Vì sức khỏe người dân biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 5 giờ sáng 10-7, chúng tôi cùng các y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 15 phối hợp với Bệnh xá Quân-dân y thuộc Công ty TNHH một thành viên 715 (Binh đoàn 15) lên đường đến làng Tung Chuk (xã biên giới Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai) để khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách và người dân nơi đây.
Đại úy, bác sĩ Đồng Sỹ Mậu-Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quân y 15-cho  biết: “Qua những chuyến công tác trước, chúng tôi biết người dân vùng sâu, vùng biên giới chủ yếu mắc các bệnh xương khớp, dạ dày, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết, tả... nên Bệnh viện đã cử các y-bác sĩ có kinh nghiệm tham gia đợt này”.
Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại nhà rông làng Tung Chuk-nơi được chọn làm điểm khám bệnh. Lúc này, hàng trăm người dân và các thương-bệnh binh, gia đình chính sách đã đứng đợi từ sớm. Bà Rơ Châm Thới (76 tuổi) cho biết: Tuổi già sức yếu, vết thương cũ ở chân trái do bị trúng đạn thời chống Mỹ trong một lần gùi đạn, lương thực cho bội đội liên tục đau nhức. Từ sáng sớm, già được đứa cháu đưa đến đăng ký khám bệnh. Được các bác sĩ quân y đến thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí, già và bà con trong làng rất phấn khởi.
 Các y-bác sĩ khám bệnh cho người dân làng Tung Chuk (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Đ.Y
Các y-bác sĩ khám bệnh cho người dân làng Tung Chuk (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Ảnh: Đ.Y
Được Đại úy, bác sĩ Đồng Sỹ Mậu trực tiếp thăm khám kỹ lưỡng và chẩn đoán bị bệnh cao huyết áp, thoái hóa khớp gối và cấp phát thuốc điều trị miễn phí trong vòng 2 tuần, bà Thới rưng rưng nước mắt nói: “Các bác sĩ tốt bụng quá. Có thuốc này uống, khớp gối và vết thương của mình chắc không còn đau nhiều nữa. Hàng tháng, mình được nhận chế độ trợ cấp 1 triệu đồng/tháng, số tiền này mình sẽ dành mua thuốc mỗi khi chân đau nhức và mua gạo ăn”.
Cùng chung tâm trạng, chị Rơ Châm Blenh cho biết, con trai chị là Rơ Châm Ly tuy đã 9 tuổi nhưng vẫn phải bồng bế trên tay vì bị bại não, chân tay khẳng khiu như que củi khô. Cháu Ly bị nhiễm chất độc da cam từ ông ngoại-bố chị Blenh, người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Chị Blenh giãi bày: “Mấy ngày nay trở giời, cháu Ly sốt cao quấy khóc suốt ngày. Nhà mình xa trạm y tế xã, chưa nhờ được người chở con đi khám bệnh thì nghe có đoàn bác sĩ về khám bệnh, mình mừng lắm! Con mình được các bác sĩ nhiệt tình khám bệnh, kê đơn, phát thuốc miễn phí, giúp gia đình mình đỡ một khoản chi phí lớn. Mong thời gian tới có thêm nhiều đoàn bác sĩ đến khám bệnh cho người dân trong làng”. 
Còn mặc nguyên bộ quần áo công nhân lấm lem bụi, chị Rơ Châm Klun-hồ hởi: Biết có chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí, chị Klun tranh thủ đi cạo mủ cao su từ 2 giờ sáng, xong việc liền về chở 2 con (6 tuổi và 3 tuổi) đến khám bệnh. Bế đứa con 3 tuổi trên tay, chị Klun nói: “Bác sĩ thấy con mình quấy khóc, khám bệnh thì phát hiện tai cháu bị mưng mủ, lên cơn sốt nên đã cho thuốc uống và còn hướng dẫn để chăm sóc, vệ sinh tai cho con đúng cách nữa”.
Sau một buổi làm việc, số lượng bệnh nhân đã tăng vọt lên so với dự kiến ban đầu (600 lượt người) nhưng các y-bác sĩ vẫn tiếp tục khám và phát thuốc đến bệnh nhân cuối cùng. Bên cạnh đó, với mục tiêu “chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, đoàn y-bác sĩ còn tận tình tư vấn, hướng dẫn cho bà con cách phòng-chống các bệnh dễ lây lan trong mùa mưa ở Tây Nguyên như: sởi, sốt rét, sốt xuất huyết, tả... và biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy, muỗi, vệ sinh môi trường quanh nơi ở, ngủ mắc màn để phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh khác. Chị Rơ Châm Beo nói: “Làng ở ngay vườn cao su nên muỗi rất nhiều, nhất là mùa mưa. Nhờ cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn mà tôi hiểu được tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng-chống bệnh sốt xuất huyết. Hàng ngày, tôi thường xuyên dọn vệ sinh nhà cửa, đậy kín lu nước để muỗi không có nơi ẩn nấp. Ngoài ra, tôi còn cho con ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày”.
Ông Rơ Lan Đích-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Tung Chuk-nói: “Xã cũng có tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao ý thức phòng các bệnh dễ lây lan trong mùa mưa. Hôm nay, qua buổi tư vấn tuyên truyền của các y-bác sĩ, người dân trong làng cũng đã hiểu thêm về việc phòng-chống các loại bệnh. Tôi sẽ nhắc nhở thêm sau đợt tuyên truyền này để các gia đình trong làng ngủ màn, mặc quần dài, áo tay dài khi đi rừng, làm rẫy, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Những trường hợp có dấu hiệu sốt cao, rét run, vã mồ hôi, ớn lạnh phải đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng”.
Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Lương-Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân-dân y Công ty 715-cho biết: “Hàng tháng, Bệnh xá thường tổ chức về các xã khám bệnh lưu động cho người dân và tư vấn cho bà con cách vệ sinh phòng-chống dịch bệnh tại cộng đồng; phòng-chống sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng ở trẻ em; bệnh đường ruột… Trong quá trình thăm khám, các y-bác sĩ phát hiện một số trường hợp bị bệnh nặng nên đề nghị chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để được điều trị kịp thời. Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, chúng tôi cấp phát thuốc và hướng dẫn cách điều trị, lịch tái khám, chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.