Nhiều người trẻ Việt chia sẻ quan điểm của họ về tuổi 30 - chưa phải là dấu chấm hết cho những đổ vỡ, thất bại.
Không có giới hạn nào cho sự cố gắng, dù bạn đang ở tuổi nào ẢNH MINH HỌA: THÚY HẰNG |
Đã có một chính mình rất khác ở tuổi đôi mươi và trước ngày sinh nhật tuổi 30 của Nguyễn Ngọc Liên, làm việc ở bộ phận content leader (trưởng nhóm sáng tạo nội dung), Viện Nghiên cứu y dược.
Bước tới tuổi 30, khi đã kết hôn, có con và môi trường làm việc mới, Liên nhận ra, 30 tuổi là độ chín của đời người, đủ hiểu biết, điềm tĩnh, sâu sắc. Cô tìm niềm vui trong đọc sách, dành nhiều thời gian cho gia đình và người thân, không còn nôn nóng trong công việc.
Đoàn Thị Dung, 32 tuổi, nhân viên một tiệm cà phê trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM, nhớ mãi cuốn sách mình mới đọc Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất của tác giả người Thụy Điển. “Hành trình tuyệt vời của một cụ ông trèo qua cửa sổ viện dưỡng lão và có cuộc thám hiểm tuyệt vời trong ngày sinh nhật tuổi 100 cho tôi hiểu không có giới hạn nào cho mỗi độ tuổi. Nếu bạn dừng cố gắng, dù bạn đang 18, 20 hay 30 thì cuộc đời bạn đã vô nghĩa rồi”, Dung nói.
Nhà văn Gari Nguyễn, tác giả cuốn sách Trưởng thành lấy đi điều gì, cho rằng 30 là tuổi dù nam hay nữ đều chín muồi về thể chất, tinh thần. Nhiều người quan niệm, phụ nữ sau 30 tuổi đã “hết thời”, “trai 30 tuổi đang xoan, gái 30 tuổi đã toan về già”, nhưng theo quan điểm của Gari Nguyễn, tuổi tác chỉ là một cột mốc của sự trưởng thành, và mỗi người có một vòng đời khác nhau, trưởng thành theo cách khác nhau.
“Bất cứ ở độ tuổi nào cũng có thể làm lại được, phát triển bản thân được. Tôi gặp gỡ và trò chuyện với nhiều phụ nữ lứa tuổi U.30 với những thăng trầm khác nhau. Có chị ly hôn sau 2 năm chung sống, từng có một mái nhà và công việc rất tốt nhưng cuối cùng mất tất cả, phải đi ở trọ, nhưng họ rất mạnh mẽ, nỗ lực làm việc và tìm thấy hạnh phúc thật sự của đời mình”, Gari Nguyễn bày tỏ.
Nguyễn Quỳnh Trang (30 tuổi), làm việc ở mảng truyền hình, đạo diễn tự do tại Hà Nội, bộc bạch: “Qua tuổi 30, con người ta sẽ nhìn nhận mọi việc một cách điềm tĩnh hơn, với tôi qua mốc đó mới được coi là đủ trưởng thành, về mặt suy nghĩ”.
Còn Quách Kim Hoàng (31 tuổi), sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ: “Không có giới hạn tuổi tác nào cho những giấc mơ, hoài bão. Mọi người nghĩ là phụ nữ thì phải kết hôn trước 30 tuổi, có con, chăm chồng, tôi không đi theo con đường đó. Ban ngày tôi đi làm, trau dồi vốn tiếng Anh khi hướng dẫn người dân, tiếp xúc với nhiều du khách tới TP.HCM, buổi tối tôi lên giảng đường để học ĐH và sắp được nhận bằng tốt nghiệp”.
Theo Thúy Hằng (Thanh Niên)