Áo dài nam trong dòng chảy văn hóa Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Còn gì đẹp hơn nếu những dịp lễ, Tết, hội hè, hay trong những sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, ta thấy cả nam giới và phụ nữ mặc áo dài dân tộc. Bộ trang phục truyền thống luôn góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa. Như một dòng chảy, có lúc quanh co, chiếc áo dài nam từng có lúc chìm vào quên lãng. Nhưng hôm nay, chiếc áo dài nam đang trong quá trình phục hưng, với sự quan tâm của cả cộng đồng.
 
Vẻ đẹp áo dài ngũ thân nam truyền thống. Ảnh: CÔNG BÌNH
Vẻ đẹp áo dài ngũ thân nam truyền thống. Ảnh: CÔNG BÌNH
Hành trình gian nan
Những người yêu văn hóa truyền thống hẳn không quên được hình ảnh cách đây hơn hai năm, vào mùa hè năm 2018, khi Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, Trần Ngọc An trình quốc thư lên Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị. Ông đội khăn đóng, mặc chiếc áo mầu xanh nước biển thẫm, trên áo có in hình hoa văn truyền thống. Đó là một khoảnh khắc đẹp với chiếc áo dài nam, khi Đại sứ Trần Ngọc An chọn áo dài để thể hiện văn hóa dân tộc. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Bu-tan và Nê-pan Phạm Sanh Châu thì không chỉ “diện” áo dài trong những dịp thực hiện nghi lễ ngoại giao, mà còn trong các dịp lễ, Tết, sự kiện văn hóa, đặc biệt là vận động nhân viên Đại sứ quán mặc áo dài. Hiện tất cả các nhân viên Việt Nam công tác tại Đại sứ quán tại Ấn Độ đều mặc áo dài ba dịp trong năm: Tết cổ truyền, chiêu đãi Quốc khánh và lễ Vu Lan. Không ngạc nhiên khi ông được mọi người gọi là “Đại sứ áo dài”. Sự xuất hiện của áo dài nam trong các sự kiện ngoại giao đã khiến rất nhiều người bất ngờ. Bởi trước đó, chưa nhiều người nghĩ, chiếc áo dài đem lại sự lịch lãm, sang trọng và tôn vinh văn hóa dân tộc đến thế…
Những hình ảnh đẹp ấy gợi cho ta cảm nghĩ, dường như, việc phục hưng chiếc áo dài nam đã được khơi nguồn. Thế nhưng, sự trở về của áo dài nam không hề dễ dàng như người ta tưởng. Nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Quốc Hải vẫn nhớ như in thời điểm cách đây gần 30 năm. Khi ấy, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) mời các chuyên gia để bàn về vấn đề quốc phục. Ông kể rằng, rất nhiều nhà quản lý văn hóa, nhiều chuyên gia được mời đến, nhưng không ai trả lời được câu hỏi thế nào là bộ quốc phục nam. Với ông, đó chính là một nỗi đau về văn hóa. Cuộc gặp gỡ của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin với các chuyên gia, như lời nhà văn Hoàng Quốc Hải, không đem lại kết quả như ý muốn. Nhưng nó tạo ra một khởi đầu. Nhiều người bắt đầu bàn về quốc phục, mà yếu tố đầu tiên phải là thể hiện được bản sắc dân tộc. Tất nhiên, trang phục truyền thống người Việt có nhiều loại cho nam và nữ. Nhưng với nam giới, chiếc áo dài truyền thống được coi là “ứng viên” của quốc phục nam giới. Dư luận bắt đầu quan tâm hơn. Trước đó, chiếc áo dài nam thường chỉ xuất hiện trên sân khấu, hoặc những người thực hành nghi lễ ở các lễ hội. Nhưng rồi, dần dần, áo dài nam bắt đầu xuất hiện trong các lễ cưới, trên sân khấu thời trang, rồi các sự kiện văn hóa. Tần suất xuất hiện của áo dài nam ngày một dày hơn trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngày càng nhiều bạn trẻ bắt đầu tự tin “diện” áo dài trong các hoạt động. Đặc biệt, năm ngoái, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước khuyến khích công chức nam ngành văn hóa mặc áo dài trong ngày đi làm đầu tuần.
Trong hành trình ấy, có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa và nhất là các bạn trẻ. Câu lạc bộ (CLB) Đình làng Việt là một trong những nhóm tích cực hoạt động để nối lại truyền thống áo dài nam. Các thành viên của CLB cũng thường mặc áo dài trong các sự kiện văn hóa. Đặc biệt, năm 2017, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống trực thuộc CLB Đình làng Việt đã ra đời. Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình chia sẻ: “Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đặt nền móng cho áo dài nam ngũ thân truyền thống rồi phát triển hoàn thiện sau đó. Gọi là áo ngũ thân vì loại áo này được ghép bởi năm vạt (năm thân) gồm hai thân trước, hai thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ năm ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất. Do ảnh hưởng của Tây học từ những năm 1940, chiếc áo dài nam mờ nhạt dần. Sau năm 1954, chiếc áo dài nam chỉ còn xuất hiện trên sân khấu. Chiến tranh kéo dài liên miên, hình ảnh áo dài bị quên đi, khi tìm lại vẻ đẹp của áo dài nam, thì lại có nhiều lầm lẫn với những áo dài cải biên trên sân khấu, hoặc qua các nhà thiết kế”. Thực tế, trong những lễ hội văn hóa, lễ hội thời trang, những chiếc áo dài “biến tấu” quá đà, khi thì làm mất đi sự mạnh mẽ của nam giới, khi thì lại giống áo dài của các nước khác trong khu vực
Nam Á. Nhiều người bắt đầu nhầm lẫn về chiếc áo dài nam. Đây là lý do nhóm Đình làng Việt và nhiều nhóm nghiên cứu, chuyên gia mỹ thuật bắt tay vào việc tìm lại vẻ đẹp của áo dài nam. Rất may, thời điểm chiếc áo dài ngũ thân được sử dụng phổ biến cách đây chưa quá lâu, cho nên có nhiều tư liệu, hình ảnh có thể tham khảo.
Không chỉ nhóm Đình làng Việt, nhiều nhà nghiên cứu, hay các CLB văn hóa truyền thống khác cũng tiến hành những nghiên cứu của riêng mình. Đến thời điểm này, chiếc áo dài nam truyền thống đã được “định vị” chuẩn mực. Theo các nhà nghiên cứu, những tiêu chí đó là: Năm thân, tay chẽn, cổ đứng, cài khuy, vai liền. Ngoài yếu tố khác biệt so với áo dài các dân tộc khác, chiếc áo dài nam còn mang ý nghĩa sâu xa. Thí dụ như, năm thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, thân thứ năm tượng trưng cho chính bản thân. Năm thân là một trong những yếu tố tiên quyết của áo dài nam, cho nên còn gọi là áo dài ngũ thân. Năm khuy tượng trưng cho năm đức tính của người quân tử là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Mặc áo dài còn là sự nhắc nhở mỗi người về đạo làm người.
Để áo dài thích ứng với cuộc sống
Là người chứng kiến những thăng trầm của áo dài nam, nhà văn Hoàng Quốc Hải vui mừng khi chứng kiến một cuộc “phục hưng” của áo dài nam. Ông bảo rằng, ông có niềm tin, bởi trong số những người nghiên cứu, những người mặc áo dài nam ngũ thân có rất nhiều bạn trẻ. Trên thực tế, cùng với nhóm Đình làng Việt, có một nhóm gồm toàn những bạn trẻ 9x nhiều năm mày mò tìm lối trở về cho trang phục truyền thống - đó là Câu lạc bộ Ỷ Vân Hiên (trụ sở tại phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bây giờ, Ỷ Vân Hiên đã trở thành một doanh nghiệp uy tín, chuyên cung cấp trang phục truyền thống cho các tập thể, cá nhân; trong đó, có nhiều khách hàng là những người hoạt động văn hóa, ngoại giao. Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: “Khi mới “dựng” lên chiếc áo dài truyền thống của cả nam và nữ, ban đầu mọi người thấy hơi khác lạ so với những bộ “áo the, khăn xếp” thường thấy. Nhưng đó chính là chiếc áo dài năm thân của người Việt xưa. Nếu nhìn lại những bức ảnh về người Hà Nội đầu thế kỷ XX, ta sẽ thấy rất nhiều gia đình Hà Nội mặc áo dài truyền thống. Chiếc áo dài nam truyền thống khắc phục được nhiều nhược điểm cơ thể, mà lại toát lên sự sang trọng lịch lãm, thể hiện phong thái đĩnh đạc của nam giới. Khi mà những chiếc áo dài trở nên bão hòa, người ta có nhu cầu khẳng định mình. Một bộ trang phục cổ sẽ đáp ứng được mong muốn ấy. Đó là lý do mà nhiều người, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đến với áo dài nhiều hơn”. 
Tuy nhiên, áo dài nam cũng có những nhược điểm nhất định. Bởi thế, khi chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, khuyến khích công chức nam ngành văn hóa mặc áo dài trong ngày đầu tuần, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Việc gìn giữ, phát huy giá trị, sử dụng chiếc áo dài là cần thiết, nhưng vấn đề là ứng dụng ra sao cho phù hợp bối cảnh xã hội hiện đại. Chiếc áo dài năm thân truyền thống dùng hai lớp vải, khá dày, không phù hợp với thời tiết nắng nóng tại nhiều địa phương, đồng thời cũng làm tăng giá thành, khó tiếp cận với giới trẻ. Thạc sĩ Nguyễn Kim Hương - Giảng viên Thiết kế thời trang, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc cách tân áo dài để phù hợp với cuộc sống là xu thế tất yếu. Bà Nguyễn Kim Hương nhấn mạnh: “Cách tân áo dài là một xu hướng để phù hợp với cuộc sống hôm nay, để có thể mặc trong cả lúc đi làm, đi chơi, chứ không chỉ trong sự kiện; cách tân phải bảo đảm được yếu tố cổ truyền, tôn trọng bản sắc cá nhân, tiện lợi. Nhưng đừng cách tân quá đà có thể dẫn đến không phù hợp, thậm chí phản cảm”.
Nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng không nên “bê” nguyên áo dài ngũ thân vào cuộc sống. Trang phục trước hết phải hợp khí hậu. Cách tân phải chú ý đến yếu tố thuận lợi, thoải mái, và trang phục có thể giặt máy, có thể là được dễ dàng. Về phía CLB Đình Làng Việt, ông Nguyễn Đức Bình cũng cho biết, phải điều chỉnh để chiếc áo dài nam vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống, vừa ứng dụng được trong đời sống ngày nay. Thí dụ có thể mặc áo dài với quần tây sáng mầu, ống nhỏ, áo có hoa văn trang trí không quá sặc sỡ… Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dù cách tân, thì cũng cần tôn trọng các yếu tố cơ bản, gồm: Năm thân, tay chẽn, cổ đứng, cài khuy, vai liền.
 Trong non một thế kỷ qua, áo dài nam đi qua một hành trình, từ thân thuộc, đến lạ lẫm, rồi bắt đầu thân quen. Dù chưa có văn bản chính thức công nhận áo dài ngũ thân nam là quốc phục, nhưng trong tâm thức của nhiều người, bây giờ, chiếc áo dài ngũ thân nam đã là hình ảnh đại diện cho văn hóa trang phục Việt Nam.
GIANG NAM (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.