"1,29 triệu đồng/m2 đất Phước Kiển, có hay không lợi ích nhóm?"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 5-6-2017, Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận - có vốn 100% nhà nước, lập hợp đồng chuyển nhượng khu đất rộng 32,4 ha thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với mức giá 1,29 triệu đồng/m2, thu về ngân sách số tiền 419 tỷ đồng.

Sao không đấu giá?

Mức giá 1,29 triệu đồng/m2 được cho là quá “bèo” so với giá trị thực của khu đất. 32 ha đất này nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, đối diện với nhiều khu đô thị hiện đại, tiếp giáp các con đường lớn dẫn vào Khu đô thị cảng Hiệp Phước.

 

Khu đất có diện tích 32,4 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM được Công ty Tân Thuận có vốn 100% Nhà nước chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với mức giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2.
Khu đất có diện tích 32,4 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM được Công ty Tân Thuận có vốn 100% Nhà nước chuyển nhượng cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với mức giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2.

So mức giá chuyển nhượng giữa Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai với khung giá đất huyện Nhà Bè được thành phố công bố năm 2014 thì mức Quốc Cường Gia Lai phải chi trả để mua vẫn rẻ hơn nhiều. Theo đó, mức giá rẻ nhất ở Nhà Bè khoảng 1,4 triệu đồng/m2, trong khi mức giá ở đường Nguyễn Hữu Thọ theo khung giá Nhà nước là 8 triệu đồng/m2. Trong khi đó, khung giá Nhà nước ban hành vẫn được xem là không sát thực tế.

Ngay công ty Quốc Cường Gia Lai, đơn vị nhận chuyển nhượng khu đất, khi đàm phán bồi thường cho người dân còn ở trên địa bàn đã đưa ra mức giá 10 triệu đồng/m2 với đất chưa có sổ hồng và 13 triệu đồng/m2 cho đất có sổ hồng. Với mức giá này, nhiều hộ dân ở đây vẫn cho là chưa thỏa đáng.

Trao đổi với P.V, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết: “Xét về mặt nguyên lý, giá cả đất đai không thể tự sinh ra mà phải hình thành qua quan hệ cung - cầu và quan hệ cạnh tranh trên thị trường. Vậy muốn biết giá đất đai có sát với giá thị trường hay không thì phải đem ra đấu giá, không thể áp đặt hay chỉ định như cách Tân Thuận đã làm”.

Ông Võ tin việc đấu giá sẽ giúp ngân sách thu về khoản tiền lớn hơn nhiều lần, sát với giá thị trường. Bài học đấu giá ở TP.HCM cũng đã cho thấy rõ.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tính từ năm 2011 đến tháng 3/2017, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 215 cuộc, với giá khởi điểm là 3.211,8 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỷ đồng, tăng 1,39 lần so với giá khởi điểm.

Chỉ riêng cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1 đã có 13 nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá và phải qua 16 vòng đấu thì mới xác định người trúng đấu giá. Giá khởi điểm 550 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 1.460 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng đến 32,68% tổng giá trúng đấu giá của 215 cuộc đấu giá), tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá.

Có hay không lợi ích nhóm?

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng trong câu chuyện Phước Kiển, Quốc Cường Gia Lai không sai trên phương diện thị trường. Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai miếng đất theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán. Còn vì sao đất công địa thế đẹp lại được bán với giá 1,29 triệu đồng/m2, giao dịch được thực hiện nhanh gọn trong thời gian ngắn như vậy thì chỉ có người trong cuộc mới biết.

“30 ha đất ở vị trí đẹp như vậy mà chỉ được bán với mức giá 1,29 triệu đồng/m2 chắc chắn phải tồn tại nhiều uẩn khúc đằng sau. Tôi cho rằng ở đây có thể tồn tại vấn đề lợi ích nhóm. Việc các cơ quan chức năng nên làm lúc này là kiểm tra lại chính nội bộ của mình để phát hiện liệu có tồn tại vấn đề tham nhũng hay lợi ích nhóm không”, ông cho biết.

Đồng tình, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng "nếu không công khai minh bạch, âm thầm chỉ định với nhau thì phần nhiều có tham nhũng, có lợi ích nhóm. Điều này gây hại không chỉ tiền của mà còn làm hại cả sự vận hành của đô thị".

Ông Liêm cho rằng việc mua bán các khu đất công ở nhiều tỉnh thành, không chỉ riêng trường hợp Phước Kiển, chưa được thực hiện đúng với pháp luật hiện hành. Các khu đất này dù đem bán hay cho thuê đều phải đem ra đấu giá, không thể bán theo kiểu chỉ định.

Tuy nhiên, nhiều nơi đang “trốn” đấu giá, làm sai quy định của pháp luật vì nhiều lí do khác nhau.

Để khắc phục tình trạng này, cơ quan từ Trung ương tới địa phương cần phải có các quy chế rõ ràng hơn trong việc mua bán và sử dụng đất công, tránh tình trạng tham nhũng, gây thất thoát ngân sách nhà nước, ông Phạm Sỹ Liêm nói.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu Công ty Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hơn 32 ha đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Quốc Cường Gia Lai, vì lý do giá chuyển nhượng được cho là rẻ bất thường và thiếu minh bạch trong giao dịch.

Kết luận của Thành ủy vừa công bố cũng cho biết hợp đồng mua bán này đã chấm dứt. Phía QCG đã đồng ý hủy giao dịch. Tuy nhiên, trách nhiệm trực tiếp liên quan đến giao dịch mua bán này vẫn chưa được làm rõ.

Giang Hạ/zing

Có thể bạn quan tâm

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

(GLO)- Tại khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, công tác chỉnh trang đô thị đang được khẩn trương thực hiện, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.