Vài điều nên nhớ khi lên Tây Tạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếu phải bình chọn một vùng đất nào đó khiến du khách dễ bị sốc nặng, thì đó chính là Tây Tạng (Trung Quốc). Có nhiều nguyên do buộc chúng ta không thể “giỡn mặt” với vùng cao nguyên giá lạnh này.

Ở Tây Tạng càng lên cao, lượng ô xy càng giảm
Ở Tây Tạng càng lên cao, lượng ô xy càng giảm



Hút thuốc lá và tập thể dục

Vùng Tây Tạng có độ cao trung bình 4.000 m so với mực nước biển. Cao hơn cả “nóc nhà Đông Dương” - ngọn núi Fansipan (3.143 m) của VN. Chính vì ở quá cao như vậy nên lượng ô xy giảm chỉ còn khoảng 60%, càng lên cao lượng ô xy càng “thê thảm” hơn. Một khi không nạp đủ lượng ô xy cho cơ thể, sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng như khó thở, choáng váng, nhức đầu, quằn quại không ngủ được... Do đó, những du khách nào có thói quen hút thuốc “như ống khói tàu” ắt phải suy nghĩ lại một khi đặt chân lên đất Tây Tạng. Hướng dẫn viên du lịch luôn nhắc nhở điều này: hạn chế tối đa việc hút thuốc vì chúng ta đang thiếu 40% ô xy so với vùng đồng bằng.

Do lượng ô xy “nghèo nàn” như vậy nên bạn cũng cần suy nghĩ lại nếu có ý định chạy bộ tập thể dục theo thói quen. Khi chạy, tim của chúng ta sẽ đập nhanh hơn, đòi hỏi phải nạp nhiều ô xy hơn. Nếu chạy bộ ở VN thì không vấn đề gì vì lượng ô xy tự nhiên xung quanh ta gần bằng 100%. Nhưng ở Tây Tạng thì, như đã nói, câu chuyện hoàn toàn khác. Đã có du khách đang chạy bộ ở thủ phủ Lhasa thì đột nhiên ngã quỵ giữa đường, phải chở đi cấp cứu. Đến Tây Tạng bạn sẽ thấy người ta chỉ đi chứ không dám chạy là vì vậy.

Nhiễm lạnh từ từ

Người ta khuyến cáo du khách thập phương muốn du lịch Tây Tạng thì nên đi vào mùa hè, thời tiết đỡ khắc nghiệt hơn các mùa còn lại. Cho dù đang hè, trời nắng chang chang nhưng vẫn mát lạnh. Thế nhưng khi màn đêm buông xuống, nhiệt độ giảm theo, đi đâu thì đi cũng nhớ thủ sẵn áo ấm, chớ coi thường. Hè vừa rồi, có đoàn khách VN được chở đến thưởng thức một chương trình văn nghệ với sân khấu ngoài trời ở Lhasa. Lúc đó là cuối buổi chiều, trời mát dịu. Khi ban tổ chức phát mỗi khán giả một cái áo khoác (cho mượn) để ngồi xem văn nghệ thì nhiều người Việt (đa số là thanh niên) không nhận vì “có lạnh lẽo gì đâu mà mặc!”. Chương trình văn nghệ bắt đầu lúc 7 giờ tối, kéo dài 3 tiếng đồng hồ, song mới qua được nửa tuồng thì vài người trong đoàn khách VN cảm thấy ớn lạnh, ngồi không vững. Kết thúc chương trình văn nghệ (khoảng 10 giờ đêm), cả đoàn tức tốc chạy ào ra xe, về đến khách sạn có vài anh trai tráng “nằm một đống” rên hừ hừ, mặt mày xanh lè xanh lét như “xác sống”.

Nếu vận động như đi bộ chẳng hạn, cơ thể chúng ta sẽ ấm hơn, còn ngồi yên một chỗ trên sân khấu hoặc khán đài thì rất dễ bị nhiễm lạnh, cho dù đang là mùa hè Tây Tạng. Đó là lý do giải thích vì sao nhà hát cho khán giả mượn áo khoác.

Nói đến chuyện “xác sống” chợt nhớ cách đây vài năm, có đoàn nhà báo nọ ở TP.HCM làm một chuyến farmtrip lên Tây Tạng. Qua hôm sau, cả đoàn ai cũng lừ đừ, trong đó có 2 chị phóng viên sắc diện chẳng nhận ra được nữa, chị nào mặt cũng tái mét, bơ phờ, nói chẳng ra hơi. Hỏi ra mới biết suốt đêm 2 chị này không ngủ được và cũng chẳng tha thiết gì đến chuyện ăn uống. Thế rồi có chị cứ nằng nặc đòi chở vào bệnh viện cấp cứu vì nghĩ mình... sắp chết, chị kia thì chỉ muốn ra phi trường ngay lập tức để... bay về VN!

Vậy đó, Tây Tạng là miền đất Phật đồng thời cũng là “vùng đất tử” nếu bạn quyết tâm khám phá, nhưng nhớ đừng khinh suất.

Đoàn Xuân Hải (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.