Vạn chài miền Tây trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng chục hộ dân ở các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Bến Tre, Long An... cùng quần cư bên công trình thủy nông Ia Mơr ở xã Ia Mơr, H.Chư Prông (Gia Lai) tạo nên một làng chài với phong vị văn hóa độc đáo.

Dù sắc giọng khác nhau nhưng rất nhanh, họ đã tạo được sự thân thiện với người dân Jrai ở đây. Có lẽ, chính bản chất phóng khoáng, thật thà của người miền Tây khiến họ chiếm được cảm tình trong cuộc sinh kế xa quê.

Đất khát thành làng chài

Dọc một dải biên giới ở các huyện Ea Sup (Đắk Lắk), Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai (Gia Lai), hễ mùa mưa đến là trắng trời vài tháng. Mùa khô, từng cơn gió tung bụi mù. Và đặc biệt là cái nóng hầm hập. Cây cối, vật nuôi cứ quéo lại. Đất đai trơ khốc.

Đánh bắt cá cơm trên hồ Ia Mơr. Ảnh: TRẦN HIẾU

Đánh bắt cá cơm trên hồ Ia Mơr. Ảnh: TRẦN HIẾU

Tin vui đến với người dân vùng biên giới khi hồ chứa nước Ia Mơr được khởi công xây dựng vào năm 2005. Trải qua một số trở ngại trong quá trình xây dựng, đến năm 2017, công tác chặn dòng, tích nước mới được thực hiện trong niềm vui của nhiều người dân ở vùng biên hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai.

Theo thiết kế, hồ có dung tích 177,8 triệu m3 nước, diện tích mặt nước 2.800 ha, phục vụ tưới cho hơn 13.000 ha đất canh tác, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 50.000 người.

Công trình thực sự tạo ra một tiểu vùng khí hậu, giải cơn khát mùa khô cho người dân, đất đai, vạn vật. Nhờ vậy, lúa từ chỗ trồng một vụ thành hai vụ, tốt bời bời. Cả vùng nước mênh mông hình thành. Nước từ các con suối quanh vùng đổ về hồ chứa Ia Mơr kéo theo nguồn cá tôm không nhỏ. Nguồn thức ăn phong phú cộng với diện tích hồ rộng lớn và sâu khiến các loài cá phát triển rất nhanh, lớn bất thường. Cá lóc to 6 - 7 kg, cá thác lác cân nặng đến 6 kg… không còn là hiếm.

Người dân sống lâu đời ở đây cũng không khỏi ngạc nhiên. Ông Ksor Minh, một người dân Jrai sống ở xã Ia Mơr, nói: "Ngày trước cá ở suối to chừng một nửa đấy là cùng. Mới đầu, nhiều người dân khi nghe tin bắt được cá lớn là đổ xô đến xem. Lạ quá mà! Giờ thì quen rồi. Ra hồ lớn, cá bơi khỏe, ăn nhiều, lớn nhanh thôi".

Và chuyện không ai ngờ tới khi nơi đây xuất hiện những cư dân làng chài, đánh bắt thủy sản trên hồ thủy lợi Ia Mơr. Lúc đầu thì lác đác vài người, sau thì tăng dần, có lúc lên đến gần cả trăm người. Họ đến từ miền Tây xa xôi, mang theo sự lành nghề trong đánh bắt thủy sản.

Cá lăng cỡ 8 kg như thế này bắt được ở hồ Ia Mơr giờ là chuyện thường. Ảnh: TRẦN HIẾU

Cá lăng cỡ 8 kg như thế này bắt được ở hồ Ia Mơr giờ là chuyện thường. Ảnh: TRẦN HIẾU

Ngư phủ trên núi

Anh Nguyễn Văn Nghĩa (36 tuổi, quê H.Hồng Ngự, Đồng Tháp), định cư trên vùng đất mới Ia Mơr, kể: "Mình lên đây từ năm 2018. Hồi trước cũng làm nghề đánh bắt thủy sản ở H.Krông Ana (Đắk Lăk) mấy năm nhưng bên đó thủy sản cũng giảm dần. Bên này cá tôm nhiều hơn, kiếm sống được. Vậy là mình dắt vợ và hai con qua đây luôn. Giờ thì bén duyên ở đây rồi. Năm 2020 vợ chồng mình mua nhà, làm luôn đại lý thu mua cá bán cho người dân trong vùng và xuất đi các nơi. Thu nhập mỗi ngày bình quân mỗi người cũng được tầm 200.000 - 300.000 đồng, đủ chi dùng và nuôi hai đứa con ăn học".

Chúng tôi tới nhà vợ chồng anh Nghĩa lúc vợ anh (chị Tô Thị Hồng Trang, 35 tuổi, cùng quê Đồng Tháp) đang chuẩn bị mớ cá khô được đánh bắt từ hồ chứa Ia Mơr để giao cho khách. Những con cá khô sẫm màu, nhìn qua đều tăm tắp. Cứ mỗi 5 kg cá tươi thì được 1 kg cá khô, có giá bán từ 100.000 - 110.000 đồng. "Hồ này cá ngon lắm. Người mua cũng hay hỏi mua các loại cá chốt, cá chạch, cá lăng, cá bống còn sống. Vì vậy mình phải chuẩn bị đồ như bể, sục ô xy… để trữ cá", chị Trang nói.

Chị Tô Thị Hồng Trang đang cân cá cơm khô xuất cho thương lái. Ảnh: TRẦN HIẾU

Chị Tô Thị Hồng Trang đang cân cá cơm khô xuất cho thương lái. Ảnh: TRẦN HIẾU

Ở đây, cá bống được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, cá lăng 70.000 - 80.000 đồng/kg… Người dân vẫn thi thoảng câu được những con cá lăng "khủng", nặng đến hơn chục ký.

Người dân tộc thiểu số Jrai ở khu vực này chủ yếu dùng câu, bủa lưới ven bờ nên may lắm chỉ phục vụ nhu cầu gia đình. Còn các tay lưới thiện nghệ miền Tây thì dùng thuyền máy chạy ra xa nên sản lượng thủy sản thu được lớn hơn. Cứ tầm 6 - 7 giờ tối là họ bắt đầu xuất phát, đến mờ sáng mới trở về. Trên thuyền lúc này cũng đủ các loài cá lớn nhỏ.

Tranh thủ phơi cá khi trời hửng nắng. Ảnh: TRẦN HIẾU

Tranh thủ phơi cá khi trời hửng nắng. Ảnh: TRẦN HIẾU

Nhiều người dân đang sống tạm bợ xung quanh hồ Ia Mơr. Ảnh: TRẦN HIẾU

Nhiều người dân đang sống tạm bợ xung quanh hồ Ia Mơr. Ảnh: TRẦN HIẾU

Đại úy Trịnh Ngọc Thạch, Trưởng công an xã Ia Mơr, cho biết: "Một số người dân miền Tây làm nghề đánh bắt thủy sản trên hồ chứa nước Ia Mơr đã mua nhà ở đây. Số còn lại thuê nhà của người dân. Hiện có khoảng 50 thuyền đánh cá hoạt động trên hồ. Nói chung mọi người sống vui vẻ, hòa đồng với người địa phương. Có điều, một số người lưu lạc phía Biển Hồ (Campuchia) về, hầu hết xa quê đã lâu, không có giấy tờ tùy thân nên cũng khó cho việc học hành của con cái. Chúng tôi cũng cố gắng giúp đỡ nhưng có việc ngoài tầm tay, phải ở cấp cao hơn mới giải quyết được".

Mưu sinh trên đất mới

Trời mới hửng nắng sau mấy ngày mưa dầm dề. Những tay lưới miền Tây cũng vừa đi làm nghề cả đêm mới về. Từ một con thuyền nào đó trong sóng nước dập dềnh vẳng lại lời ca tiếng hát...

Ông Lâm Văn Thanh (59 tuổi, quê H.Thanh Bình, Đồng Tháp) kể: "Hồi trước mình lên H.Lâm Hà (Lâm Đồng) làm ăn được 20 năm. Rồi lòng vòng đi các hồ, qua nhiều tỉnh. Hai cha con mình đến Ia Mơr được hơn 3 năm nay. Mùa này nước đục nên cá cũng ít. Có ngày kiếm được chỉ vài chục ngàn, ngày may thì được vài trăm ngàn đồng. Người dân tộc thiểu số Jrai ở đây cũng chân thật, vui vẻ. Làm ăn được thì ở thôi".

Kiểm tra thuyền trước khi đi đánh bắt. Ảnh: TRẦN HIẾU

Kiểm tra thuyền trước khi đi đánh bắt. Ảnh: TRẦN HIẾU

Anh Lâm Văn Thanh (phải) kể về chuyện mưu sinh của mình ở hồ Ia Mơr. Ảnh: TRẦN HIẾU

Anh Lâm Văn Thanh (phải) kể về chuyện mưu sinh của mình ở hồ Ia Mơr. Ảnh: TRẦN HIẾU

Còn anh Phạm Quang Chênh (quê H.Tân Hiệp, Kiên Giang) đến với vùng đất mới Ia Mơr theo một cách rất tình cờ. "Hơn hai năm trước tôi nghe người cậu nói trên này nhiều cá nên chuyển cả gia đình lên. Hồi trước ở quê tôi làm nghề chạy máy cày, ngày có ngày không. Ở đây ngày nào cũng có việc. Thả lưới, buông câu mỗi ngày là có nguồn thu nhập ổn định. May mắn và có duyên thì ở đây luôn", anh nói.

Sáng sớm, dọc theo đập hồ chứa Ia Mơr là không khí nhộn nhịp. Đấy là thời điểm thuyền về. Người nhà, thương lái đợi sẵn để lấy cá, tỏa đi các nơi. Anh Huyền, một ngư dân quê Tây Ninh, từ thuyền câu bước ra sang sảng: "Hổm tui có câu được con cá lăng 8 kg, bán 250.000 đồng/kg ngay tại bến ngon ơ".

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơ, cho biết: "Nguồn thủy sản nơi đây phong phú nên nhiều người quê tận miền Tây đã tìm đến đây làm nghề đánh bắt thủy sản. Chúng tôi cũng đã cùng cơ quan quản lý hồ làm việc với bà con để ổn định tình hình an ninh trật tự. Dù biết bà con có kỹ năng tốt trong việc điều khiển thuyền nhưng phải theo quy định pháp luật là có giấy tờ hợp lệ trong lưu thông đường thủy và phải cẩn thận trong mùa mưa lũ, tránh xảy ra việc không may. Một số gia đình ở đây cũng cho con trong độ tuổi đến trường nhập học. Nói chung, họ hòa đồng nhanh với cuộc sống mới, chan hòa với bà con người địa phương".

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.