Xây dựng thành phố Pleiku xứng tầm trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa của tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ thành phố, tình hình kinh tế, văn hóa-xã hội của thành phố giai đoạn 2011- 2015 đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 5 năm là 12,0%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 39,1 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới giai đoạn 2011-2015 có những diễn biến khó lường, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã tác động bất lợi đến kinh tế của cả nước nói chung và thành phố Pleiku nói riêng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực phấn đấu trên nhiều mặt. Kịp thời đề ra các biện pháp, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế.

 

 

Tính đến năm 2015, tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ chiếm 50,2%, công nghiệp-xây dựng chiếm 44,4% và nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,4%. Giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ tăng bình quân hàng năm 14%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ gấp 2,7 lần so với năm 2010, tăng bình quân 22,3%/năm. Các cơ sở thương mại và dịch vụ phát triển nhanh. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng bình quân hàng năm 11,2%, trong đó công nghiệp tăng 10,5%; giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân hàng năm 5,7%, đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất và tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Năm 2015, thu nhập bình quân/ha đất sản xuất đạt khoảng 68 triệu đồng (tăng 1,24 lần so với năm 2011).

Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và cộng đồng chung tay xây dựng, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, tổng số vốn đầu tư và huy động đóng góp của 9 xã là 144,9 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 6,8 tỷ đồng, đến cuối năm 2014, thành phố có 3/9 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

 

 

Song song với phát triển kinh tế, hệ thống cở sở hạ tầng đô thị cũng được chú trọng đầu tư xây dựng. Nhiều công trình có quy mô khá lớn, hiện đại được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng trên địa bàn. Nhiều tuyến đường giao thông chính và giao thông nông thôn cũng đã được nâng cấp và mở rộng và đầu tư mới. Số lượng bãi đậu xe công cộng nội thành cũng tăng lên đáng kể với 35 bãi đậu xe với tổng diện tích 26.493 m2 với công suất 1.982 chỗ đậu, đỗ xe ô tô. Ngoài ra, thành phố còn xây dựng mới 22,85 km vỉa hè đường chính, sửa chữa 12,938 km, nâng tổng số đường có vỉa hè hiện nay là 76,407 km…
 

Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua, cán bộ và nhân dân thành phố Pleiku đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng một số danh hiệu cao quý như: Năm 2011 nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2013, nhân dân và cán bộ thành phố Pleiku đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất; năm 2014, được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo thành phố có những chuyển biến tích cực. Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được giữ vững. Quy mô các bậc học được mở rộng, từ 76 trường với 1.488 lớp, 46.323 học sinh, sau 5 năm tăng 82 trường với 1.525 nhóm lớp, 52.942 học sinh, số trường đạt chuẩn quốc gia hiện là 28 trường (tăng 13 trường so với năm 2010). Cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học của các trường được đầu tư từng bước hiện đại, hàng năm ngân sách Nhà nước chi đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên 30% tổng chi ngân sách đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu giảng dạy và học tập.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, y tế dự phòng được triển khai thường xuyên. Đội ngũ y-bác sỹ phát triển về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng. Hiện Trung tâm y tế thành phố có quy mô 100 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; mạng lưới trạm y tế xã, phường được xây dựng theo hướng đạt chuẩn. Thành phố có 22/23 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

 

 

Sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục thể thao và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có nhiều tiến bộ. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã được quan tâm xây dựng, công tác chăm lo bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên được chú trọng, nhất là việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Hiện nay, trên địa bàn có 6 di tích lịch sử, trong đó có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia, 2 di tích lịch sử cấp tỉnh… Tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang lưu giữ 84 bộ Cồng chiêng cổ có giá trị; có 30 đội cồng chiêng và múa xoang… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp đến các xã, phường, các khu dân cư, được nhân dân hưởng ứng và đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho đối tượng chính sách được chú trọng và duy trì thường xuyên. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, kết hợp với các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn". Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án giảm nghèo, tập trung nguồn lực cho các xã vùng ven, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện và khuyến khích các hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Trong 5 năm đã giảm được 1.706 hộ nghèo (cuối năm 2010, thành phố có 1.914 hộ, chiếm 4,03%; đến tháng 6-2015, thành phố chỉ còn 208 hộ nghèo chiếm 0,41%).

Với mục tiêu phấn đấu đưa Pleiku trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2020, xứng đáng là một trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa của tỉnh. Trong giai đoạn 2015-2020, thành phố sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội như: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 9,2% trở lên, nâng cao chất lượng ngành thương mại-dịch vụ. Tập trung khai thác có hiệu quả các thế mạnh của thành phố để chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Xây dựng hệ thống dịch vụ, thương mại theo hướng văn minh, hiện đại với nhiều hình thức mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết các thành phần kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi trong chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh để kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn ODA, ADB xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai và đưa vào sử dụng các dự án đã đầu tư, đang và sẽ triển khai trên địa bàn thành phố. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Chú trọng đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có lợi thế. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh vào một số ngành, lĩnh vực có lợi thế của thành phố như: Chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí... Tổ chức lồng ghép các nguồn lực để triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với 03 xã đã đạt xã nông thôn mới (xã An Phú, Biển Hồ, Diên Phú), huy động tốt mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cho 6 xã còn lại. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với người có công với đất nước. Huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội để chăm sóc, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, tạo thuận lợi để hòa nhập với cộng đồng…

Trần Xuân Quang
Chủ tịch UBND thành phố Pleiku

Có thể bạn quan tâm