức phạt theo quy định mới khi vi phạm nồng độ cồn trong lúc điều khiển phương tiện giao thông.
So với trước đây, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có thay đổi đáng kể, nhất là mức phạt. Theo đó, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của người điều khiển ôtô lên tới 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe máy thì 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Thậm chí, người điều khiển xe đạp, xe thô sơ nếu vi phạm về nồng độ cồn cũng có thể bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.
Chỉ sau vài ngày Nghị định 100 có hiệu lực, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm. Có những tài xế ôtô phải "cay đắng" móc bóp ra nộp gần "kịch khung" mức phạt tối đa 40 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 23 tháng, đồng nghĩa với việc "treo niêu" tới gần 2 năm. Có người đi xe máy phải trả giá cho việc uống 2 chén rượu bằng 7 triệu đồng tiền phạt và tước giấy phép lái xe 23 tháng...
Mức phạt có thể nói là "sốc" so với trước thời điểm 1-1-2020 khi nghị định có hiệu lực đã làm dấy lên những ý kiến khác nhau. Có những ý kiến phản ứng cho rằng mức phạt quá nặng... Cũng có ý kiến e ngại việc cứ có nồng độ cồn trong hơi thở, dù rất ít do ăn trái cây hay dùng thuốc chữa bệnh, đều có thể bị phạt oan. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số ủng hộ biện pháp chế tài đủ mạnh để khẩu hiệu "Đã uống rượu, bia là không lái xe" thực sự đi vào cuộc sống.
Nghị định 100 ra đời trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông nói chung, đặc biệt tai nạn giao thông, là một vấn nạn nhức nhối tại nước ta. Dù đã có cải thiện rất nhiều, từ hạ tầng giao thông tới chính sách, pháp luật và thực thi công vụ... song tai nạn giao thông vẫn chưa giảm được như kỳ vọng. Con số hơn 10.000 người tử vong vì tai nạn giao thông được kéo giảm liên tục nhiều năm qua nhưng vẫn còn tới gần 8.000 người bị cướp đi sinh mạng trong năm 2019 vừa qua, cùng với đó là hàng chục ngàn người khác bị thương.
Nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông, chiếm khoảng 80% là do chính người tham gia giao thông gây ra. Nói cách khác, "điểm đen ý thức" là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông, trong đó có phần không nhỏ của những người đã uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe.
Nghị định 100 khi mới đi vào cuộc sống có thể gây "sốc" cho những người vi phạm, tuy nhiên chính sự choáng váng của những người vi phạm đã giúp chế tài pháp luật mạnh mẽ này trở thành một thứ biệt dược để trị các "ma men". Mức phạt theo Nghị định 100 có thể rất "đắt" so với mặt bằng thu nhập phổ thông hiện nay nhưng chắc chắn rẻ hơn nhiều so với sức khỏe, tính mạng của những người tham gia giao thông.
Theo PHẠM DƯƠNG (NLĐO)