Bánh của sương và nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồi còn nhỏ, tôi cảm nhận không khí ngày Tết ở quê bắt đầu từ việc làm bánh. Thông thường, rim mứt và các loại bánh ngọt được làm trước, bánh tét gói vào ngày cuối năm để đêm thức nấu và đón Giao thừa luôn thể. Trong các loại bánh quen thuộc ấy, bánh in là món hầu như nhà nào cũng “ưu tiên” làm nhiều nhất.
Nguyên liệu bánh in chỉ cần bột nếp và đường, cách làm đơn giản đến mức bất cứ đứa trẻ nào tầm mươi tuổi cũng có thể đổ bột vào khuôn rồi gõ ra chiếc bánh. Nhưng để ngon, đẹp thì đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố: bột nếp, đường, khuôn bánh, sự tinh tế trong nhiều khâu “chế biến” mà quan trọng nhất là canh sương.
Qua 20 tháng Chạp, nhà nào cũng mong có sương, chỉ có sương mới làm được cái bánh in thật ngon để ăn Tết! Khi những đợt gió bấc chùng xuống, dịu đi, cỏ gà trong vườn bắt đầu lún phún mầm trắng báo hiệu hơi xuân lèn đến. Và sương rơi, nhà nhà tranh thủ làm bánh in.
Khâu đầu tiên là rang gạo nếp. Bên thau nước là mủng nếp, dùng rá vo, gút gạo tới đâu rang tới đấy, đoán chừng hạt nếp thấm nước vừa đủ thì rang mới “dậy”, nếu còn khô rang bị “lỏi”, ngoài cháy mà trong chưa chín là bỏ hẳn. Nếu nước ngấm nhiều quá rang bị dính, lại mất công đem phơi cho ráo nước. Lò than cũng phải vừa lửa, già sẽ cháy, non thì hạt nếp bị chai, sượng trân.
Rang xong thì đi xay. Thời đó, cả xóm chỉ vài nhà có cối xay đá. Chiều tối, các bà, các mẹ đội mủng nếp đến xay. Người này xay thì người kia phải chờ. Họ rộn ràng bao nhiêu là chuyện: quần áo mới cho mấy đứa nhỏ, năm nay làm mấy món bánh, gói bao nhiêu cây bánh tét, con heo được mấy ký...
Minh họa: Ngọc Thủy
Minh họa: Ngọc Thủy
Bước quan trọng nhất để làm nên chất lượng của bánh là phơi sương, canh sao cho sương thấm vào bột vừa đủ. Kỳ lạ là phải phơi sương thì bánh mới bùi, mới thơm. Tùy vào sương nhiều hay ít mà phơi 2-4 ngày. Nửa đêm về sáng, trong xóm nhà nào cũng có người thức canh sương, thường là người già, gác nia bột lên giàn bầu, giàn mướp, một chặp phải ra trở cho sương thấm đều, tan sương là đem vào. Năm nào không được sương, cực chẳng đã bà con phải thắng nước đường để làm bánh, nhưng như vậy thì bột bị nở, chai và cứng đơ, không thơm và bánh không ngon.
Còn một công đoạn nữa là hoàn hảo: bánh làm xong xếp vào nia ngay ngắn rồi phơi nắng cho săn lại, để hoa văn không bị mờ. Dưới nắng, bánh trắng ngần, mịn màng, hình trái tim, hình bông hoa hiện rõ mồn một. Thỉnh thoảng, có vài tia nắng chiếu thẳng vào những hạt đường chưa được tán mịn làm nia bánh sáng lên nhấp nháy. Dường như, phải có hơi của đất trời thì bánh mới đẹp và ngon: sương ngọt bùi, nắng giòn thơm!
Ngày nay, bánh in không còn làm theo cách truyền thống. Nhưng mỗi khi Tết đến, giữa bao loại bánh kẹo bắt mắt về màu sắc, mẫu mã, chiếc bánh in trắng mịn vẫn toát lên nét đẹp riêng. Nó khơi dậy ký ức tuổi thơ cùng bầu không khí Tết xưa, khiến lòng người nao nao hướng về quê hương, nguồn cội.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.