Vun đắp hạnh phúc gia đình từ tình yêu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Anh Lê Văn Dương và chị Lê Thị Hiền đều từ quê hương Thanh Hóa vào huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) lập nghiệp. Bằng tình yêu lao động cùng với sự hỗ trợ của Công ty 75 (Binh đoàn 15), anh chị cùng nhau gầy dựng cuộc sống, vun đắp hạnh phúc gia đình.
Bằng tình yêu lao động, vợ chồng anh Lê Văn Dương-chị Lê Thị Hiền cùng nhau gầy dựng cuộc sống, vun đắp hạnh phúc gia đình. Ảnh: S.T

Bằng tình yêu lao động, vợ chồng anh Lê Văn Dương-chị Lê Thị Hiền cùng nhau gầy dựng cuộc sống, vun đắp hạnh phúc gia đình. Ảnh: S.T

Năm 1999, anh Lê Văn Dương quyết định rời quê hương vào làm việc tại Đội 13 (Công ty 75). Ngày đó, Công ty gặp vô cùng khó khăn. Nhưng bằng tình yêu lao động, khát khao lập thân, lập nghiệp, anh Dương không nản chí, quyết tâm xây dựng cuộc sống nơi vùng quê mới.

Trong những ngày tháng lao động vất vả, bên cạnh sự quan tâm hướng dẫn, động viên, giúp đỡ thường xuyên của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, anh Dương may mắn được gặp một nửa của cuộc đời mình là chị Lê Thị Hiền, cùng vào làm công nhân trong năm. Tình yêu của họ nảy nở từ lao động. Đúng 1 năm sau, 2 người đã tổ chức đám cưới trong niềm vui, sự chúc mừng của gia đình và của cán bộ, chiến sĩ, người lao động cùng đơn vị.

“Ngày làm đám cưới, gia đình nội ngoại đều ở xa, may nhờ lãnh đạo, chỉ huy quan tâm tạo điều kiện, bạn bè, đồng nghiệp giúp đỡ chúng tôi mới có ngày vui trọn vẹn, hạnh phúc. Lấy nhau xong, chúng tôi vẫn được Công ty tạo điều kiện dành riêng cho một căn phòng tập thể và chúng tôi đã sống ở đó thêm 2 năm nữa”-anh Dương vui vẻ kể.

Sau hơn 24 năm công tác, chị Hiền được Công ty 75 cho giám định sức khỏe và được nghỉ hưu. Nói theo cách của chị là “lui về hậu phương” để hậu thuẫn chồng tiếp tục công tác. Anh chị có 2 người con. Cô con gái lớn đã tốt nghiệp đại học, còn cậu con trai út đang học lớp 12.

Anh Dương và cán bộ Đội 13 (Công ty 75) luyện tập, trau dồi tay nghề cạo mủ cao su. Ảnh: Sơn Tùng

Anh Dương và cán bộ Đội 13 (Công ty 75) luyện tập, trau dồi tay nghề cạo mủ cao su. Ảnh: Sơn Tùng

Anh Dương chia sẻ: “Từ ngày chúng tôi lấy nhau đến giờ, cô ấy luôn là người giữ lửa, xây tổ ấm, làm hậu phương vững chắc để tôi hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”. Nói rồi, anh chỉ cho chúng tôi xem bảng thành tích của mình để chứng minh.

Gần như năm nào anh Dương cũng đạt danh hiệu tay nghề xuất sắc, năng suất sản lượng vượt kế hoạch trên 20%, được các cấp khen thưởng với 5 bằng khen của Bộ Quốc phòng, 13 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trong đó có 10 năm liên tục (2013-2023). Chị Hiền cũng không thua kém với 9 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trong đó có 7 năm liên tục.

Bằng sự nỗ lực, lao động chăm chỉ, sáng tạo, gia đình anh chị đã tích lũy được nguồn vốn, mua đất, xây dựng ngôi nhà khang trang nhất làng Poong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Gia đình anh đang sở hữu hơn 2 ha cây cao su, gần 1 ha cà phê. Mỗi năm, gia đình thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Điều đáng trân trọng ở anh Dương là khi đã thành công, anh dành nhiều thời gian, công sức để giúp đỡ đồng nghiệp, dân làng. Từ năm 2006, gia đình anh đã “gắn kết hộ” với gia đình ông Rơ Mah Dương. Hai gia đình thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ, động viên nhau như anh em ruột thịt, là hình mẫu đoàn kết các dân tộc anh em ở địa phương và đơn vị.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Công đoàn bộ phận Đội 13, anh Dương thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy tổ chức các phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và các chương trình chăm lo an sinh xã hội cho đoàn viên, người lao động...

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đ.T

Để tất cả người lao động đều có Tết

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Với mục tiêu tất cả đoàn viên, người lao động (NLĐ) đều có điều kiện đón Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang tích cực triển khai kế hoạch chi trả lương, thưởng và tặng quà Tết.