Xã anh hùng xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong cái se lạnh cuối năm, chúng tôi về lại xã Dun (huyện Chư Sê), địa phương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đi dọc tuyến đường vào trung tâm xã được bê tông hóa, chúng tôi nhận ra rất nhiều đổi thay nơi đây qua những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát bên những vườn cà phê, hồ tiêu xanh tốt.

Ông Võ Văn Quá-Chủ tịch UBND xã Dun, cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc đạn bom ác liệt, bà con xã Dun vẫn đồng lòng gắng sức đi theo cách mạng, đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội. Cả xã có 385 cá nhân tham gia kháng chiến và 175 gia đình có công giúp đỡ cho cách mạng.  Toàn xã có 114 liệt sĩ. Với những công lao đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, năm 2000, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Dun vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Một góc xã Dun (huyện Chư Sê). Ảnh: N.S
Một góc xã Dun (huyện Chư Sê). Ảnh: N.S

Phát huy truyền thống anh hùng, những năm gần đây, nhân dân xã Dun đã đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2016, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Một trong những thành tích nổi bật là xã đã cứng hóa các tuyến đường liên xã, nội thôn và nội đồng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Đồng thời, xã cũng kiên cố hệ thống kênh mương, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Hệ thống trường học từ bậc Mầm non đến THCS, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, chợ nông thôn... được đầu tư phục vụ tốt đời sống nhân dân. Hệ thống chính trị  xã; cán bộ thôn, làng năng động, nhiệt huyết  càng ngày càng được nhân dân tín nhiệm, tin tưởng.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Dun có nhiều hộ tình nguyện hiến đất để làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng. Điển hình như hộ ông Rah Lan Thêm (làng Ia Long) hiến 300 m2 đất vườn nhà để xây phòng học Mẫu giáo; hộ bà Kpuih Sắc (làng Ia Long) hiến 400 m2 đất để làm nhà văn hóa thôn; hộ ông Nguyễn Trung Kiên hiến 400 m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Ông Rah Lan Thêm cho biết: “Nhà mình cũng không nhiều đất đâu, chỉ có khoảng 1 ha rẫy để trồng cà phê và ít ruộng lúa nước. Nhưng khi chính quyền địa phương xuống khảo sát cho biết không có đất để xây điểm trường Mẫu giáo, mình tự nguyện cắt một phần đất vườn để xây trường học cho các cháu”.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường đã được trải nhựa,  ông Võ Văn Quá chia sẻ, xã Dun có tài nguyên đất đai khá đa dạng, màu mỡ là lợi thế để phát triển các loại cây trồng mũi nhọn như: lúa nước, hồ tiêu và cà phê. Ngoài ra, nơi đây rất thích hợp để phát triển các loại cây ngắn ngày như: bắp, mì, đậu. Nếu biết sử dụng hợp lý tài nguyên sẵn có thì sẽ góp phần tăng năng suất cây trồng, đưa xã Dun thành một trong những địa phương trọng điểm về kinh tế của huyện. Để nâng cao đời sống người dân, xã chú trọng đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi đưa nguồn nước về phục vụ sản xuất. Hiện trên địa bàn xã có 2 công trình thủy lợi là đập dâng Choa Neng cung cấp nước tưới cho 55 ha lúa và 30 ha cây trồng khác; đập dâng Đồi Ró cung cấp nước cho 40 ha cây công nghiệp. Bên cạnh đó, xã còn có 4 hệ thống kênh mương lấy nước từ công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Ring. Hầu hết công trình thủy lợi của xã được đầu tư đúng quy hoạch, phát huy hiệu quả, góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô.

Bên cạnh việc thúc đẩy trồng trọt phát triển, xã Dun cũng chú trọng phát triển các ngành sản xuất, chế biến nông-lâm sản và dịch vụ thương mại. Các lĩnh vực sản xuất phát triển đã giúp nền kinh tế của xã ngày càng vững chắc, đời sống của nhân dân được cải thiện. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt hơn 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,85%. 100 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã đạt chuẩn về môi trường;  780/1.081 hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo “3 sạch”, chiếm 72,2%.

Các hộ chăn nuôi đã xây dựng 23 hầm biogas và được hướng dẫn cách thức xử lý rác thải hợp vệ sinh. Thời gian tới, xã đưa vào thực hiện quy hoạch khu xử lý rác tập trung nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân. Xã cũng khuyến khích hình thành các tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, xây dựng hương ước bảo vệ môi trường trong khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen sinh hoạt mất vệ sinh. Bên cạnh đó, công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn cũng luôn được chú trọng.

Các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh phục vụ tích cực hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Nhiều hộ trang bị được phương tiện sản xuất, mua sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình giá trị. 80% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 60% có xe máy, xe công nông phục vụ sản xuất;  83% nhà cửa đã xây dựng kiên cố; trên 99% trẻ em trong độ tuổi đến trường được huy động ra lớp. Được quan tâm đúng mức nên công tác giáo dục, y tế cộng đồng của xã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Tất cả góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Gia Hưng-Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

Phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Đak Pơ

(GLO)- Chiều 8-11, Huyện Đoàn Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với các cơ quan tư pháp huyện tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại xã Yang Bắc.