Ám ảnh hoa gạo có ma và chút kiêu hãnh mùa xuân sót lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Màu hoa ấy vừa kiêu hãnh, vừa man mác buồn thương. Dẫu rụng về cội vẫn khiến người ta phải ngoái nhìn. Những cánh hoa ấy giống như chút kiệt cùng kiêu hãnh của mùa xuân.
 

“Bao giờ cho đến tháng ba- Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Bà tôi vẫn thường đọc hai câu ca dao ấy mỗi khi lũ cháu nhỏ than nóng, giục bà cất hết chăn đệm vào rương.

Ra Tết, thời tiết ẩm ương đến lạ. Có những ngày nắng vàng hun khắp sân, chỉ khẽ ngẩng đầu lên là phải nheo mắt lại vì chói. Giữa đông, mặc hai, ba cái áo vẫn thấy lạnh, ấy thế mà giờ đây một chiếc áo len mỏng cũng làm người ta phát ngốt.

Mỗi lần như thế, hai chị em tôi lại muốn tống cái chăn bông vừa to, vừa nặng vào rương. Nhưng bà nhất quyết giữ nó lại. Nắng to thì đem chăn ra hong. Bà lấy chiếc đòn gánh đập vào chăn bình bịch. Những hạt bụi nhỏ bay tứ tung trước mắt, lấp lánh dưới ánh nắng xuân. Bao giờ, những bông hoa gạo rụng đầy triền đê, ấy là lúc tấm chăn dày được “nghỉ hưu” sau mấy tháng “vất vả”. Nó đã thành cái lệ của bà. Vậy mà, lũ cháu nhỏ cứ cố tình quên.

Ở quê tôi, làng nào cũng có dăm ba cây gạo. Cây được trồng ở triền đê, cây lại “đóng đô” ở bãi sau của chùa. Người xưa đã dạy rằng: “Thần cây đa, ma cây gạo”, người lớn lên ở làng, ai cũng thuộc lòng câu ấy. Thêm dăm ba lời dọa dẫm bâng quơ, thế là đám trẻ nít chẳng bao giờ dám bén mảng đến gốc gạo chơi vì sợ ma bắt.


 

Tháng ba, người ta lại nhớ sắc đỏ của những bông hoa gạo.
Tháng ba, người ta lại nhớ sắc đỏ của những bông hoa gạo.



Mùa hè, mùa thu, rồi suốt cả mùa đông dài, cây gạo chẳng có gì hấp dẫn lũ trẻ con. Đám gai chi chít suốt cả thân đến cành đôi khi còn “hiệu quả” hơn cả những lời dọa dẫm của người lớn. Đã thế, thân cây gạo lại thẳng, vươn cao mới đẻ nhánh, phân cành, mấy cậu nhóc nhà quê cũng chẳng có chỗ mà leo trèo.

Thế nhưng, cứ đến tháng hai, cây gạo lại có dịp “thay da đổi thịt”. Đám lá úa đã rụng hết, những bông hoa đỏ cứ thế đơm đầy cành. Đầu tuần, chị tôi đạp xe lên trường chuyên đi học, mới có lác đác vài bông hoa gạo bung cánh, trông như đốm lửa nhỏ. Chị ngoái nhìn theo những đốm đỏ chênh vênh ấy một lát, rồi mới yên lòng để đi. Chắc chị sợ khi về hoa rụng hết.

Cuối tuần, tôi ra ngõ ngóng chị. Vẫn cái dáng mảnh khảnh ấy trên chiếc xe đạp cũ, chỉ khác là giỏ xe đầy những bông hoa đỏ. Đến đầu làng, bông gạo rụng đỏ gốc, chắc chị thấy tiếc nên nhặt về. Dù biết trước kiểu gì cũng bị mẹ mắng.


 

 Từ miền xuôi đến miền ngược, ở đâu người ta cũng có thể thấy những cây gạo rực rỡ đón mùa xuân.
Từ miền xuôi đến miền ngược, ở đâu người ta cũng có thể thấy những cây gạo rực rỡ đón mùa xuân.



Đi một vòng trong làng, không khó gì để kiếm những cành hoa đỏ về chơi. Nào hoa bỏng, hoa dâm bụt, hoa mò… nhưng chẳng hiểu sao, đám trẻ con nhà quê chúng tôi vẫn xúm xít dưới gốc gạo. Dẫu rằng, chỉ nhặt được những bông hoa rụng, cánh đã hơi thâm lại. Cây gạo cao thế, chẳng thể nào hái được hoa tươi. Những bông hoa như màu lửa ấy, ngắm từ phía xa cũng yêu kiều và diễm lệ hơn nhiều… Cái gì không dễ dàng có được, người ta lại càng sinh lòng thèm muốn.

Tôi và mấy đứa bạn vẫn lựa những bông hoa đẹp nhất, rồi đi kiếm dây tơ hồng, hay dây ruột gà kết thành vòng hoa đội đầu. Vừa nghịch, nhưng vẫn nhớ phải ngó nghiêng xung quanh, lỡ mẹ đi qua là lại bị mắng. Vòng hoa dẫu còn đẹp, cũng chẳng đứa nào dám mang về nhà. Nỗi sợ hãi vô hình đã in sâu vào trong tâm trí. Không chỉ với chúng tôi, mà còn với các bà, các mẹ.

Người làng nghèo, quanh năm chỉ biết có ruộng nương nên phải cầu trời, cầu Phật cho mưa thuận gió hòa, nên cố tin vào câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” để mong mỏi chút bình an.

“Cây gạo có ma, sao người làng vẫn trồng nó hả bà?”. Đã có lần tôi hỏi bà như thế. Bà nhổ ngụm nước trầu rồi đủng đỉnh kể chuyện. Lẽ công bằng, không phải là thứ dễ tìm. Trên đời có người giàu, ăn không hết của và cũng có những người nghèo, làm lụng vất vả chẳng đủ miếng ăn. Dưới âm phủ cũng vậy, có người được thờ phụng, nên có chỗ nương tựa. Có hồn ma phải vất vưởng khắp nơi. Người ta trồng cây gạo để những vong hồn ấy có nơi nương tựa.

Hóa ra, cây gạo đang “làm việc tốt” vậy mà vẫn phải chịu tiếng oan. Đúng là lẽ công bằng là thứ chẳng dễ tìm. Đầu óc con bé ngây thơ, vụng dại khi ấy vẫn trăn trở mãi mới vào giấc ngủ.


 

 Giống như cây đa và cây si, cây gạo gắn liền với nhiều yếu tố tâm linh.
Giống như cây đa và cây si, cây gạo gắn liền với nhiều yếu tố tâm linh.



Một dạo, trong làng có vài ba người đi làm ăn xa, đi mãi năm, bảy năm không về. Có người đồn họ đã chết ở trên mạn ngược, nhưng cụ thể ở nơi đâu thì không ai rõ. Cái “mạn ngược” quá mênh mông với người làng.

Thế rồi, có những bà mẹ nhớ con, mang nắm hương ra thắp ở gốc gạo. Mong cho đứa con mệnh khổ ấy tìm được đường về nhà. Có lẽ vì vậy mà những bông hoa gạo ở đầu làng luôn có một màu đỏ đến nhức nhối.

Bao năm, lũ trẻ chúng tôi đã thành người lớn. Còn cây gạo vẫn đứng đó, hiên ngang, trầm mặc. Bọn nhóc bây giờ chẳng thiếu đồ chơi. Chúng không cần phải nhặt bông hoa rụng để mua nụ cười con trẻ. Những bông hoa đỏ ấy, cứ thế an nhiên về với đất.

Dẫu lớn khôn, rồi đi xa trăm ngả, chúng tôi vẫn là người làng. Ở nơi xa về là dõi mắt tìm bóng cây gạo. Cái dáng cao sừng sững ấy, bỗng trở nên thân quen như người nhà.

 

Thụy Oanh (zing)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.