An cư nhờ chương trình cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm thí điểm triển khai trên địa bàn TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa, chương trình cho vay nhà ở xã hội đã tạo cơ hội cho hàng chục hộ dân được an cư, ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Văn Sim (tổ 2, phường Hội Thương, TP. Pleiku) là khách hàng đầu tiên của chương trình cho vay nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo ông Sim, trước đây, ngôi nhà cũ của gia đình nằm trên đất đồi, nền nhà cao hơn mặt đường vài mét, diện tích sử dụng rất hạn chế trong khi có tới 2-3 thế hệ cùng chung sống. Khi tuyến đường Sư Vạn Hạnh được Nhà nước đầu tư mở rộng và nâng cấp, gia đình ông có ý định xây mới căn nhà để tiện bề sinh hoạt. Biết Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh có chương trình cho vay nhà ở xã hội nên ông Sim mạnh dạn liên hệ. Sau khi đáp ứng các điều kiện về đối tượng vay vốn, nhu cầu thực tế, khả năng tài chính, phương án xây dựng, năm 2018, Ngân hàng đã đồng ý cho gia đình ông vay 700 triệu đồng trong thời gian 15 năm, mức lãi suất là 4,8%/năm. Từ số tiền này cộng với nguồn vốn tích lũy, gia đình ông đã xây dựng ngôi nhà 3 tầng ngay trên nền đất cũ, hiện thực hóa mong ước lâu nay.
 Chị Mai Thị Lương (phường Diên Hồng, TP. Pleiku; bìa phải) trò chuyện với cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh trong căn nhà mới xây của mình. Ảnh: S.C
Chị Mai Thị Lương (phường Diên Hồng, TP. Pleiku; bìa phải) trò chuyện với cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh trong căn nhà mới xây của mình. Ảnh: S.C
Ông Sim cho biết: “Cho vay nhà ở xã hội là chính sách thiết thực, giúp người dân có thêm điều kiện an cư lạc nghiệp. Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã chủ động hỗ trợ người vay ngay từ khâu làm hồ sơ, hoàn tất các thủ tục liên quan nên chỉ mất vài ngày là xong phần giấy tờ. Trong quá trình xây dựng nhà ở, cán bộ ngân hàng đã theo sát tiến độ để kịp thời giải ngân 2 đợt. Nói thật, nếu không có chương trình tín dụng ưu đãi như thế này thì ước mong có được ngôi nhà như hiện nay của chúng tôi khó thành hiện thực”.  
Kiến tạo cơ hội, tiếp thêm động lực để người dân an cư là hiệu ứng lan tỏa tích cực từ chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ. Đây cũng chính là cảm nhận của chị Mai Thị Lương (tổ 5, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) khi được tiếp cận nguồn vốn của chương trình vào tháng 5-2019. Trong điều kiện tài chính gia đình có hạn nên khi định xây nhà, chị Lương đã dành thời gian tìm hiểu cặn kẽ các gói tín dụng về nhà ở. Ngay khi biết Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, chị đã mạnh dạn nộp hồ sơ vay 300 triệu đồng, kết hợp thêm khoản tiền tiết kiệm nhiều năm để xây dựng căn nhà cấp IV có diện tích 125 m2 bao gồm 1 phòng khách, 1 phòng bếp, 2 phòng ngủ, nhà vệ sinh với tổng chi phí 600 triệu đồng. Theo tính toán của chị Lương, với thu nhập của một công chức như chị, nếu vay ngân hàng thương mại có thời gian cho vay rất ngắn thì gia đình không đủ khả năng xoay xở trả lãi, trả gốc kịp thời. Còn vay Ngân hàng CSXH với mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8%/năm, thời gian vay 15 năm thì mỗi tháng chị phải đóng 1,2 triệu đồng tiền lãi, kết hợp gửi tiết kiệm 1,8 triệu đồng tại Tổ Tiết kiệm và vay vốn để trả gốc theo phân kỳ quy định. “Nếu không vay chương trình cho vay nhà ở xã hội của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi sẽ không đủ điều kiện tài chính để xây dựng nhà ở. Do đó, tôi mong muốn chương trình này nhân rộng ra để công chức, viên chức, những người thu nhập thấp có cơ hội xây nhà, ổn định cuộc sống”-chị Lương bày tỏ.
Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ được Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai từ năm 2018 đến nay, thí điểm tại TP. Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa với dư nợ cho vay là 5,4 tỷ đồng/16 hộ được vay. Đối tượng thụ hưởng của chương trình này bao gồm: người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức. Mức vốn cho vay được quy định cụ thể theo từng trường hợp. Trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ, hiện nay là 4,8%/năm.
Từ thực tế triển khai trên địa bàn tỉnh, ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Hiện nay, nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội là rất lớn, đặc biệt là các đối tượng công chức, viên chức, người có thu nhập thấp ở địa bàn đô thị. Tuy nhiên, nguồn vốn của Chính phủ bố trí cho Ngân hàng CSXH triển khai chương trình này còn thấp nên một số đối tượng có nhu cầu vẫn chưa được tiếp cận”.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).