Xuân của "con nuôi" Biên phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, những người lính Biên phòng trên tuyến biên giới còn có nhiệm vụ khác không kém phần cao cả, đó là chăm lo Tết cho những đứa “con nuôi”.



“Tết này em đã có cha!”


Cô bé Rơ Lan Hy-con nuôi của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) đã bật thốt lên như thế khi chúng tôi hỏi về ngày Tết cổ truyền đang cận kề. Thoạt nghe, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi có đứa trẻ nào sinh ra mà không có cha mẹ. Nhưng điều đó chưa hẳn, trên khu vực biên giới của tỉnh vẫn còn nhiều em nhỏ vì lý do nào đó mà không nơi nương tựa. Và rồi, như có một phép màu, những người lính “quân hàm xanh” đã xuất hiện. Các anh xuống từng làng, đề xuất với từng gia đình xin được nhận các em làm con nuôi, đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng ngay tại đơn vị.

Em Ksor Chơnh luôn được các bố nuôi ở Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) quan tâm dạy dỗ. Ảnh: P.D
Em Ksor Chơnh luôn được các bố nuôi ở Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) quan tâm dạy dỗ. Ảnh: P.D



13 tuổi, Hy chưa một lần được cảm nhận hơi ấm của cha, vì em mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ. Nhiều đêm nằm mơ, Hy thấy mình được cha chở đi mua cho quần áo đẹp, rồi đưa đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa... Nhưng tất cả đều tan biến khi em tỉnh giấc. Song giờ thì khác, Hy không chỉ có 1 mà là rất nhiều người cha, tất cả cán bộ Đồn Biên phòng Ia Púch đều là cha nuôi của em và họ đều dành cho em sự quan tâm, chăm sóc, thương yêu. Hy bộc bạch: “Ở đây, em được ăn ngon mỗi ngày và có nhiều thứ mà trước đó em luôn mơ ước. Em có phòng riêng, có giường rộng và nệm êm. Em còn được mua sách vở, quần áo, bàn học, xe đạp... mới chứ không phải nằm học trên giường như khi còn ở nhà. Em thấy thật hạnh phúc! Mẹ và chị gái cũng luôn căn dặn em phải ngoan, nghe lời các cha nuôi và cố gắng học tập cho giỏi”. Trong ký ức non nớt của Hy, do nhà nghèo, chị gái không có việc làm ổn định lại phải nuôi con nhỏ, mẹ thì thường xuyên đau ốm nên ngày Tết với gia đình em cũng không khác ngày thường. “Em nghĩ Tết năm nay sẽ khác, vì em đã có cha. Em nghe các cha nuôi nói, gần Tết, đơn vị sẽ tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, em còn được lì xì nữa”-Hy háo hức.

Không còn né tránh khi thấy người lạ, lần này Ksor Chơnh-con nuôi của Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) đã chủ động ra rót nước mời khách và vui vẻ ngồi trò chuyện cùng chúng tôi. Chơnh kể: Ở đây, em đã được các cha nuôi chỉ dạy rất tận tình, từ việc ăn uống, đi lại, chào hỏi đến sắp xếp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp, bố trí thời khóa biểu hợp lý. Sau giờ học, Chơnh cũng đã biết phụ giúp các cha nuôi một số việc như: quét nhà, lặt rau, dọn cơm... Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên từ trước đến nay chưa có ai chăm lo, dạy bảo em chu đáo đến thế, ngay cả chị gái. Các cha nuôi còn rất tâm lý, sợ em nhớ làng, nhớ chị nên tuần nào cũng hỏi xem em có muốn về thăm nhà không để cử người chở về. Giữa câu chuyện, như nhớ ra điều gì, Chơnh vào phòng mở tủ lấy ra bộ quần áo mới và khoe với chúng tôi: “Hôm trước, các cha nuôi chở em đi mua sắm đồ chuẩn bị Tết đấy ạ. Em vui lắm!”.

Sau gần 3 tháng triển khai, mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” đã được tất cả các đơn vị trên tuyến biên giới của tỉnh hưởng ứng, làm theo. Đến nay đã có 11 em nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa, con hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... được các đồn nhận làm con nuôi. Trung úy Trần Văn Khen-Đội trưởng Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Púch-cho hay: “Có thêm con nên mọi người bận rộn hơn so với trước. Cháu Hy còn nhỏ, lại học buổi sáng nên mình phải dậy sớm nấu nướng rồi gọi cháu ra ăn sáng, chuẩn bị quần áo, sách vở đến trường. Buổi tối cũng phải dành thời gian ôn bài, hướng dẫn cháu làm những bài tập khó; thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của cháu để có hướng hỗ trợ kịp thời. Vất vả một chút nhưng bù lại cũng vui. Hôm trước, cháu đem điểm 8 kiểm tra môn Vật lý về khoe, tự dưng mình thấy xúc động vô cùng”.

Đại úy Lê Minh Hải-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia O-chia sẻ: “Chúng tôi sẽ dành những tình cảm chân thành nhất để nuôi dạy cháu Chơnh và xem cháu như con ruột của mình. Tết này, cháu cũng sẽ có mọi chế độ như cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Thậm chí, ngay cả gia đình cháu đang sinh sống ở làng, đơn vị cũng có những phần quà để động viên, thăm hỏi nhằm thắt chặt hơn nữa tình cảm gắn bó máu thịt quân-dân”.

Tỏa sáng những “ngôi sao xanh”

Ngoại trừ 11 cháu đang sinh sống tại đồn, hiện nay, các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vẫn duy trì việc giúp đỡ 50 cháu trong chương trình “Nâng bước em đến trường” và 16 cháu tại “Bếp ăn tình thương”. Dẫu không có nghi thức nhận con nuôi như mô hình trên nhưng với các em nhỏ này, các chú Bộ đội Biên phòng không khác gì những người cha.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng gia sản xuất. Ảnh: Đ.T
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng gia sản xuất. Ảnh: Đ.T



Năm học này, Y Diễm (làng Mook Trê, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ)-một trong số các em thuộc chương trình “Nâng bước em đến trường” đã trở thành sinh viên Trường Đại học Huế. Học tập xa nhà, không còn thường xuyên gặp gỡ nhưng không vì thế mà tình cảm Y Diễm dành cho những người lính Biên phòng giảm sút. Ngược lại, ở môi trường mới, mỗi khi có chuyện vui hay buồn, Y Diễm đều gọi điện thoại về kể; thỉnh thoảng các chú cũng gọi điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập và dặn dò nhiều thứ. Y Diễm chia sẻ: “Em luôn tự hào khi nói với các bạn rằng, em là con nuôi của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Em có được như ngày hôm nay là nhờ sự yêu thương của các chú, những người mà em luôn coi như người cha thứ 2 của mình”. Và mong muốn của cô sinh viên năm nhất Y Diễm là sẽ được trở về đón Tết trong vòng tay yêu thương của những người cha nuôi.

Cách đây 2 năm, khi tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức tại thủ đô Hà Nội, em Rơ Mah H'Win-thành viên của “Bếp ăn tình thương”-cũng đã tự hào nói với mọi người rằng mình là con của Bộ đội Biên phòng Gia Lai! Tính đến thời điểm hiện tại, H'Win (học lớp 8, Trường THCS Nguyễn Trãi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) đã có tới 6 năm ăn cơm do các chú Bộ đội Biên phòng nấu. Đều đặn từ thứ hai đến thứ bảy, cứ 10 giờ 30 phút sáng, em đi bộ từ nhà lên Đội Công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để ăn trưa rồi đến trường, trong khoảng thời gian này nếu có bài nào chưa hiểu em sẽ nhờ các chú hướng dẫn thêm... “Các chú ở đây ai cũng vui vẻ, nhiệt tình và ai nấu cơm cũng ngon hết”-H'Win vui vẻ nói.


Đại tá Lê Thuần Huy-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: “Đã nhận làm con thì không có sự phân biệt con nuôi hay con ruột. Thậm chí, các đơn vị sẽ phải quan tâm, chăm sóc và lo lắng cho các cháu nhiều hơn, vì đa phần các cháu đều thiếu thốn về vật chất lẫn tình cảm. Tết này, các đơn vị sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và trích kinh phí để mua những phần quà phù hợp cho các cháu vui xuân”.

 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Chị Nay H’Uôn (thứ 2 từ phải sang, buôn Ji, xã Krông Năng) cùng 4 người bạn vui mừng vì đã sẻ chia giọt máu hồng, trao thêm cơ hội được cứu sống cho các bệnh nhân. Ảnh: Vũ Chi

Hạnh phúc khi được sẻ chia giọt máu hồng

(GLO)- Đông đảo tình nguyện viên huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã tham gia buổi hiến máu tình nguyện vào sáng 28-6. Với họ, hiến máu không chỉ giúp phục vụ tốt hơn công tác cứu chữa bệnh nhân mà còn lan tỏa thông điệp nhân văn vì cộng đồng.

Mang yêu thương về buôn làng

Mang yêu thương về buôn làng

(GLO)- Với tấm lòng yêu thương và chia sẻ, nhóm thiện nguyện “Kiên Giang chung một tấm lòng” đã lặn lội đến tận các buôn làng ở Gia Lai để trao tận tay những phần quà nghĩa tình cho người nghèo.

Chàng trai 9X ở Chư Sê khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi hươu sao

Chàng trai 9X ở Chư Sê khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi hươu sao

(GLO)- Từng có công việc ổn định ở nước ngoài, anh Đào Huy Phong (SN 1996, trú tại tổ 10, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã trở về Chư Sê khởi nghiệp từ mô hình nuôi hươu sao. Quyết định táo bạo ấy giúp anh có thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên quê hương.

Top 4 bộ sách kỹ năng sống trẻ em nên đọc trong mùa hè này

Top 4 bộ sách kỹ năng sống trẻ em nên đọc trong mùa hè này

Mùa hè được xem là khoảng thời gian để trẻ nghỉ ngơi, vui chơi và khám phá thế giới xung quanh, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ nhỏ. Bốn bộ sách kỹ năng sống của Đinh Tị Books cho trẻ nhỏ dịp hè sẽ giúp các em những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, để có một mùa hè thật vui và ý nghĩa.

Định hướng công tác giáo dục thế hệ trẻ trong kỷ nguyên mới

Định hướng công tác giáo dục thế hệ trẻ trong kỷ nguyên mới

Phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 7, khóa XII, anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh, việc sơ kết 10 năm triển khai chỉ thị về Chỉ thị số 42- CT/TW là nội dung quan trọng, không chỉ tổng kết một giai đoạn mà còn định hướng cả một chặng đường dài trong công tác giáo dục thế hệ trẻ.

“Cháy” hết mình với nghề

“Cháy” hết mình với nghề

(GLO)- Họ là những phóng viên luôn “cháy” hết mình với nghề. Không quản ngại khó khăn, họ sẵn sàng xông pha, dấn thân… để đem đến cho bạn đọc, khán thính giả những thông tin giá trị, hấp dẫn, sinh động và mang đậm hơi thở cuộc sống.

null