Vui hè với tiếng cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mỗi dịp hè về, thanh thiếu nhi các làng trên địa bàn TP. Pleiku lại háo hức tập luyện, chuẩn bị cho Liên hoan Cồng chiêng và Hát dân ca thanh thiếu nhi-học sinh hè. Năm nay, sân chơi bổ ích này tiếp tục tạo được sức hút, khơi dậy tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Liên hoan Cồng chiêng và Hát dân ca thanh thiếu nhi-học sinh hè năm 2019 do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku phối hợp cùng Thành Đoàn Pleiku tổ chức. Dù tiết trời mưa gió nhưng các đội cồng chiêng của 6 xã, phường vẫn tập trung về khoảnh sân rộng trên đường Anh Hùng Núp từ khá sớm. Ai cũng háo hức khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, mong sớm đến phần trình bày của đội mình. Những đạo cụ mô phỏng nhà mồ, con trâu, nhà rông, con rối, mặt nạ… hay các loại nhạc cụ cũng được cẩn thận di chuyển vào nơi tập kết chờ đến giờ biểu diễn. Sự có mặt của hơn 200 nghệ nhân “nhí” làm cho không khí liên hoan trở nên vô cùng nhộn nhịp, náo nhiệt.
 Các tiết mục cồng chiêng tham gia liên hoan được đầu tư bài bản, công phu. Ảnh: P.V
Các tiết mục cồng chiêng tham gia liên hoan được đầu tư bài bản, công phu. Ảnh: P.V
Mở đầu liên hoan là phần trình diễn cồng chiêng “Rước nước về làng” của đội phường Thắng Lợi. Bài chiêng có tiết tấu nhanh, rộn ràng diễn tả niềm vui dân làng trong ngày lễ “Pơ kra Yang Ia”. Đây là lễ hội truyền thống của cộng đồng người Jrai ở Pleiku với mong muốn Yàng cho dân làng đủ nước sinh hoạt, gieo trồng, không bao giờ cạn. Tiếp đó là các bài chiêng  “Mừng lúa mới”, “Pơ thi”, “Mừng chiến thắng” nhưng mỗi đơn vị lại tạo được sức hút riêng ở phong cách biểu diễn, đầu tư dàn dựng cũng như đạo cụ. Các pơtual (người tấu hề) cũng rất tự nhiên, biểu cảm phong phú thông qua phần trình diễn của các em nhỏ. Dù ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng thành viên các đội vẫn phối hợp ăn ý trong từng nhịp chiêng, từng điệu xoang khiến khán giả không thể rời mắt.
Đây là lần đầu tiên 2 chị em Puih HHuyền (11 tuổi) và Puih Hữu (6 tuổi) được tham gia vào đội cồng chiêng đại diện cho phường Yên Đổ dự thi tại liên hoan. HHuyền bộc bạch: “Chúng em vui lắm vì được tham gia thi cồng chiêng. Em trai em dù nhỏ tuổi nhất đội vẫn được ôm chiêng biểu diễn cùng các anh, còn em cũng tập múa xoang thuần thục để theo kịp các chị trong đội. Hy vọng năm sau em sẽ được tham gia liên hoan lần nữa”.
Phần thi hòa tấu nhạc cụ và hát dân ca cũng hấp dẫn không kém. Từng làn điệu dân ca được các chàng trai, cô gái thể hiện bằng giọng hát khỏe khoắn, trong trẻo, mượt mà. Tiếng đàn trưng, klông put cùng hòa quyện càng làm cho các bài dân ca thêm nổi bật, đặc sắc. Từng tham gia nhiều kỳ liên hoan, em Kpă HSukơ (16 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi) chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã nghe ông bà, bố mẹ hát dân ca. Lớn lên, em càng cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp các bài hát này. Em muốn được tham gia các cuộc thi, được giao lưu với nhiều dân tộc khác để giới thiệu về văn hóa dân tộc”.
Tiếng cồng chiêng, tiếng hát vang xa giữa lòng phố xá nhộn nhịp. Anh Ksor Gat-Phó Bí thư Đoàn phường Thắng Lợi-cho hay: “Việc tập luyện cồng chiêng được chúng tôi duy trì thường xuyên, định kỳ hàng tháng, hàng tuần không chỉ để các em nhuần nhuyễn, thành thục mà còn để các em cảm nhận đầy đủ giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình. Các già làng, nghệ nhân lớn tuổi cũng thường xuyên đến truyền dạy, giúp đỡ chúng tôi tập luyện”.
Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên luôn được tỉnh nhà nói chung, TP. Pleiku nói riêng đặc biệt quan tâm. Bên cạnh xây dựng các đội cồng chiêng lớn tuổi, các xã, phường đều thành lập từ 1 đến 2 đội cồng chiêng “nhí” làm thành lớp nghệ nhân kế cận cho tương lai. Ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku-chia sẻ: “Liên hoan Cồng chiêng và Hát dân ca thanh thiếu nhi-học sinh hè được tổ chức thường niên nhằm phát huy hơn nữa giá trị của cồng chiêng trong các ngôi làng, đặc biệt là giới trẻ. Qua đó tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, thiết thực cho các em trong dịp hè cũng như tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc”.
 PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.