Phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Gia Lai: Nhiều kỳ vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo khảo sát sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 2.500 hộ công nhân, người lao động và cán bộ, công chức, viên chức thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Do đó, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đang triển khai được kỳ vọng sẽ giải quyết được phần nào nhu cầu bức thiết này.
Nhu cầu về nhà ở của các đối tượng công nhân, người lao động và cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh là rất cao. Thế nhưng, ngoài khu chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku) được xây dựng cách đây khoảng 20 năm thì toàn tỉnh không có khu nhà ở xã hội nào khác. Ông Đỗ Việt Hưng-Phó Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết: “Sở Xây dựng đang xin chủ trương để triển khai xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, trong đó có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2020, dự kiến khoảng 2.500 hộ”.
 Chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku) là khu nhà ở xã hội của tỉnh. Ảnh: H.D
Chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku) là khu nhà ở xã hội của tỉnh. Ảnh: H.D
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị của tỉnh ước tính khoảng 2.000 hộ, còn đối với công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị khoảng 500 hộ. Ông Nguyễn Văn Nam-Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh-thông tin: “Hiện Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) có khoảng 1.900 công nhân, trong đó có khoảng 50% là người từ tỉnh khác đến. Nhiều công nhân trong số này đang cần nhà ở để ổn định cuộc sống và làm việc lâu dài”.
Anh Hoàng Văn Thái (hiện ở trọ tại số 188 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) bày tỏ: “Tôi ở huyện Đức Cơ nhưng làm việc tại Pleiku. Có an cư thì mới lạc nghiệp. Tuy nhiên, với mức lương công chức thì tôi khó có thể mua được nhà trước tình hình giá nhà, giá đất quá cao như hiện nay. Nếu tỉnh có nhà ở xã hội cho những đối tượng như tôi mua và trả góp hàng tháng thì tốt quá”.
Vấn đề đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh ta đã được đặt ra từ rất lâu. Liên quan đến vấn đề này, ngày 12-7-2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-HĐND về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Ngay sau đó, ngày 10-8-2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 382/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, tỉnh định hướng tại khu vực đô thị sẽ tập trung phát triển nhà ở theo dự án với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; quản lý chặt chẽ việc giao đất cho các hộ gia đình tự xây nhà ở; hạn chế tối đa việc giao đất để các hộ gia đình tự xây dựng nhà ở; dành quỹ đất cho cây xanh và các sinh hoạt công cộng khác tại đô thị, hình thành không gian đô thị hiện đại. Tại các đô thị hành chính, các loại nhà ở dân tự đầu tư sẽ phải xây dựng theo kiểu nhà phố liền kề bám theo các trục đường giao thông cũ và mới mở đi qua hoặc dẫn tới các khu vực có dự án phát triển công nghiệp cần giảm thiểu vì ở các vị trí này không đảm bảo an toàn giao thông, hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng, môi trường ở không đảm bảo.
Việc phát triển nhà ở đô thị gắn chặt với quá trình tăng trưởng và phát triển đô thị, đi đôi với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Đặc biệt, tỉnh tập trung giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp Trà Đa và quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động tại Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Riêng tại khu vực nông thôn, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình người có công với cách mạng, các hộ ở vùng sâu, vùng xa, khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai; xây dựng, cải tạo, chỉnh trang nâng cấp chất lượng nhà ở. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ về nhà ở, đất ở và hạ tầng kỹ thuật để hình thành các khu, cụm dân cư tập trung đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Theo kế hoạch đã được duyệt, dự kiến trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 76 dự án nhà ở thương mại, khu dân cư và khu đô thị mới được triển khai xây dựng trong giai đoạn 2019-2020 với tổng diện tích khoảng 1.643 ha. Trong đó có 35 dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị có nhà ở với diện tích trên 1.153 ha; 3 dự án nhà ở xã hội với diện tích 17,4 ha và 38 dự án đầu tư hạ tầng phục vụ tái định cư, đấu giá thu ngân sách, khu dân cư nông thôn, các dự án nhỏ lẻ với diện tích 472 ha. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 27.636 tỷ đồng.

Một số dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2019-2020:

- Khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh (thuộc các phường: Trà Bá, Ia Kring, Hội Phú của TP. Pleiku): diện tích 39,74 ha; dự kiến tổng mức đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng 1.500 tỷ đồng.

- Khu dân cư Nguyễn Chí Thanh (xã Chư Hdrông và phường Trà Bá, TP. Pleiku): diện tích 56,8 ha; dự kiến tổng mức đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng 1.500 tỷ đồng.

- Khu đô thị phường An Phú (thị xã An Khê): diện tích 17,5 ha; dự kiến tổng mức đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng 163 tỷ đồng.

- Khu dân cư thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa): diện tích 36 ha; dự kiến tổng mức đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng 550 tỷ đồng.

- Khu nhà ở xã hội thuộc Khu Công nghiệp Nam Pleiku (xã Ia Băng, huyện Chư Prông): diện tích 5 ha; dự kiến tổng mức đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng 15 tỷ đồng.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

Bảo tồn địa hình để tạo lập bản sắc đô thị

(GLO)- Nhiều khách phương xa rất thích thú khi được lên xuống trên những con dốc dài giữa phố núi Pleiku. Địa hình đồi núi mang đến sự khác lạ về tầm mắt, thay đổi về cảm xúc và đầy thêm trải nghiệm về một vùng đất. Bản sắc ấy của đô thị cao nguyên đang được bảo tồn một cách đầy chủ ý.
Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.