Trung tướng Khuất Duy Tiến nặng lòng với Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trưởng thành từ người lính, dấu chân của Trung tướng Khuất Duy Tiến-nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 đã in đậm trên mảnh đất Tây Nguyên. Mỗi lần vào thăm lại chiến trường xưa, vị tướng của chiến trường năm nào vẫn luôn trăn trở về sự phát triển ở vùng đất có vị trí chiến lược này.

Gần 20 năm công tác tại Báo Gia Lai, tôi may mắn được nhiều lần gặp và trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân-Trung tướng Khuất Duy Tiến. Mỗi khi nhắc đến Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, vị tướng luôn dành những tình cảm đặc biệt, bởi nơi đây không chỉ là mảnh đất ông chiến đấu, trưởng thành mà ở đó có hàng ngàn đồng đội đã anh dũng hy sinh.

1-bgtrung-tuong-khuat-duy-tien-thu-4-tu-trai-sang-chup-anh-cung-cac-cuu-chien-binh-tai-duc-co.jpg
Trung tướng Khuất Duy Tiến (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu chiến binh tại huyện Đức Cơ năm 2021. Ảnh: V.H

Năm 2013, khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông đã bày tỏ: “Danh hiệu này tôi mang trên mình không chỉ của riêng tôi mà của cả hàng ngàn người lính Sư đoàn 320 đã ngã xuống trên chiến trường”.

Mỗi lần trò chuyện với Trung tướng Khuất Duy Tiến, tôi càng cảm phục sự mẫn tiệp và đức tính giản dị của người con quê hương Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 13 tuổi, ông tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, mở đầu bằng nhiệm vụ làm công tác thanh niên tại huyện Thạch Thất. Đầu năm 1950, ông bị địch bắt giam, chịu cực hình tra tấn dã man tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, ông vượt ngục thành công. Ngày 4-9-1950, ông lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Đơn vị của ông chiến đấu trên địa bàn các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và lập nhiều chiến công xuất sắc.

Sau khi cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 hành quân vào miền Nam chiến đấu, dấu chân ông đã in đậm trên chiến trường Đường 9-Nam Lào (Quảng Trị), Đăk Tô-Tân Cảnh, Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau như: Tư lệnh Quân đoàn 3, Cục trưởng Cục Quân lực, Hiệu trưởng Trường Lục quân 1.

Nhắc đến Trung tướng Khuất Duy Tiến thì nhiều cán bộ, chiến sĩ nhớ đến kế hoạch nghi binh đánh lừa địch để làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên. Đây được xem là kế sách quân sự tài ba trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Cuối năm 1974, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976) và nếu có thời cơ thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị khẳng định: Thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn đã xuất hiện, quyết định chọn Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu, đánh Buôn Ma Thuột là trận mở đầu, then chốt. Lúc này, Trung tướng Khuất Duy Tiến là Trưởng ban Tác chiến Mặt trận Tây Nguyên, ông là người soạn thảo kế hoạch nghi binh làm cho địch lầm tưởng Quân Giải phóng sẽ tập trung đánh mạnh vào Bắc Tây Nguyên để sơ hở trong phòng thủ Buôn Ma Thuột.

Đến nay, tôi vẫn nhớ những lời ông phát biểu tại một hội thảo do Quân đoàn 3 tổ chức: “Để địch tin rằng quân chủ lực của chúng ta sẽ tập trung đánh mạnh vào Bắc Tây Nguyên, cụ thể là Gia Lai và Kon Tum, chúng tôi có sự giúp sức rất lớn của đồng bào các dân tộc 2 tỉnh. Hệ thống thông tin liên lạc của các đơn vị để lại tại 2 tỉnh liên tục phát tín hiệu để địch lầm tưởng quân chủ lực của ta vẫn còn ở đây”. Trung tướng Khuất Duy Tiến bồi hồi kể lại: “Để kế hoạch nghi binh thành công, ban ngày, bà con giúp bộ đội mở đường nghi binh rồi truyền tai nhau Bộ đội Cụ Hồ sẽ đánh lớn giải phóng Gia Lai và Kon Tum để địch lầm tưởng là chúng ta sẽ tập trung quân chủ lực đánh những đòn quyết định ở đây. Ban đêm, bà con lại giúp bộ đội mở đường để vận chuyển vũ khí, phương tiện sang Nam Tây Nguyên để giải phóng Buôn Ma Thuột. Có những người dân đi làm rẫy biết bộ đội hành quân nhưng họ không bao giờ nói ra. Chính lòng dân Tây Nguyên đã bao bọc, che chở cho chúng tôi để làm nên chiến thắng vang dội này”.

Phát biểu tại lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ ngày 28-4-2021, Trung tướng Khuất Duy Tiến rưng rưng tâm sự: “Để có được hòa bình hôm nay, chúng ta phải trả giá, thậm chí là trả giá rất đắt vì sự hy sinh của anh em-những người thân yêu như máu thịt. Tôi vẫn thường nói với con cháu, cơ thể tôi do cha mẹ sinh ra chỉ có 20%, còn 80% là do các liệt sĩ anh dũng chiến đấu để cho tôi được sống. Vì vậy, nếu còn sống ngày nào, chúng ta hãy gắng sống tốt chừng ấy, để không cảm thấy hổ thẹn với các bậc tiền nhân”. Trận đánh Chư Bồ và cứ điểm Đức Cơ của Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) do Trung tướng Khuất Duy Tiến chỉ huy diễn ra từ ngày 10-1 đến 21-1-1973. Kết quả, ta tiêu diệt 340 tên địch, bắt 38 tên, bắn rơi 4 máy bay, thu 107 khẩu súng các loại, 12 máy vô tuyến điện PRC và nhiều tài liệu khác. Để làm nên chiến công này, 12 đồng đội của ông hy sinh và 34 đồng chí bị thương. Chiến thắng này góp phần khai thông tuyến hành lang vận chuyển dọc biên giới, mở rộng vùng giải phóng của ta ở phía Tây Gia Lai, thu hẹp vùng kiểm soát của địch ngay thời khắc lịch sử trước khi ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.

2-trung-tuong-khuat-duy-tien-nguoi-dung-dau-ben-trai-trong-le-cat-bang-khanh-thanh-di-tich-chien-thang-chu-bo-duc-co.gif
Trung tướng Khuất Duy Tiến (người đứng đầu, bên trái) trong lễ cắt băng khánh thành di tích chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh-Chính ủy Quân đoàn 3-cho biết: Trung tướng Khuất Duy Tiến không chỉ là người chỉ huy, người thủ trưởng có nhiều đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển của Quân đoàn mà ông còn như một người anh, người cha của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Mỗi lần vào thăm, thủ trưởng luôn tâm sự rằng: Bà con các dân tộc Tây Nguyên đã che chở, bao bọc, giúp đỡ đơn vị cả trong chiến tranh và hòa bình. Chính vì thế, các đồng chí phải quan tâm, chăm lo đời sống người dân, tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh để Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

...Khi tôi viết những dòng này thì Trung tướng Khuất Duy Tiến đã về với “thế giới người hiền” ở tuổi 94. Mặc dù Trung tướng Khuất Duy Tiến không còn nữa, nhưng những chiến công của ông và tình cảm sâu đậm mà ông dành cho Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vẫn còn mãi.

Có thể bạn quan tâm