(GLO)- Gia Lai là một trong những tỉnh sớm cụ thể hóa và ban hành quy chế cán bộ Đoàn nhằm trẻ hóa về độ tuổi và chuẩn hóa về trình độ. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của nhiều địa phương, việc thực hiện quy chế này sau 5 năm vẫn còn nhiều mặt vướng mắc cần tháo gỡ.
Nhiều khó khăn
Các đại biểu đóng góp ý kiến về những hạn chế của quy định 164. Ảnh: P.L |
Theo Quy định 164-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đối với cán bộ Đoàn cấp huyện phải giữ chức vụ lần đầu không quá 32 tuổi và giữ chức vụ không quá 37 tuổi; còn cán bộ Đoàn cấp cơ sở phải giữ chức vụ không quá 35 tuổi, đối với vùng khó khăn, biên giới giữ chức vụ không quá 37 tuổi. Tuy nhiên, hiện tại, có nhiều đồng chí đến tuổi trưởng thành Đoàn mà vẫn chưa được bố trí công việc khác. Nguyên nhân của tình trạng khó khăn về đầu ra là do quỹ biên chế của các đơn vị có hạn, nếu không có cán bộ nghỉ hưu theo chế độ thì không thể luân chuyển cán bộ Đoàn đã quá tuổi vào vị trí công tác phù hợp.
Mức phụ cấp cho cán bộ Đoàn không chuyên hiện cũng còn thấp. Cụ thể, chức danh Phó bí thư Đoàn Thanh niên cấp xã được hưởng mức phụ cấp bằng 100% mức lương tối thiểu; Bí thư chi đoàn thôn, làng, tổ dân phố được hưởng mức phụ cấp bằng 50% mức lương tối thiểu nhưng lại đòi hỏi một quá trình công tác lâu dài và hiệu quả. Do đó, nhiều cán bộ Đoàn không gắn bó, tâm huyết với công tác thanh niên. Chị Phạm Thị Mỹ Nữ-Bí thư Đoàn thị trấn Đak Pơ (huyện Đak Pơ) cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, Đoàn thị trấn đã có 2 đồng chí Phó Bí thư xin nghỉ việc do mức phụ cấp quá thấp. Việc biến động cán bộ Đoàn khiến chúng tôi không thể thúc đẩy phong trào mạnh từ cơ sở được. Cần có chế độ hỗ trợ hợp lý để cán bộ không chuyên trách không xem tổ chức Đoàn là “trạm dừng chân” khi chưa tìm được việc làm mà là ngôi nhà thật sự của mình để có động cơ phấn đấu”.
Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của một số cán bộ Đoàn chuyên trách các cấp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn một số đồng chí chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị nên khó khăn trong việc luân chuyển, điều động khi hết tuổi làm công tác đoàn. Theo quy định, cán bộ Đoàn cấp huyện phải có trình độ lý luận chính trị từ cao cấp trở lên; có chuyên môn đại học trở lên đối với cán bộ người Kinh và cao đẳng trở lên đối với cán bộ người dân tộc thiểu số. Còn cán bộ Đoàn cấp cơ sở phải tốt nghiệp THPT; có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trình độ lý luận chính trị sơ cấp. Tính đến tháng 10-2016, toàn tỉnh có 21 Bí thư Đoàn xã trình độ học vấn chỉ 9/12; có 30 Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn có trình độ học vấn 9/12, 1 người trình độ 7/12.
Đào tạo gắn với quy hoạch
Phong trào Đoàn ở địa phương không thể thiếu những cán bộ giỏi. Ảnh: P.L |
Trao đổi tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 164-QĐ/TU mới đây, đồng chí Lâm Quang Dũng-Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Theo quy định, việc tuyển dụng để làm việc tại cơ quan Đoàn chuyên trách cấp huyện, cấp tỉnh được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cần phối hợp với Ban thường vụ Tỉnh ủy đưa ra bảng điểm ưu tiên đối với năng khiếu hoặc xét tuyển trên năng lực cán bộ Đoàn để bảo đảm tuyển chọn đội ngũ có năng lực, trình độ, tư tưởng chính trị vững vàng. Các cấp ủy cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch, luân chuyển; đồng thời, xác định vị trí việc làm cho cán bộ Đoàn sau khi hết tuổi. Riêng quy định trình độ cao đẳng đối với cán bộ Đoàn người dân tộc thiểu số, biên giới, vùng sâu vùng xa, cần nghiên cứu tính đặc thù của địa phương để có cơ chế tuyển dụng phù hợp.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh gồm có 17 huyện, thị, thành Đoàn và 10 Đoàn trực thuộc; có 768 tổ chức cơ sở đoàn (trong đó, 222 Đoàn xã, phường, thị trấn; 64 đoàn trường học; 75 tổ chức cơ sở đoàn khối lực lượng vũ trang; 407 tổ chức cơ sở đoàn khối công nhân, viên chức). Hiện nay, có 344 cán bộ Đoàn chuyên trách, trong đó, cấp tỉnh có 30 đồng chí, cấp huyện có 92 đồng chí, bí thư đoàn cấp xã có 222 đồng chí. |
Ông Nguyễn Quốc Khánh-Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cũng cho rằng: Về vấn đề đầu ra, cấp ủy Đảng cần phối hợp với các cấp bộ Đoàn chủ động xây dựng lộ trình cụ thể từ khâu quy hoạch đầu vào đến đầu ra cho cán bộ Đoàn khi hết tuổi. Bên cạnh đó, một số cán bộ phải có ý thức “tự chuẩn hóa” năng lực, trình độ để thuận lợi hơn trong việc luân chuyển, sắp xếp được vị trí phù hợp. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nên phối hợp, thống nhất với Ban Tổ chức Tỉnh ủy có cơ chế đặc thù trong việc tuyển dụng, đảm bảo tỷ lệ nam-nữ. Hiện nay, tỷ lệ nữ rất cao nên đi cơ sở không được. Định kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cần quy hoạch, rà soát cán bộ Đoàn có chuyên môn để thống nhất với Ban Tổ chức Tỉnh ủy bố trí công việc sau khi hết tuổi, tăng tỷ lệ cán bộ Đoàn là người dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 164, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến để sửa đổi, điều chỉnh Quy định 164-QĐ/TU cho phù hợp. Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho biết: Các ý kiến đóng góp cho Quy định 164-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ được tổng hợp để trình lên Trung ương Đoàn xem xét. Sau khi được Trung ương Đoàn đồng ý cho triển khai tiếp Quy định 164, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình của địa phương nhằm thống nhất thực hiện từ tháng 1-2017 theo hướng có lợi nhất cho cán bộ Đoàn. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn trong thời gian tới cần tham mưu tốt cho các cấp ủy Đảng trong việc quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển, bố trí cán bộ Đoàn; rà soát lại cơ chế, chính sách cho cán bộ Đoàn để giải quyết chế độ cho phù hợp; cần theo dõi, tạo điều kiện để cán bộ Đoàn phát huy được vai trò “Thủ lĩnh thanh niên”.
Phan Lài