Văn hóa... quét rác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thật lòng mà nói, tôi rất trân trọng, quý mến những người làm những công việc nặng nhọc, độc hại, trong đó có công nhân vệ sinh môi trường.

Tôi xót xa khi họ phải lao động vất vả sau đêm Giao thừa, sau những cuộc vui hội họp, hội chợ, triển lãm ngoài trời, nơi công cộng... Ở những chỗ đó, có không ít người mang danh dân của phố thị nhưng lại “có vấn đề” về văn hóa, về ý thức tự giác nơi công cộng. Họ vứt rác, các chất thải bừa bãi để những công nhân vệ sinh phải vất vả không kể nắng hay mưa, đêm đông giá rét hay hè nóng nực làm sạch môi trường, trả lại cho phố phường những con đường sạch đẹp.

Một điểm tập kết rác thải ở TP. Pleiku. Ảnh: B.H

Một điểm tập kết rác thải ở TP. Pleiku. Ảnh: B.H

Để chia sẻ, cảm thông nỗi vất vả gian lao của nghề quét rác, nhà thơ Tố Hữu đã nói thay cho bao người trong chúng ta: “Những đêm đông/Khi cơn giông/Vừa tắt/Tôi đứng trông/Trên đường lặng ngắt/Chị lao công/Như sắt/Như đồng/Chị lao công/Đêm đông/Quét rác”.

Thử nghĩ mà xem, chỉ cần 1 ngày đêm không có các chị lao công dọn vệ sinh thì phố thị của chúng ta sẽ như thế nào với tình trạng “văn hóa phố” của một bộ phận người dân thiếu ý thức như hiện nay? Ở TP. Pleiku, với chủ trương xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, trở thành “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, chính quyền cơ sở đã trang bị nhiều dụng cụ chứa rác thải dân sinh, quy định giờ đưa rác ra đường để công nhân vệ sinh môi trường thu dọn.

Thế nhưng, ở một số nơi, dụng cụ chứa rác công cộng đã bị kẻ gian lấy cắp và vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, không đúng nơi và giờ quy định.

Còn đối với đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường thì sao? Trả lời câu hỏi này không khó, nếu ta chú ý quan sát cách làm việc của một số người, có vẻ như không có chút nhiệt tình, cố gắng nào. Chúng tôi hỏi chuyện vài người, họ cho biết thu nhập từ công việc dọn vệ sinh môi trường rất thấp, lại vất vả, đêm hôm, khuya khoắt vẫn phải làm việc ngoài đường, ngoài trời, môi trường ô nhiễm, độc hại...

Có lẽ bởi thế mà không ít chị em công nhân vệ sinh môi trường kém nhiệt huyết với nghề. Và cũng vì thế, đa số người dân hết sức cảm thông chia sẻ, tôn trọng, coi công việc của họ làm cũng bình đẳng như bao công việc khác, ngành nghề khác mà xã hội cần.

Vẫn còn tình trạng người dân xả rác thải không đúng nơi quy định. Ảnh: Bích Hà

Vẫn còn tình trạng người dân xả rác thải không đúng nơi quy định. Ảnh: Bích Hà

Về phía nhà quản lý và chủ doanh nghiệp, có lẽ cũng cần có những quy định hợp lý, khoa học về thời gian đưa rác ra nơi quy định, thời gian thu gom rác. Và hơn nữa là cần có chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi thiếu ý thức vứt rác, đổ rác bừa bãi của người dân; thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu nhiệt huyết với công việc của nhân viên, công nhân vệ sinh môi trường. Có chế độ đãi ngộ, động viên, chia sẻ, cảm thông, khen thưởng đúng người đúng việc đối với công nhân vệ sinh môi trường, nhất là đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho họ.

Thành phố Pleiku đang phấn đấu trở thành đô thị “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Cho nên, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành và tự giác chung tay xây dựng nơi mình sống sao cho thành nơi “đáng sống”; người công nhân có tinh thần và ý thức, trách nhiệm cao vì mọi người, vì một đô thị văn minh, văn hóa, luôn xanh-sạch-đẹp là việc làm vô cùng cần thiết.

Có thể bạn quan tâm