Luật Bảo hiểm tiền gửi là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận |
Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 chương, 47 điều là nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Các đại biểu đều thống nhất là đã đến lúc phải ban hành luật Bảo hiểm tiền gửi để khắc phục những hạn chế, thiếu sót của hoạt động bảo hiểm tiền gửi diễn ra hơn 10 năm qua chỉ căn cứ vào các nghị định của Chính phủ và một số điều của các luật khác.
Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời sẽ tăng niềm tin của người dân vào các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi cần quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của người gửi tiền, xác định rõ tổ chức bảo hiểm tiền gửi là ai, hoạt động theo mô hình nào; các điều kiện để được nhận tiền bảo hiểm khi tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán; cơ chế, mức độ xử lý thông tin của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tín dụng…
Vấn đề quy định “đối tượng được bảo hiểm tiền gửi” cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Dự thảo Luật quy định “người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi” nhưng nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng được bảo hiểm là hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức chính trị, doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi đem gửi…
Các ý kiến đóng góp của đại biểu cho các dự thảo luật và tình hình kinh tế- xã hội sẽ được Ủy ban Kinh tế xem xét, đưa vào báo cáo thẩm tra trình Quốc hội khóa XIII vào kỳ họp thứ 2 trong tháng 10 tới.