Xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng bà Trần Thị Tuyết Mai (tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) vẫn tiến hành xây dựng một số công trình trên diện tích đất nông nghiệp tại thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa.

Dẫn chúng tôi ra hiện trường, ông Trần Trọng Vinh-Trưởng thôn 1-cho biết: Cách đây hơn 2 tháng, bà Mai có mua một số khu đất nông nghiệp của các hộ dân trong thôn. Qua theo dõi, ông phát hiện bà Mai san ủi mặt bằng và dựng một số khung mái, nhà chòi trên đất khi chưa có ý kiến của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình san ủi mặt bằng, bà Mai còn tự ý nắn dòng suối gây ảnh hưởng đến việc tưới tiêu của các hộ dân có rẫy xung quanh, đặc biệt là lấp một phần diện tích ao của ông Phan Văn Dũng. Việc làm của bà Mai đã gây bức xúc cho người dân trên địa bàn. Vừa qua, các hộ dân và người làm thuê cho bà Mai đã xảy ra xô xát gây mất an ninh trật tự địa phương. “Chúng tôi mong ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm vụ việc này. Đồng thời, bà Mai cần sớm khắc phục các sự cố trong quá trình san ủi mặt bằng làm ảnh hưởng tới dòng chảy của suối”-ông Vinh kiến nghị.  

 Dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng bà Trần Thị Tuyết Mai đã xây dựng một số nhà chòi. Ảnh: Nhật Hào
Dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng bà Trần Thị Tuyết Mai đã xây dựng một số nhà chòi. Ảnh: Nhật Hào


Làm việc với chúng tôi, bà Mai thừa nhận đã mua đất tại thôn 1 để thực hiện mô hình VAC. Quá trình san ủi mặt bằng đã làm ảnh hưởng đến việc tưới tiêu của các hộ có rẫy xung quanh. Song theo bà Mai, con suối nói trên thuộc đất của bà và không phải suối tự nhiên. Khi con suối bị sạt lở, bà thuê người san gạt và đặt một số ống bi để tiện cho việc đi lại giữa các lô đất khi thực hiện mô hình và người dân vẫn sử dụng được nước tưới thông qua các ống bi dẫn nước này. “Sau khi cải tạo xong các khu vực, tôi sẽ cho lắp lại các đường ống, khơi thông dòng chảy để đảm bảo nước tưới cho người dân”-bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, ngày 30-9-2021, bà đã gửi hồ sơ tới Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đak Đoa để xin đăng ký chuyển mục đích sử dụng để thực hiện mô hình VAC. Tuy nhiên, ngày 14-10, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đak Đoa thông báo trả hồ sơ với lý do không nằm trong danh mục, chỉ tiêu đăng ký biến động chuyển mục đích thuộc kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện đã được phê duyệt. “Chúng tôi mong UBND tỉnh tạo điều kiện điều chỉnh biến động đất đai sớm để giải quyết nhu cầu chính đáng của mình. Vì thực tế, chúng tôi là hộ cá thể muốn chuyển đổi đất để xây dựng mô hình VAC nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm cho bà con địa phương”-bà Mai kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Thắng-Phó Chủ tịch UBND xã Hải Yang-thông tin: Sau nhiều lần mua đất của các hộ dân ở địa phương, bà Mai có tổng cộng gần 8 ha đất nông nghiệp. Nhận được phản ánh của người dân, cán bộ xã đến hiện trường kiểm tra và phát hiện bà Mai có xây dựng khung mái và một số chòi mà chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc bà Mai thuê người san lấp mặt bằng, nắn dòng suối gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các hộ dân có rẫy sản xuất xung quanh. “Ngày 1-10, xã đã lập biên bản xử lý vụ việc và đề nghị bà Mai phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi xây dựng công trình. Xã cũng đã yêu cầu bà Mai có trách nhiệm vét lại phần ao bị lấp của gia đình ông Phan Văn Dũng, khắc phục đường ống dẫn nước và đảm bảo nguồn nước tưới cho các hộ dân cũng như trả lại hiện trạng con suối như ban đầu. Hiện bà Mai đã dừng các hoạt động xây dựng và tiến hành các bước khắc phục nhưng do trời mưa nên vẫn chưa thực hiện xong”-ông Thắng cho hay.

Liên quan tới sự việc này, ông Nguyễn Thành Thoại-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đak Đoa-cho biết: Phòng đã phối hợp với UBND xã Hải Yang kiểm tra hiện trường và làm việc trực tiếp với bà Mai. Bà cho biết mua đất để thực hiện dự án nuôi gà và trồng cây dược liệu. Dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng bà Mai đã tiến hành xây dựng mái khung rộng khoảng 300 m2 và một số nhà chòi trên diện tích đất của mình. Vì vậy, Phòng đã hướng dẫn UBND xã Hải Yang xử lý sự việc theo thẩm quyền và hướng dẫn bà Mai đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. “Ủy ban nhân dân huyện cũng đã có văn bản đề nghị UBND xã Hải Yang tiếp tục theo dõi việc khắc phục của bà Mai. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi sử dụng đất sai mục đích; tự ý nắn dòng chảy của suối; đào đắp đập lấy nước khi chưa có sự đồng ý, cho phép của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến tranh chấp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn”-ông Thoại thông tin.

 

 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.