Vì một Việt Nam tất thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 19-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, động viên, chúc mừng và tặng quà 16 em nhỏ đại diện cho hơn 1.000 trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, mồ côi, khuyết tật… là các tác giả tham gia cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học với chủ đề: “Vì một Việt Nam tất thắng”. Chương trình còn có sự tham dự của 3 khách mời đặc biệt, đó là mẹ con ca sĩ Y Byen, một nhân vật trong loạt bài “Đẩy lùi khoảng tối hủ tục” đăng tải trên báo Gia Lai tháng 10-2021.
“Vì một Việt Nam tất thắng” là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học được phát động từ ngày 8-8-2021, dành cho các em từng mắc hoặc đang điều trị ung thư, bệnh hiểm nghèo, trẻ em nhiễm chất độc da cam, khuyết tật, tự kỷ, mồ côi… Có 250 tác phẩm xuất sắc trong số 2.300 tác phẩm dự thi đã được chọn trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trước buổi gặp mặt các tác giả nhỏ tuổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham quan triển lãm, cảm nhận góc nhìn trong sáng, tươi đẹp về cuộc sống xung quanh, bày tỏ hy vọng về một tương lai tươi sáng trong những ngày đất nước gồng mình chống dịch Covid-19 của các em. Với các em, từng nét vẽ, câu thơ, lời văn cũng tiếp thêm tinh thần lạc quan và nghị lực để vượt qua những thiệt thòi mà số phận đã buộc phải gánh nhận. 
Tại buổi gặp gỡ, không những ân cần thăm hỏi từng hoàn cảnh đặc biệt, Chủ tịch nước cũng dành thời gian hỏi han, tìm hiểu câu chuyện đầy sức lay động, lan tỏa của ca sĩ Y Byen-diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Nếu không có cô, 2 đứa trẻ là Y Song và Y Sơn đã có một số phận rất khác. Chưa từng làm mẹ nhưng Y Byen vẫn dũng cảm nhận nuôi và dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Nếu như Y Song được cô cứu sống khỏi hủ tục chôn con theo mẹ hà khắc của đồng bào Bahnar 17 năm trước thì Y Sơn lại đến với cô trong một hoàn cảnh khác không kém phần xót xa vào một ngày tháng 8-2015. Khi vừa đi diễn về, nghe nói có đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngoài nghĩa trang, cô và đồng nghiệp liền chạy đến. “Con ơi, từ nay con có mẹ rồi!”-cô thầm nghĩ khi ôm lấy đứa trẻ đỏ hỏn. Từ câu chuyện ấy, với mong muốn lan tỏa những giá trị nhân văn, thu hút sự quan tâm của xã hội đối với các em nhỏ có hoàn cảnh không may, Ban tổ chức cuộc thi “Vì một Việt Nam tất thắng” đã mời ca sĩ Y Byen tham gia chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 18 đến 22-11 tại Hà Nội gồm: triển lãm tranh, gặp gỡ các cá nhân tiêu biểu và đêm gala tổng kết.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần trò chuyện cùng 3 mẹ con ca sĩ Y Byen tại buổi triển lãm (ảnh nhân vật cung cấp).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần trò chuyện cùng 3 mẹ con ca sĩ Y Byen tại buổi triển lãm (ảnh nhân vật cung cấp).
Tuy chỉ là khách mời nhưng đây là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ đối với 3 mẹ con. Y Byen chia sẻ, mỗi em nhỏ đến đây đều có hoàn cảnh hết sức đặc biệt: có em phải trải qua đau đớn sau biết bao cuộc phẫu thuật; nhiều em bệnh viện là ngôi nhà thứ 2... Vậy nhưng em nào cũng nỗ lực vươn lên một cách đáng khâm phục. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến khó lường, vượt qua những cơn đau, các em đã dùng tác phẩm của mình cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng tuyến đầu. Đó chính là những tấm gương để mọi người soi vào, học hỏi. Sự xuất hiện của Y Byen và các con cũng đã truyền đi cảm hứng sống đẹp đến quên mình, sẻ chia với những cảnh đời bé nhỏ không may. “Các con là món quà dành cho Byen và mình may mắn được là người che chở. Phải có duyên mới kết nối thành một gia đình để yêu thương, bao bọc lẫn nhau. Có mặt ở đây, mình tự hào về bản thân và về vùng đất Tây Nguyên. 3 mẹ con đi tới đâu cũng mang đến ấn tượng tốt đẹp về Gia Lai. Chứng kiến hoàn cảnh của các em nhỏ ở đây, mình dặn các con càng phải biết yêu thương lẫn nhau, phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội”-Y Byen trải lòng. Người mẹ trẻ cho hay, Y Song trầm lặng, Y Sơn hoạt bát nhưng cả hai đều rất hào hứng khi được tham gia chuỗi hoạt động ý nghĩa này. 
Trong đêm gala tổng kết cuộc thi, Y Byen được mời thể hiện lại ca khúc “Đốm lửa” của nhạc sĩ Quốc Bảo, bài hát cô từng cất lên khi tham gia chương trình Việc tử tế (Đài Truyền hình Việt Nam) và Người bí ẩn (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh). Bài hát như chính tự sự của Y Byen đã chạm đến trái tim những khán giả có mặt với những ca từ chất chứa cảm xúc: “Bước chân kia lạc loài về đâu tìm/Mái ấm yêu ôi sao quá xa/Nước mắt kia nhỏ nhoi từng đêm nào/Xót thương cho đứa bé không nhà/Đốm lửa hồng thắp lên tình thương/Và hãy tin vào tương lai sáng tươi/Những trái tim hãy dang rộng tay/Để đón em tôi nhỏ bé về đây…”. Thông điệp mà Y Byen gửi đến chương trình là các em nhỏ kém may mắn hãy giữ vững niềm tin vào cuộc sống, nỗ lực vươn lên vì các em luôn có sự yêu thương, hỗ trợ, đồng hành. 
Trên hết, “sân chơi” ý nghĩa dành cho những trẻ em thiệt thòi trong mùa dịch này đã thắp lên, khơi dậy tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Không một ai bị bỏ lại phía sau. Ai cũng có những giá trị tốt đẹp để cống hiến theo cách của riêng mình, mỗi người một chút góp phần nhỏ bé để dựng xây xã hội. Một khi huy động được ý chí vươn lên của mọi công dân, kể cả những công dân nhỏ tuổi bị khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, mồ côi…, Việt Nam có đủ sức mạnh, nội lực để chiến thắng, không chỉ trên mặt trận phòng-chống Covid-19 mà còn sự phát triển chung của đất nước. Cần có thêm nhiều chương trình tương tự, cần lắm những tấm lòng như cô gái Bahnar Y Byen để tiếp tục lan tỏa năng lượng yêu thương, làm nên những điều kỳ diệu. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.