(GLO)- Năm 2000, Gia Lai triển khai hàng loạt dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Tuy nhiên khi các dự án, đề tài khoa học kết thúc cũng là lúc người trồng rau quay trở về với phương thức sản xuất rau truyền thống. Theo đó, tình trạng lạm dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trở nên phổ biến.
Rau an toàn… một thời
Trong 10 năm (2001-2011), Chi cục BVTV tỉnh đã triển khai thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh về điều tra tình hình sản xuất, sử dụng thuốc BVTV và các yếu tố hóa học trên rau xanh, thử nghiệm mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, dự án ứng dụng sản xuất rau an toàn giai đoạn 2003-2005 cũng đi vào hoạt động song hành. Đây được xem là giai đoạn mà hầu hết người trồng rau đều sản xuất theo đúng quy trình đảm bảo các chỉ tiêu quan trọng như: Có hệ thống nước rửa rau riêng biệt trước và sau thu hoạch, sản phẩm được đóng gói, nhãn mác ghi rõ ngày, tháng và nơi sản xuất… Nhiều mô hình gần như đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT lúc bấy giờ.
Thu hoạch rau tại xã Tân An, huyện Đak Pơ. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Không chỉ làm ra sản phẩm, Chi cục còn xây dựng được một hệ thống 10 cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm rau an toàn ở TP. Pleiku, thị xã An Khê và một số huyện trong tỉnh. Dự án đã phát huy hiệu quả khi người trồng rau không sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất rau xanh, giảm ô nhiễm môi trường từ việc lạm dụng thuốc BVTV.
Tuy nhiên, từ sau khi đề tài được nghiệm thu, dự án kết thúc cũng là lúc các mô hình cũng như các cửa hàng dần đi vào quên lãng và “chết yểu” đến bây giờ không còn ai nhắc đến nữa. Những năm gần đây, một số địa phương cũng xây dựng các mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGap nhưng cũng chỉ ở dạng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân rồi nhân rộng, hầu hết đều không thành công khi người sản xuất không mặn mà với phương thức sản xuất mới mẻ này.
Vài năm trở lại đây, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-lâm-thủy sản tỉnh cũng đã thực hiện 3 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất rau an toàn cho người trồng rau tại phường Thống Nhất, xã An Phú, TP. Pleiku và thị xã An Khê. Mô hình sản xuất rau an toàn lâu dài tại Tổ hợp tác An Sinh (xã An Phú, TP. Pleiku) nhưng người trồng rau đều không mấy mặn mà trong sản xuất nhân rộng theo hướng này.
Bao giờ… cho đến ngày xưa?
Trong thời điểm hiện nay, rất khó để người tiêu dùng phân biệt được đâu là rau an toàn và không an toàn. Bởi hầu hết các loại rau mẫu mã đều đẹp như nhau, bày bán tràn lan không bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng...
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Chính sự lẫn lộn này đã dẫn đến hậu quả nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra mà “thủ phạm” là rau xanh, chứa nhiều loại hóa chất vượt ngưỡng cho phép sử dụng. Sự nghi ngại về việc nguồn rau xanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trở nên phổ biến.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Ngọc Uyển- Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho hay: Việc sản xuất rau trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều thuận lợi khi được quan tâm đầu tư từ những năm trước đây. Đơn vị đã tiến hành điều tra thực trạng nông dân sử dụng thuốc BVTV, phân đạm, trên cơ sở đó giúp nông dân hiểu rõ và sản xuất rau theo hướng an toàn. Nhưng hiện nay việc này rất khó duy trì vì nhận thức của người trồng rau còn rất hạn chế, trong khi người tiêu dùng cũng còn nghi ngại.
Không những vậy, rau an toàn khó tiêu thụ hơn rau bình thường, đặc biệt giá cả ngang bằng với nhau là một trong những trở ngại lớn nhất không thể kích thích nhiều người cùng tham gia sản xuất rau an toàn. Hàng năm, Chi cục vẫn thực hiện các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn, tuyên truyền vận động người dân sản xuất rau theo hướng VietGap để đảm bảo về mặt kinh tế, kỹ thuật, xã hội và môi trường. Tuy nhiên nhận thức của người dân chuyển biến rất chậm.
Có thể nói, việc sản xuất rau an toàn hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, mức giá… Việc tháo gỡ những vướng mắc này dĩ nhiên không phải ngày một ngày hai.
Duy Danh - Nguyễn Diệp