3 mẹ con đi cắt cỏ bị đuối nước ở Kông Chro: Nỗi đau người ở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 1 ngày xảy ra vụ đuối nước thương tâm, chiều 7-8, ông Ngô Văn Quang (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) nén chặt nỗi đau để lo chu toàn hậu sự cho vợ và 2 con. Người không may thiệt mạng cũng đã yên phận nhưng với người ở lại thì nỗi đau này day dứt mãi khôn nguôi.

Buổi chiều định mệnh

Vợ chồng ông Ngô Văn Quang và bà Lê Thị Hạnh có 4 người con là Ngô Lê Anh Đức (SN 2005), Ngô Lê Thành Tài (SN 2008), Ngô Lê Tiến Đạt (SN 2010) và Ngô Lê Hiền Diệu (SN 2013). Bên cạnh trồng trọt, gia đình ông Quang còn chăn nuôi bò theo phương thức nuôi nhốt. Hàng ngày, 2 ông bà luân phiên cắt cỏ, chăm sóc đàn bò 12 con. Thấy gần 3 sào cỏ voi trồng gần nhà cắt đã vơi, chiều 6-8, vợ chồng ông Quang vào rẫy của người họ hàng cách nhà khoảng 5 km để cắt cỏ. Thương cha mẹ vất vả và cũng là dịp nghỉ hè, chị cả Anh Đức và 2 em Tài, Đạt đi theo phụ giúp.

Vợ và 2 con thơ đuối nước tang thương bao chùm gia đình ông Ngô Văn Quang (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro). Ảnh: An Phát
Không khí tang thương bao trùm gia đình ông Ngô Văn Quang (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro). Ảnh: An Phát


Theo ông Quang, khu rẫy rộng cả chục héc ta, ở đó có cái ao khá rộng và sâu. Tới nơi, các thành viên trong gia đình tản ra cắt cỏ, chẳng mấy chốc đã đủ 1 xe. Thấy vậy, Đạt gợi ý: “Bố chở cỏ về mang theo lưới bắt cá nha”. Khi quay trở lại, ông Quang mang theo tấm lưới, rồi tìm đến cuối ao để thả. Trong khi đó, bà Hạnh, Đạt và Tài mò ốc ở phía đầu ao bên này. Đức lên nhà rẫy ngồi nghỉ.
 
Nghe những lời động viên, chia sẻ của chúng tôi, em Ngô Lê Anh Đức lặng lẽ khóc. Ôm chặt em út Hiền Diệu vào lòng, Đức nghẹn ngào kể: “Em đang ngồi thì nghe tiếng em Đạt: “Bố ơi cứu con với”. Hồi giờ, Đạt hay đùa giỡn nên em nghĩ, chắc trong tình huống này cũng thế. Mặc dù nghĩ như vậy nhưng em vẫn hướng mắt về phía ao và đi xuống xem em thế nào. Thoáng đó mà đã không thấy mẹ và các em đâu. Em cuống quýt chạy đi gọi bố. Linh tính có điều chẳng lành, bố em gọi điện cho mọi người ở gần đó đến hỗ trợ, đồng thời lặn xuống ao tìm kiếm. Mọi người dùng gậy để dò, một hồi sau thì tìm thấy mẹ em. Rồi lần lượt, mọi người vớt Đạt và Tài lên. Dù nỗ lực dùng hết các biện pháp sơ cấp cứu nhưng cũng không kịp nữa…”.

Còn ông Quang, trước nỗi đau quá lớn, giọng ông nghẹn lại: “Ai ngờ đây là lần cuối cùng tôi nghe được giọng nói, tiếng cười đùa của 2 con; lời động viên, chia sẻ của vợ”.

Nỗi đau người ở lại

Ngồi lặng lẽ một góc, thỉnh thoảng, chị Lê Thị Tồn ngước nhìn di ảnh của người chị gái và 2 cháu nghi ngút khói nhang. Chị vẫn không thể tin nổi, hôm qua, bọn trẻ còn tíu tít chuyện trò, chị Hạnh thì việc nhà luôn tay, mà nay đã vắng bóng. “Tôi bị bệnh tim, khoảng 10 năm nay sống cùng vợ chồng chị Hạnh; được anh chị đùm bọc rồi lo chuyện thuốc thang. Mấy dì cháu quấn quýt, thương yêu nhau. Cách đầy gần 1 tháng, Tài và Đạt còn khoe được ba mẹ mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, quần áo mới để chuẩn bị bước vào năm học mới. Vậy mà giờ đây…”-chị Tồn bỏ dở câu nói, cúi xuống lau những giọt nước mắt đang chảy tràn trên gương mặt.

Hay tin học trò bị đuối nước, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung), giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp của Đạt và Tài đã đến chia buồn cùng gia đình. Thầy Nguyễn Đức Lực-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Tài năm nay lên lớp 8; Đạt thì vào lớp 6. Cả 2 em đều là học trò chăm ngoan, biết giúp đỡ cha mẹ”.

Ông Ngô Văn Quang (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) nghẹn ngào trước di ảnh của vợ và 2 con. Ảnh: An Phát
Ông Ngô Văn Quang (thôn 9, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) nghẹn ngào trước di ảnh của vợ và 2 con. Ảnh: An Phát


Ông Phạm Văn Lịm-Trưởng thôn 9-cho hay: Ông Ngô Văn Quang là cựu chiến binh còn bà Lê Thị Hạnh là hội viên phụ nữ, ông bà sống mẫu mực, dân làng ai cũng mến. Vợ chồng ông Quang chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. 4 người con đều ngoan ngoãn, biết đỡ đần cha mẹ. “Ngay khi sự việc xảy ra, Ban Nhân dân thôn, đại diện hội-đoàn thể cùng người dân đã đến hỗ trợ gia đình lo mai táng. Mặc dù trong lúc tang gia bối rối nhưng gia đình cũng như bà con thôn xóm luôn tuân thủ các quy định phòng-chống dịch Covid-19”-ông Lịm chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thế Quyền-Chủ tịch UBND xã Yang Trung-cho biết: “Hay tin trên địa bàn xã xảy ra vụ đuối nước thương tâm, lãnh đạo UBND huyện, Ban Dân vận Huyện ủy và các cơ quan, ban ngành đoàn thể của huyện đã kịp thời đến chia buồn cùng gia đình ông Quang. Ủy ban nhân dân xã cũng đã hỗ trợ gia đình ông 3 triệu đồng để lo hậu sự, đồng thời phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự. Chúng tôi cũng đã vận động gia đình tổ chức tang lễ đảm bảo các điều kiện quy định về phòng-chống dịch Covid-19; nhắc nhở bà con đến phúng viếng phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người”.

AN PHÁT
 

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.