(GLO)- Sáng 10-8, tại TP. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị “Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững để nâng cao giá trị”. Hội nghị đã đề cập đến nhiều vấn đề cấp bách, nan giải của ngành hồ tiêu Việt Nam, đồng thời thảo luận những giải pháp hướng tới nền sản xuất hồ tiêu bền vững.
Từ… Vỡ quy hoạch
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cây hồ hồ tiêu được trồng chủ yếu tại 9 tỉnh trọng điểm, với tổng diện tích 97.590 ha. Trong đó, riêng 4 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Lâm Đồng chiếm 55.339 ha. Với giá trị sản phẩm cao gấp nhiều lần so với các mặt hàng nông sản khác, những năm gần đây, hồ tiêu được người dân ở các tỉnh này ồ ạt mở rộng diện tích, khiến quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bị phá vỡ. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có trên 5.475 ha hồ tiêu được trồng mới.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: M.N |
Ông Nguyễn Quý Dương-Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) nhấn mạnh: Điều đáng lo ngại là, mặc dù diện tích hồ tiêu tăng nhanh, song ngành sản xuất hồ tiêu nước ta luôn đối mặt với bệnh chết nhanh, chết chậm. Tổng diện tích nhiễm bệnh chết nhanh hại cây hồ tiêu là 868 ha, tập trung nhiều ở các tỉnh Gia Lai, Đak Nông, Bình Phước, Phú Yên, Đồng Nai, chiếm đến 96% diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh ở 9 tỉnh thành nói trên. Trong khi đó, tổng diện tích nhiễm bệnh chết chậm còn tương đối lớn, trên 4.826 ha (riêng Gia Lai có hơn 2.081 ha trong tổng số diện tích này).
Theo ông Hà Ngọc Uyển-Chi Cục trưởng Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu trồng mới trong năm 2016 khá lớn với trên 1.228 ha. Tính đến ngày 5-8, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đã lên đến 16.328 ha (trong khi quy hoạch đến năm 2020 là giữ ổn định diện tích hồ tiêu, quy mô 6.000 ha). Tuy vượt quy hoạch đến hơn 10.000 ha nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có đề tài điều tra khảo sát đánh giá tuyển chọn giống hồ tiêu; chưa tổ chức khảo sát bình tuyển cây đầu dòng, vườn tiêu đầu dòng; chưa ban hành được tiêu chuẩn cơ sở đối với cây hồ tiêu nên không đủ chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây hồ tiêu không đảm bảo chất lượng. Do vậy, nguồn giống phục vụ trồng mới hàng năm chủ yếu là là do các cơ sở vườn ươm nhỏ lẻ cung ứng hoặc do người sản xuất tự ươm giống, tự trao đổi với nhau.
Chính vì việc quản lý trong công tác quản lý chất lượng giống hồ tiêu trên địa bàn chưa chặt chẽ nên tình hình diễn biến dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn còn nhiều biến động phức tạp. Trong đó, diện tích bệnh chết nhanh, chết chậm chiếm gần 3.200 ha, tập trung ở các huyện Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê, Đức Cơ…
Đến cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV
Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhận định ngành sản xuất hồ tiêu hiện đang phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn của các thị trường thế giới về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Các đại biểu tham gia thảo luận những giải pháp hướng tới nền sản xuất hồ tiêu bền vững. Ảnh: M.N |
Cụ thể, từ năm 2012 đến 2014, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam dao động ở mức từ 140 đến 150 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2015, con số này sụt giảm còn trên 133 nghìn tấn. Theo kết quả tổng hợp cảnh báo của EU, từ đầu 2015 đến giữa năm nay, có 17 lô hàng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam bị phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc BVTV vượt mức quy định và cảnh báo về 3 chất có tần suất xuất hiện cao khác.
Nguyên nhân chính của việc tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là do người trồng tiêu lạm dụng, sử dụng quá liều các loại thuốc diệt nấm, diệt côn trùng, tuyến trùng và nấm trong đất… Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nước ta có khoảng 100 ngàn nông hộ trồng tiêu, tương đương với đó là khoảng 2.000 đến 5.000 tiểu thương thu mua, sau đó bán lại cho khoảng 1.000 đại lý nhỏ. Khoảng 100 công ty trung gian xuất khẩu hồ tiêu thu mua số lượng này từ các đại lý. Chính quá trình thu mua nhỏ lẻ khiến hồ tiêu xuất khẩu có xu hướng tích trữ lẫn lộn sản phẩm nhiều vùng miền, ảnh hưởng chung tới đa số sản lượng hồ tiêu xuất khẩu, đồng thời gây khó khăn trong quá trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc.
Trao đổi với P.V Báo Gia Lai về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương khuyến cáo: “Trước cảnh báo của EU, ngay bây giờ nếu không có biện xử lý sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu hồ tiêu cũng như ngành xuất khẩu của Việt Nam. Nếu tiếp tục để EU cảnh báo như hiện nay thì sắp tới rất có thể họ sẽ dừng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam”.
Theo ông Dương, hồ tiêu Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu, nếu EU tạm dừng thì 1 trong 7 loại cây trồng có giá trị trên tỷ đô này sẽ gặp khó. “Hiện nay, chúng tôi đã ban hành quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu, trong đó bao gồm các giải pháp chủ yếu liên quan đến công tác phòng bệnh. Đẩy mạnh mô hình vừa sản xuất hồ tiêu an toàn, vừa phòng trừ được bệnh chết nhanh, chết chậm. Ngoài ra, chúng tôi cũng có chương trình giám sát thuốc BVTV trên cây hồ tiêu và đang xem xét đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT tạm dừng sử dụng một số hóa chất mà EU đã cảnh báo”- ông Dương cho biết.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh cần rà soát lại diện tích quy hoạch hồ tiêu; yêu cầu Cục BVTV cần có chương trình rà soát tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu cụ thể tại các địa phương để đánh giá đưa ra quy trình canh tác hồ tiêu an toàn, bền vững. Đồng thời giới thiệu những mô hình khuyến nông hiệu quả để người dân trồng tiêu tham quan học hỏi. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng yêu cầu các ngành liên quan có quy trình quản lý chặt chẽ các loại thuốc BVTV, tiếp tục đẩy mạnh, triển khai quyết liệt triển khai, đặc biệt là tại các tỉnh đang “nóng” liên quan đến thuốc BVTV.
Minh Nguyễn