Văn học nghệ thuật Gia Lai xung kích bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Gia Lai hiện có 70 nhà thơ, nhà văn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Với năng khiếu và nỗ lực sáng tác, các tác giả đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về đất và người Gia Lai; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới.

Miệt mài sáng tạo

Những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ ở Gia Lai đã thể hiện rõ nét sự nhiệt huyết trong lao động sáng tạo. Các tác giả tích cực sáng tác, công bố tác phẩm của mình trên báo chí và mạng xã hội, góp phần làm đời sống VHNT tỉnh nhà thêm sôi động. Điển hình là các tác giả: Thu Loan, Văn Công Hùng, Trịnh Đào Chiến, Phạm Đức Long, Đoàn Minh Phụng, Ngọc Tấn, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thanh Vân... Có những tác giả trong 15 năm qua đã xuất bản hàng chục đầu sách như: Thu Loan, Phạm Đức Long, Văn Công Hùng… Một số tác giả thường xuyên đạt các giải thưởng văn học hàng năm, 5 năm, giải thưởng chuyên đề, giải thưởng từ các cuộc vận động sáng tác của Trung ương, khu vực Tây Nguyên, địa phương như: Thu Loan, Văn Công Hùng, Phạm Đức Long, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thanh Vân, Trương Thị Chung, Lữ Hồng, Kim Sơn, Lê Vi Thủy…

Hội viên Hội VHNT Gia Lai đi thực tế sáng tác tại huyện Kbang. Ảnh: Châu Khánh

Hội viên Hội VHNT Gia Lai đi thực tế sáng tác tại huyện Kbang. Ảnh: Châu Khánh

Chuyên ngành văn học tập trung khá nhiều hội viên có học hàm, học vị; nhiều nhà văn đồng thời là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Họ đã tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và hỗ trợ một số cơ quan, địa phương trong tỉnh triển khai các đề án, dự án có liên quan đến văn học, đến bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống. Công trình, đề tài khoa học của họ đã được các cấp, các ngành ghi nhận đánh giá tốt, ứng dụng vào thực tiễn, nhân rộng mô hình để khai thác kinh tế du lịch. Có thể kể đến ở đây như: “Bảo tồn và phát huy giá trị sử thi của người Bahnar ở Gia Lai qua hình thức truyện tranh”, “Nghiên cứu Lịch sử văn học Gia Lai từ 1945 đến 2010” (Thu Loan); “Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ các dân tộc Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Gia Lai” (Hoàng Thanh Hương); “Đặc điểm nghệ thuật nhóm sử thi Dăm Giông”, “Câu đố Xơ Đăng” (Nguyễn Tiến Dũng); “Liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số” (Tạ Thị Điệp)...

Gia Lai hiện có 7 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là lực lượng nòng cốt, xung kích trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa với những tác phẩm góp phần quảng bá đất và người Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Thông qua tác phẩm, các tác giả đã lồng ghép tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khối đại đoàn kết dân tộc đến với bạn đọc.

Đội ngũ người viết Gia Lai hiện đông về số lượng, tuy nhiên không ít cây viết nhận thức chính trị chưa cao, còn loay hoay trong lựa chọn đề tài sáng tác. Vẫn biết tác giả văn học khi sáng tác đòi hỏi sự thăng hoa của cảm xúc cá nhân cao song nếu cảm xúc ấy được gắn liền với hiện thực đời sống xã hội thì mới hay, mới quý. Thật xúc động khi đọc những câu thơ của các tác giả Thu Loan, Nguyễn Tiến Lập, Phạm Đức Long... hay những trang văn của các tác giả Đoàn Minh Phụng, Ngọc Tấn, Trương Thị Chung, Lê Vi Thủy, Hà Công Trường khi viết về Tổ quốc, biên giới, biển đảo Trường Sa, những thương binh, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng; những đứa trẻ nghèo, mẹ già nghèo nơi làng xa; những già làng, trưởng thôn, cán bộ cơ sở hết lòng vì Nhân dân; những đổi thay của mảnh đất Gia Lai…

Phát huy vai trò của VHNT

Sinh sống, làm việc lâu năm tại các địa phương trong tỉnh, nhiều tác giả là cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành của tỉnh, nhiều người có vốn sống phong phú, có trải nghiệm thực tiễn trong các môi trường công tác, chiến đấu, sản xuất. Họ là những chiến sĩ xung kích trong công tác tuyên truyền của Đảng, có khả năng khai thác phản ánh sâu, đa dạng các lĩnh vực của đời sống xã hội trong tỉnh, dùng ngòi bút làm vũ khí sắc bén chống lại những cái xấu, cái sai. Khối lượng tác phẩm hội viên đóng góp hơn 35 năm qua rất lớn, lên đến hàng trăm tác phẩm chung/riêng, đủ mọi thể loại. Nhiều giải thưởng của trung ương, tỉnh trao cho cá nhân các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình có thành tựu tốt hàng năm, từng nhiệm kỳ, từng cuộc vận động sáng tác theo chủ đề của Đảng, Nhà nước, các ngành… đã ghi nhận tài năng, công lao của các nhà văn.

Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị xác định: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người.

Tuy nhiên, hiện nay, không ít trong số tác giả của tỉnh vẫn có tư tưởng coi sáng tác là một thú chơi, cuộc chơi, do vậy còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm với nghề, thiếu động lực cống hiến cho nền văn học của tỉnh. Có người vào Hội cho vui, do đó, chưa coi Hội là “ngôi nhà chung” của đội ngũ cầm bút làm nhiệm vụ sáng tác vì quê hương, vì Nhân dân.

Để góp phần phát triển văn học, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ tác giả, thời gian tới, Hội VHNT tỉnh nên ban hành quy chế hoạt động của Hội, các văn bản có tính pháp quy đối với các hoạt động chung của Hội. Xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể hàng năm, nhiệm kỳ của chi hội, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm cần tuyên truyền hàng năm hoặc từng giai đoạn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bám sát các kế hoạch lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cho hội viên sáng tác. Lãnh đạo Hội cần chủ động tham mưu, đề xuất, phối hợp, liên kết thực hiện nhiệm vụ sáng tác văn học, xuất bản, tuyên truyền rộng rãi đến các đối tượng độc giả phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm của tỉnh. Tổ chức cho hội viên tham gia trại sáng tác, lớp tập huấn, bồi dưỡng có liên quan đến VHNT, văn hóa để kịp thời cập nhật thông tin, có thêm kỹ năng, kiến thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm sáng tác đảm bảo sát đúng với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đất nước.

Bên cạnh đó, quan tâm tìm kiếm, tập hợp, kết nối hỗ trợ các cộng tác viên có năng khiếu, có đam mê viết văn kết nạp vào Hội, ưu tiên các cây bút là người dân tộc thiểu số. Kịp thời khen thưởng những tác giả đạt thành tích cao trong các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, trong hoạt động phong trào VHNT định kỳ, đột xuất. Tạo điều kiện, khuyến khích các tác giả có khả năng tham gia thực hiện các công trình nghiên cứu. Khuyến khích các tác giả đăng ký, đề xuất ý tưởng hoạt động cho Hội, cho tỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, tạo vị thế, uy tín cũng như đóng góp thiết thực cho nhiệm vụ tuyên truyền của cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức Hội; góp phần đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch nhằm lợi dụng văn học, văn nghệ sĩ để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.