Biển đảo Tây Nam: Hải trình của những trái tim yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), được mệnh danh là 'viên ngọc bích của vùng biển phía nam', là nơi đóng quân chính của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân.

Đây cũng là điểm đảo cuối cùng trong chuyến hành trình thăm các đảo Tây Nam và nhà giàn DK1/10 của đoàn công tác TP.HCM, từ ngày 15 - 22.9.2023.

Theo Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, vùng biển Tây Nam gồm 1 cụm đảo Hòn Khoai và 5 quần đảo Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc, An Thới. Trong chuyến hải trình lần này, TP.HCM không ghé quần đảo Bà Lụa, nhưng đi thêm địa điểm là Côn Đảo và nhà giàn DK1/10 - thuộc quản lý của Vùng 2 Hải quân.

Phú Quốc nhìn từ xa. Ảnh: PHẠM THU NGÂN

Phú Quốc nhìn từ xa. Ảnh: PHẠM THU NGÂN

Vùng biển Tây Nam có 153 đảo lớn nhỏ, trong đó 145 đảo thuộc sự quản lý của tỉnh Kiên Giang, 8 đảo còn lại ở tỉnh Cà Mau. Trong số 153 hòn đảo, có 45 đảo có người ở (trong đó, có 42 đảo thuộc tỉnh Kiên Giang và 3 đảo thuộc tỉnh Cà Mau).

"Chuyên chở" tấm lòng của người dân TP.HCM

Chị Nguyễn Thị Kim Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.4 (Q.10), cho hay khi lần đầu tiên được đến thăm các điểm đảo Tây Nam cảm xúc chị thay đổi liên tục, từ háo hức, hồ hởi cho tới yêu nước hơn và cảm phục những lực lượng, con người đất đảo đang sinh sống, làm nhiệm vụ. Chị mong có thêm nhiều chuyến đi như vậy nữa để chuyên chở nhiều hơn tấm lòng của người dân đất liền đến biển đảo quê hương.

Anh Nguyễn Đức Luân, Phó tổng giám đốc Công ty CP viễn thông ACT, cho biết anh tham gia đoàn công tác với tâm thế trách nhiệm. Cụ thể là gánh vác tình cảm của doanh nghiệp, người dân TP.HCM đến với các điểm đảo, hai là trách nhiệm của bản thân anh với xã hội, khi chứng kiến đời sống của lực lượng làm nhiệm trên đảo và người dân bám đảo. Anh Luân nói: "Có nơi điều kiện tốt, có nơi quá khó khăn. Tôi chuyên làm về viễn thông, phục vụ thông tin, tôi nghĩ phải làm sao để phát triển được hạ tầng viễn thông ở các đảo".

Thầy Thích Minh Nghi, Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, bày tỏ: "Tôi mong là tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước sẽ được nhân rộng, hữu duyên để nhiều người biết hơn nữa".

"Ở đâu có chiến sĩ, ở đó là sân khấu của chúng tôi"

Tàu bè tấp nập ở Phú Quốc. Ảnh: PHẠM THU NGÂN

Tàu bè tấp nập ở Phú Quốc. Ảnh: PHẠM THU NGÂN

Hầu hết các nghệ sĩ của đoàn công tác đều lần đầu tiên đặt chân đến vùng biển Tây Nam. Đối với nghệ sĩ múa Vũ Đình Thanh Tài, đây là chuyến đi "chữa lành" khi giúp anh tách rời điện thoại, được gặp nhiều người và quây quần trò chuyện với nhau. Nhưng đó cũng là chuyến đi rất ý nghĩa, giúp anh mở mang tầm hiểu biết về các đảo, các câu chuyện dân sinh, đặc biệt thấu hiểu thêm sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các đảo.

"Đây cũng là lần đầu tiên mình tập luyện ở trên tàu, cảm giác rất khác. Nghệ sĩ múa thì cố gắng xoay xở tập được khi tàu chao đảo, tàu chạy nhưng có ca sĩ không quen, nên tập cùng bị dập móng chân hết vì cố gắng bám, giữ thăng bằng", Tài kể.

Cũng đã lưu diễn nhiều, nhưng "sân khấu" Tây Nam là độc nhất vô nhị với nghệ sĩ múa Đặng Thái Thanh. Chị nói: "Ở đâu có chiến sĩ, ở đó là sân khấu. Cảm giác diễn ở tàu, ở các đảo hay ở các trạm ra đa, tự hào lắm, vì không phải ai cũng được như mình. Nên dù đi bộ có mệt, nhưng khi tới tiết mục văn nghệ thì lấy lại năng lượng ngay. Thấy các đại biểu, các chiến sĩ vui thì mình cũng sung sướng".

Điều mà nữ nghệ sĩ này cảm nhận thêm trong chuyến hải trình chính là Việt Nam đẹp vô cùng: "Đứng ở nhà giàn DK1/10 nhìn xuống, thấy cả cá bơi. Lần đầu tiên mình cảm thấy đất nước mình đẹp đến vậy, trời xanh, biển trong xanh... không biết sao để tả được. Nhưng cùng với đó là mình cũng rất thương các anh, các em đang làm nhiệm vụ khi sống với khó khăn, thiếu thốn. Chưa kể, như ở Hòn Chuối, các em học sinh phải học ở lớp học tình thương. Đối với mình, ai cũng nghị lực hết, ai cũng rất tuyệt vời".

Còn ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh cũng "cháy" hết mình ở mọi buổi diễn. "Chuyến đi có cùng một không khí, một năng lượng khát khao sống trong hòa bình. Ai cũng muốn mang điều tốt đẹp, tích cực nhất. Tôi tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, hát nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên hát giữa biển, nơi đó không có sân khấu sáng đèn, tôi không cần make up, không cần quần áo lộng lẫy mà vẫn muốn cháy hết mình. Cảm xúc lúc đó chắc tôi không bao giờ quên được", Quỳnh cho biết.

Ca sĩ trẻ cũng chia sẻ thêm, chuyến đi giúp cô yêu nước hơn: "Khi bước chân lên nhà giàn DK1/10, tôi thấy lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển khơi. Sau đó, tôi đã viết một bài hát tên là "Quốc kỳ giữa đảo xa". Đó là cảm nhận và là lời cảm ơn chân thành nhất với những người đã tạm gác lại tuổi thanh xuân, cuộc sống gia đình để giữ vững biển đảo cho nước nhà, để người ở đất liền yên tâm làm việc, thỏa sức cống hiến".

Đoàn đại biểu TP.HCM thăm hỏi các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Ảnh: Phạm Thu Ngân

Đoàn đại biểu TP.HCM thăm hỏi các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Ảnh: Phạm Thu Ngân

Đề nghị quy hoạch đảo bài bản hơn

PGS-TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh văn phòng Đại học quốc gia TP.HCM, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Vì biển đảo quê hương TP.HCM, chia sẻ rằng cuối hành trình, ông thấy được trách nhiệm của mình khi mang nhiệm vụ gửi gắm tình yêu của nhân dân TP.HCM với lực lượng làm nhiệm vụ ở đảo. Riêng ông rất ấn tượng việc lãnh đạo đoàn công tác rất quan tâm đến môi trường ở các điểm đảo, có chỉ đạo ngay xử lý vấn đề về rác thải, xây dựng...

Song song đó, PGS-TS Nguyễn Đình Tứ cho rằng chính quyền địa phương quản lý các đảo cần vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang nên xem xét kỹ lưỡng để kiến nghị cho Chính phủ chương trình, đề án phát triển biển đảo bài bản hơn.

"Bởi vì biển đảo của chúng ta rất đẹp, rất trong, nhưng tôi cảm thấy rằng quy hoạch tổng thể để phát triển dịch vụ - du lịch, quy hoạch dân cư chưa được quan tâm đúng mức, thế nên dân sống và làm việc tự phát rất nhiều. Cá nhân tôi là người làm khoa học, trong phạm vi ảnh hưởng của bản thân, lớp dạy, các hội thảo khoa học, tôi sẽ đóng góp nhiều hơn để mọi người quan tâm phát triển biển đảo quê hương tốt hơn", PGS-TS Nguyễn Đình Tứ nói.

Mỗi lần đi, mỗi cảm xúc đặc biệt

Năm 2022, tôi được cử tham gia đoàn công tác TP.HCM thăm Trường Sa. Khi đó, anh Quách Hữu Quang, được mệnh danh "soái ca" và là thuyền trưởng của tàu KN-290, chia sẻ rằng anh rất vinh dự khi được đưa đoàn công tác tới các điểm đảo xa xôi, tiếp sức cho các cán bộ, chiến sĩ để họ an tâm công tác. Nay đối với chuyến Tây Nam, anh có thêm nhiều cảm xúc đặc biệt.

Giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ ở Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đảo Phú Quốc. Ảnh: QUANG LIÊM

Giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ ở Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, đảo Phú Quốc. Ảnh: QUANG LIÊM

Anh Quang nói năm 2017 khi anh được thăng chức làm "quyền thuyền trưởng" thì nhận nhiệm vụ chở đoàn TP.HCM đi chuyến Tây Nam. TP.HCM là địa phương duy nhất cả nước tổ chức chuyến đi này cho tới nay. Theo anh Quang, các năm trước, chuyến đi gặp nhiều khó khăn khi thời tiết xấu, có năm gặp bão, tàu bè cập vào đảo rất khó. Nhưng chuyến đi lần này rất thuận lợi. Đoàn TP.HCM đi Tây Nam có rất nhiều người trung niên, lớn tuổi, leo núi rất vất vả, nhưng ai cũng đều tươi tắn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Công tác tổ chức của TP.HCM luôn luôn chu đáo, chúng tôi được học hỏi rất nhiều. Tôi cũng rất ấn tượng khi các phần quà của TP.HCM luôn sát với thực tế của đời sống cán bộ và cư dân các đảo", thuyền trưởng Quách Hữu Quang nói. (còn tiếp)

Ca sĩ Duyên Quỳnh giao lưu với thành viên đoàn công tác qua loa phát thanh của tàu KN-290. Ảnh: PHẠM THU NGÂN

Ca sĩ Duyên Quỳnh giao lưu với thành viên đoàn công tác qua loa phát thanh của tàu KN-290. Ảnh: PHẠM THU NGÂN

Phú Quốc là đảo lớn nhất và cũng là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam với diện tích khoảng 567 km2. Thống kê cho thấy trước năm 1975, dân số trên đảo Phú Quốc chỉ hơn 5.000 người. Con số này tăng lên hơn 79.000 người vào năm 2003 và hiện nay là hơn 150.000 người.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.