Bất ngờ chuyện vua Gia Long làm 'em cột chèo' với vua Quang Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từng là vị vua nhiều vợ của nhà Nguyễn với 21 người vợ, trong đó được sử sách nhắc đến nhiều có các bà: Tống Thị Lan, Trần Thị Đang và Lê Ngọc Bình nhưng bất ngờ hơn, vua Gia Long lại là "em cột chèo” với vua Quang Trung.

 Hình ảnh vua Quang Trung- ẢNH: T.L
Hình ảnh vua Quang Trung- ẢNH: T.L


Nói về cuộc tình của vua Gia Long với người vợ thứ ba Lê Ngọc Bình, trong sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của GS Nguyễn Quốc Trị (do Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), có nhiều phát hiện khá lý thú: “Ngoài việc cử người thờ cúng, ban cấp vô số tự điền và bổng lộc cho con cháu nhà Lê, vua Gia Long còn tuyển một người con gái út của vua Lê Hiển Tông là Lê Ngọc Bình làm vợ.

Theo Thế phả nhà Nguyễn, bà là em của Ngọc Hân công chúa, một bà vợ mà vua Quang Trung đã phong làm Bắc phương Hoàng hậu. Bà sinh ngày 22.1.1785, vào hầu vua Gia Long năm 1802, khi mới 18 tuổi ta và được phong làm Tả cung tần. Bà sinh được 2 hoàng tử và 2 hoàng nữ là An Nghĩa công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn (năm 1804), Mỹ Khê công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Khuê (năm 1807), Quảng Uy Công Nguyễn Phúc Quân (năm 1809) và Thường Tín Quận vương Nguyễn Phúc Cự (năm 1810).

Lúc sinh người con út này được 8 ngày thì bà mất ngày 10.10.1810, lúc mới 26 tuổi ta, từng được tặng phong là Đức phi, và được sắp vào hàng thứ 3, sau Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (mẹ đẻ hoàng tử Cảnh, tức bà Tống Thị Lan - NV) và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (mẹ đẻ vua Minh Mạng, tức bà Trần Thị Đang - NV)”.

 

Tranh vẽ vua Gia Long - ẢNH: T.L
Tranh vẽ vua Gia Long - ẢNH: T.L


Theo GS Nguyễn Quốc Trị thì Thực lục không nói rõ vua Gia Long lấy bà Lê Ngọc Bình từ lúc nào và trong trường hợp nào. Sau này công chúa Ngọc Khuê lấy vệ úy Nguyễn Văn Thiện - con của công thần Nguyễn Văn Nhân, lúc 19 tuổi ta, mất lúc 21 tuổi và có sinh được một trai. Còn hoàng tử Nguyễn Phúc Quân cũng mất sớm lúc mới 21 tuổi ta vì bệnh đậu mùa, không có con.

Riêng công chúa Ngọc Ngôn lấy ông Lê Văn Yến là con thừa tự của Tả quân Lê Văn Duyệt vào năm 1823. Bà sinh hạ được 3 trai, nhưng đến 1835 thì phải chịu cảnh góa bụa, vì chồng bị tội chết nhân vụ phản loạn Lê Văn Khôi và mất năm 1855 lúc 52 tuổi.


Tuy nhiên trong một bài báo trên BAVH (được xem là một tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương) thì câu chuyện được biến cải thành ra chuyện vua Gia Long lấy công chúa Ngọc Hân, và có bị công thần Lê Văn Duyệt đàn hặc (tố cáo) là đã lấy vợ của giặc thù là vua Quang Trung.

“Bài này dựa vào một câu ca dao chỉ được tác giả ghi bằng tiếng Pháp, nhưng có thể dịch từ câu được truyền tụng trong dân gian là: Gái đâu có gái lạ lùng/Con vua mà lấy hai chồng làm vua”. Vụ việc này được GS Nguyễn Quốc Trị phân tích như sau: “Chuyện đưa Bắc phương Hoàng hậu Ngọc Hân vào đây là sai vì bà này đã mất trước năm Gia Long thứ nhất (1802) rồi. Mặt khác, em của công chúa Ngọc Hân là công chúa Ngọc Bình có thể đã lấy hai vua liên tiếp, như câu ca dao nói, nếu bà Lê Ngọc Bình đã là vợ của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản. Theo Quốc sử di biên của tác giả Phan Thúc Trực, một vị quan hay chữ đỗ Thám hoa, được vua Tự Đức cử ra Bắc Kỳ để tìm kiếm sử liệu sau nhà Lê trung hưng, thì các hào mục ở phủ Lạng Giang, Bắc Việt đã bắt được vua Nguyễn Quang Toản cùng em là Quang Thiệu trốn trong rừng và ‘đem dâng đại quân’ của vua Gia Long”.

 

Đơn sơ mộ của Đức phi Lê Ngọc Bình tại Huế - Ảnh: Bùi Ngọc Long
Đơn sơ mộ của Đức phi Lê Ngọc Bình tại Huế - Ảnh: Bùi Ngọc Long


Tìm hiểu qua nhiều tư liệu, GS Nguyễn Quốc Trị vẫn không thấy có chính sử nhà Nguyễn xác nhận việc bà Lê Ngọc Bình đã từng lấy vua Quang Toản. Tuy nhiên, có một điều là sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn, khẳng định: “Việc vua Gia Long trở thành một người rể của vua Lê Hiển Tông, và em bạn rể của vua Quang Trung là sự thật”.

Và thế tình nghĩa thông gia giữa hai họ Nguyễn - Lê vẫn luôn sâu đậm. “Năm 1838, vua Minh Mạng đã tha không giết những người họ hàng nhà Lê bị tội lây với các người làm loạn để khôi phục lại nhà Lê, là các ông Lê Duy Lương, Lê Duy Hiển, còn chu cấp ruộng và tiền để dời họ vào sinh sống ở các tỉnh tả kỳ phía nam Thừa Thiên hầu tránh khỏi liên lụy với những kẻ làm tội ác”, GS Nguyễn Quốc Trị tiết lộ.

Hiện ở đền Nam Phương Linh Từ (Đồng Tháp), vua Quang Trung và vua Gia Long đều được nhân dân thờ chung và hương khói như những người có công mở bờ cõi phương Nam.

Theo LÊ CÔNG SƠN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.
Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

Chất trữ tình trong trường ca Xing Chơ Niếp

(GLO)- Trường ca Xing Chơ Niếp của dân tộc Ê Đê được sưu tầm ở vùng Krông Pa (cũng có người cho rằng đây là trường ca của người Bahnar Chăm ở Krông Pa) từ những năm 80 của thế kỷ trước, cùng thời với H’mon Đăm Noi của người Bahnar được sưu tầm ở vùng Kông Chro ngày nay.
Thương lắm, nhà Rông…

Thương lắm, nhà Rông…

Đó là một trong những ngôi nhà Rông cổ và đẹp nhất nhì xứ này còn giữ lại hầu như nguyên vẹn ét xưa cũ trên cao nguyên. Nhưng ngọn lửa đã đốt trụi những gì tinh túy nhất của làng. Ngọn lửa bốc lên cháy rực bỏng rát trong tim của mỗi người làng một nỗi đau nhưng nhức.
Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Báo ân trọn vẹn mùa Vu Lan

Nói đến Vu Lan chính là nói đến tinh thần báo hiếu báo ân, tinh thần cứu độ của đạo Phật. Nhưng báo hiếu, tri ân theo tinh thần Phật pháp không phải là sa đà cầu cúng, đốt vàng mã theo kiểu “trần sao âm vậy” như tục lệ dân gian.
Stơr vang tiếng chiêng ngân

Stơr vang tiếng chiêng ngân

(GLO)- Chúng tôi về thăm làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trong một ngày nắng vàng như mật. Tại đây, chúng tôi thêm một lần được hòa mình trong âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, chiêm ngắm những bộ trang phục truyền thống của các bà, các mẹ. Tất cả tạo nên bức tranh thật đẹp và yên bình.
Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

(GLO)- Hiện nay, cộng đồng người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn giữ được nhiều nghi lễ độc đáo. Trong đó, lễ cúng kết nghĩa buôn làng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Lập lại “trật tự âm thanh” cồng chiêng

Lập lại “trật tự âm thanh” cồng chiêng

(GLO)- Đó là mong muốn của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) khi tham gia đứng lớp truyền dạy cách thức gò chỉnh chiêng cho hơn 80 nghệ nhân Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ ngày 26-7 đến 28-8.