Bài 2: Làng Xô Man và cụ Mết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cái làng ấy đã từng tồn tại cách đây gần trăm năm, và nó tiếp tục hiện diện trong văn học, hiện diện mãi trong tâm thức người đọc, trong lòng học sinh bao thế hệ. Nhưng lần ấy ông Nguyên Ngọc và chúng tôi đã không tìm ra làng. Đơn giản là vì cái làng cũ thì ở cách nơi ở bây giờ 70 cây số, vào làng mới thì cầu bị gãy, xe không vào được. Chúng tôi xuống xe đi vơ vẩn dưới tán rừng thông cổ thụ và nghe nhà văn Nguyên Ngọc kể chuyện.
Ông kể về cụ Mết, về ông Núp, về văn hóa Tây Nguyên, về những ngày ông sống với họ, hòa trộn mình vào với đời sống của đồng bào để trước hết là chiến đấu, tồn tại, và viết được hai tác phẩm để đời là “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu”, sau nữa là ông trở thành một nhà văn hóa am hiểu Tây Nguyên... Ông Nguyên Ngọc có biệt tài biến những nhân vật có thật trong cuộc đời (Núp, Mết, Thào Mỷ) thành những nhân vật văn chương lung linh kỳ ảo, đầy hấp dẫn và cũng đầy thắc thỏm xen lẫn tự tin chân thật, cao vút tính tráng ca mà cũng thăm thẳm trữ tình, thật đấy ảo đấy, làm thổn thức và cũng vất vả bao thế hệ người đọc và thầy trò nước Việt ta...
A Phim, Y Hanh-hai người con của bà vợ thứ hai của cụ Mết đang ở tại làng Xốp Nghét, xã Xốp, huyện Đak Glei, Kon Tum. Ảnh: Văn Công Hùng
A Phim, Y Hanh-hai người con của bà vợ thứ hai của cụ Mết đang ở tại làng Xốp Nghét, xã Xốp, huyện Đak Glei, Kon Tum. Ảnh: Văn Công Hùng
Lần này đi cùng Báo Mực Tím trong một chương trình vô cùng lý thú là làm những bộ phim về những tác phẩm có trong sách giáo khoa, từ cuộc đời vào trang viết và từ trang viết trở lại cuộc đời, chúng tôi đã tìm về được làng Xô Man xưa của cụ Mết. Theo anh Đinh Như Rươn-con trai cả của cụ Mết, người được đưa ra Bắc từ năm 3 tuổi, sau đó cùng vợ trở về Đak Glei theo lời khuyên của Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum thời ấy là ông Sô Lây Tăng rằng: Vợ chồng mày về phục vụ quê hương 10 năm rồi tao cho chuyển về tỉnh! Thế mà rồi ở đấy từ thuở đầu xanh đến nay đã nghỉ hưu, thì là làng Xô Man cũ có thể tên thật là Xã Đoàn thuộc Tu Dốp ở cách làng bây giờ đến 70 cây số, và hình như nó đã lẫn đâu đó vào rừng già mà nghe đâu ngay cả khi còn sống thì cụ Mết cũng chưa bao giờ trở lại được nơi ấy kể từ sau năm 1975. Nguyên do là người Tây Nguyên bình thường đã thường xuyên thay đổi nơi ở và nơi canh tác, thế mà lại còn chiến tranh, giặc giã, còn bao yếu tố khách quan chủ quan khác xảy ra trong gần một thế kỷ biến động kia.
Làng mới Xô Man bây giờ mà chúng tôi vào lần này, ở cách thị trấn huyện 30 cây số, nhưng đường đi rất khó, chúng tôi phải xuống xe đi bộ khá xa, có tên là làng Xốp Nghét, xã Xốp, ở đấy còn ba người con của người vợ thứ hai của cụ Mết, có cháu dâu và cả chắt nội ngoại. Họ sống khá chật vật... Anh Rươn-con trai cả cụ Mết-nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, có vợ làm cùng cơ quan là người Thái Bình, cưới nhau từ hồi ngoài Bắc rồi đưa nhau về quê chồng. Anh chị sinh được ba người con, con trai cả đang là Trưởng phòng Kinh tế huyện, có vợ là Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, con trai thứ hai đang học bác sĩ tại Huế, có vợ người Hà Tĩnh là giáo viên mầm non và con trai út là Công an xã, cũng đã có vợ con.
Cụ Mết tên thật là Đinh Môn, mất năm 2000. Từ thời chiến tranh, ông nổi tiếng đến mức Pháp đã từng mời về giao chức và phong hàm thiếu tướng nhưng ông không về. Ít người biết rằng ông không biết chữ, là Trung đội trưởng tuyên truyền vũ trang khi được Pháp mời về phong hàm thiếu tướng. Sau này làm đến chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, ông chỉ biết mỗi một chữ Mết khi ký vào văn bản, còn tất cả ông chỉ truyền đạt bằng... nói. Có nhiều dị bản về việc tại sao ông không được phong anh hùng từ thời cùng với ông Núp dù ông là người tham gia bộ đội trước. Bây giờ, theo anh Rươn, tỉnh Kon Tum đang làm hồ sơ đề nghị Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng cho ông. Thôi, muộn còn hơn không, mong rằng ông cũng không lấy thế làm vì, cũng như ông đã sống một cuộc đời bình dị và lặng lẽ cho đến khi Yàng gọi dù nhắc đến tên ông, gần như con dân nước Việt ai cũng phải biết bởi sự chắp cánh của nhà văn Nguyên Ngọc...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Giữ vị chè Truồi

Giữ vị chè Truồi

Làng Truồi (đoạn thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, thành phố Huế), bát nước chè trong veo chứa đựng từng giọt tinh túy của đất trời. Không để hương vị đặc trưng của chè Truồi bị lãng quên, các nông hộ nơi đây đang mở ra hướng đi đột phá cho loại đặc sản này.

Tái chế đến tái sinh

Tái chế đến tái sinh

Tại một xưởng nhỏ nằm sâu trong vùng ngoại ô Bình Định, tiếng nói cười rộn ràng luôn tràn ngập giữa không gian xanh mát của cây trái tạo nên một không khí đầy sức sống.

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Suốt nhiều năm chìm trong bóng tối của cách trở và thiếu thốn, làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) từng là một trong những "vùng trắng" điện lưới hiếm hoi còn sót lại ở Bình Định.

Ngược dòng Thác Ma

Ngược dòng Thác Ma

Sông Thác Ma, tên gọi dân dã của một nhánh nhỏ hợp lưu với sông Ô Lâu, bắt nguồn từ vùng rừng phía Tây huyện Hải Lăng (Quảng Trị), xuôi qua các làng Khe Mương, Trầm, Tân Điền, Cồn Tàu - xã Hải Sơn, rồi đổ về Hải Chánh, hòa vào sông lớn.

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Từ mệnh lệnh trái tim, những người lính Biên phòng Sơn La đã “cùng ăn, cùng ở” giúp người dân nghèo biên giới xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việc làm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.