Y tế nội hút bệnh nhân ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi trải qua đợt hóa trị, ông Sol Facun Asuncion (59 tuổi) quyết định bay từ Philippines sang TPHCM.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông được phẫu thuật nội soi cắt khối u ở vùng tâm vị thực quản, cắt nửa trên dạ dày, nạo hạch triệt để, xuất viện sau 12 ngày.

Mối duyên để bệnh nhân này lựa chọn TPHCM để điều trị đến từ một hội nghị ngoại khoa tổ chức ở Philippines. Tại đây, PGS-TS-BS Lâm Việt Trung, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đã có bài báo cáo ấn tượng về phẫu thuật ung thư dạ dày. Một số chuyên gia tham dự đã kết nối ông Sol Facun Asuncion đến TPHCM để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Mới đây, một bác sĩ người Indonesia cũng trải qua 4 tháng phẫu thuật và điều trị ung thư đại tràng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Là người trong ngành y, ông đã suy xét kỹ lưỡng trước khi giao phó sinh mạng của mình cho bác sĩ Việt Nam. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng chính là nơi đào tạo phẫu thuật nội soi cho gần 800 bác sĩ của Indonesia, Malaysia, Singapore, Pakistan… và để lại ấn tượng sâu sắc với đồng nghiệp. Có thể thấy, Việt Nam là điểm đến chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy với những thầy thuốc xuất sắc về tay nghề, sở hữu những cơ sở y tế có chất lượng dịch vụ tương đương với thế giới. Hiện mỗi năm, khoảng 300.000 người nước ngoài đến nước ta để khám ngoại trú, 57.000 người điều trị nội trú, khoảng 40% tập trung tại TPHCM. Thời điểm trước dịch Covid-19, doanh thu từ lĩnh vực này vào khoảng 2 tỷ USD/năm.

Một trong những thế mạnh thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh chính là chi phí thấp. Lấy ví dụ, tỷ lệ thành công của IVF (thụ tinh ống nghiệm) tại Việt Nam tương đương với thế giới nhưng chi phí chỉ 70-100 triệu đồng; tại Philippines, Singapore, Thái Lan khoảng 250 triệu đồng; tại Mỹ khoảng 700 triệu đồng. Tại Australia, bệnh nhân phải chờ khoảng 3-4 tháng để được phẫu thuật thay khớp còn thời gian chờ tại Việt Nam là 3-4 tuần, với giá dịch vụ bằng 1/3. Vừa qua, một du học sinh Việt Nam ở Canada phải gấp rút về nước để phẫu thuật khối u buồng trứng khổng lồ với chi phí khoảng 10 triệu đồng. Có thể thấy, thành phố sở hữu nhiều bệnh viện tuyến cuối với các thương hiệu uy tín, bác sĩ tay nghề chuyên môn cao và đạt các thành tựu y khoa, gây tiếng vang với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn những cản trở khiến người bệnh nước ngoài chần chừ. Đó là rào cản ngôn ngữ (gồm cả ngôn ngữ chuyên ngành y tế), nhiều bệnh viện chưa có chứng chỉ quốc tế để bệnh nhân nước ngoài sử dụng bảo hiểm toàn cầu, thiếu sản phẩm du lịch y tế hấp dẫn để kết hợp du lịch và chữa bệnh…

Đó cũng là những khó khăn Sở Du lịch TPHCM từng đề cập. Ngành du lịch và y tế thành phố đã kết hợp cung cấp 30 sản phẩm du lịch chữa bệnh, phát hành “Cẩm nang du lịch y tế” tạo thuận lợi cho du khách. Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch “tỷ đô” này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhiều ý kiến cho rằng không thể trông chờ “tiếng lành đồn xa” mà nên chủ động quảng bá những giá trị vượt trội mà người bệnh được thụ hưởng khi lựa chọn Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, để chăm sóc sức khỏe. Là người đi sau, chúng ta vẫn có lợi thế để học tập kinh nghiệm từ các nước lân cận như Thái Lan, Singapore với khoảng 3,4 triệu khách và 1,5 triệu khách du lịch y tế mỗi năm. Và thực tế, mỗi năm, người Việt vẫn đang chi trả ít nhất 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh.

Trước thực tế trên, Bộ Y tế xây dựng đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám chữa bệnh chất lượng cao giai đoạn 2020-2030”. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ bệnh viện tuyến trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%, tỷ lệ người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 1% trở lên. Hiện thực hóa những chỉ số trên đòi hỏi nhiều nỗ lực, tuy nhiên không phải bất khả thi với những gì ngành y tế Việt Nam đang sở hữu.

Có thể bạn quan tâm

Giáo dục dùng roi vọt hay ngọt bùi?

Giáo dục dùng roi vọt hay ngọt bùi?

Những giọt nước mắt ân hận muộn màng, những đôi mắt thất thần, những ngón tay bấu chặt lấy mặt bàn đến tứa máu, và cả những cái cười khẩy, bất cần của học sinh phạm lỗi, đều khiến tôi - một giáo viên hơn hai mươi năm đi dạy - ám ảnh nhiều đêm.

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Hoàn thuế, bao giờ chuyển sang 'phục vụ'?

Đó là câu hỏi của nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh thủ tục, quy trình hoàn thuế hiện nay vẫn còn rắc rối, bất hợp lý. Thậm chí trong Dự thảo thuế giá trị gia tăng đang lấy ý kiến, quy định về hoàn thuế còn đẩy rủi ro về phía người mua hàng.

Chiêu trò nguy hại

Chiêu trò nguy hại

Những ngày vừa qua, một cuộc tranh cãi đã diễn ra trên mạng xã hội, bắt nguồn từ nhiều ý kiến cá nhân trước một hoạt động của doanh nghiệp. Cuộc tranh cãi đã trở nên ồn ào, gây nhiều phản ứng hơn khi xuất hiện một làn sóng định hướng thông tin bằng phương pháp seeding.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...