(GLO)- Nhiều nông dân ở xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) đang nuôi ý định mở rộng diện tích tiêu sẻ địa phương và áp dụng quy trình sản xuất theo phương pháp hữu cơ để nâng cao giá trị loại cây trồng này.
Năm 2014, anh Trần Quang Sơn (thôn 5, xã Nam Yang) quyết định áp dụng quy trình canh tác hữu cơ trên 2.500 trụ hồ tiêu giống Vĩnh Linh của gia đình. Sau 4 năm theo đuổi mô hình này, anh Sơn nhận thấy chi phí đầu tư thấp hơn hẳn so với cách làm cũ, tuổi thọ vườn cây lại tăng, sản lượng ổn định và sản phẩm được đối tác thu mua với giá cao hơn. “Làm theo mô hình hữu cơ rất lợi cho nông dân vì mỗi năm chỉ tốn 2 lần làm cỏ, tận dụng được trụ sống như xoan, gòn để hồ tiêu leo, chi phí đầu tư phân bón cũng thấp hơn. Có điều, người trồng phải tập thói quen ghi nhật ký nông hộ, tuân thủ danh mục các chất hóa học không được sử dụng, không ép hoặc can thiệp quá nhiều vào chu trình sinh trưởng của cây”-anh Sơn chia sẻ.
Vườn hồ tiêu của anh Nguyễn Tiến Công đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA. Ảnh: S.C |
Là một người con của đất Lệ Chí, từ kinh nghiệm thực tiễn của người đi trước và bản thân, anh Sơn đang nung nấu quyết tâm chuyển đổi vườn tiêu già cỗi 2.500 trụ sang trồng bằng giống tiêu sẻ địa phương. Bởi theo anh, chưa có vườn tiêu Vĩnh Linh nào sống được 20 năm, thế nhưng riêng giống tiêu sẻ Lệ Chí là có thể dù không được chăm sóc bài bản. Do khả năng thích nghi tự nhiên và kháng sâu bệnh rất tốt, khi xong mùa thu hái, dù cây xơ xác nhưng chỉ cần một trận mưa xuống lại hồi phục tươi tốt rất nhanh. Do vậy, mục tiêu của anh Sơn trong năm 2018 là trồng thay thế 100 trụ bằng giống tiêu sẻ Lệ Chí và sẽ tiếp tục xen canh hồ tiêu trong vườn cà phê vào các năm sau.
Bảo vệ môi trường, bảo vệ người sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm là những lợi ích khi thực hành nông nghiệp hữu cơ. Đây là những điều cơ bản mà anh Nguyễn Tiến Công (Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang) rút ra được sau 7 năm theo đuổi mô hình sản xuất này. Anh Công bắt đầu thực hành sản xuất theo phương pháp hữu cơ từ năm 2012 ngay trên vườn hồ tiêu 3.000 trụ của gia đình. Đến năm 2017, sản phẩm hồ tiêu của anh đã được test mẫu kiểm định và là một trong 2 vườn hồ tiêu của tỉnh đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA. “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn organic phải tuân thủ các quy tắc và quy trình nghiêm ngặt. Đơn cử như để cải tạo đất trồng, chống xói mòn, tôi đang hướng tới thực hành nông nghiệp tái tạo, không dùng phân vô cơ hoặc hóa chất mà sử dụng phân xanh từ thực vật. Từ khi theo đuổi quy trình canh tác hữu cơ, tôi nhận thấy giống tiêu sẻ địa phương có những ưu điểm cực kỳ phù hợp với mô hình này”-anh Công cho biết. Theo nhận định của anh Công, nếu khôi phục trồng giống tiêu sẻ địa phương, kết hợp với sự hiểu biết của người nông dân với mô hình canh tác hữu cơ sẽ mang lại lợi ích thiết thực. Bởi lẽ, với những đặc tính nổi trội như dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, năng suất, sản lượng ổn định, khả năng kháng bệnh tốt, chịu hạn, có khả năng tái sinh thì ngay cả khi giá hồ tiêu chỉ còn 60 ngàn đồng/kg như hiện nay, người trồng vẫn có thể sống được.
Một thời gian dài, người dân Nam Yang dường như bỏ mặc giống tiêu sẻ địa phương để chạy theo những giống mới cho năng suất, sản lượng cao. Nói theo cách của ông Nguyễn Văn Hương (thôn 1, xã Nam Yang) thì trồng hồ tiêu giống địa phương phải 3 năm mới cho trái, còn trồng hồ tiêu giống Vĩnh Linh thì chỉ cần 1 năm bà con đã thu lợi nhuận từ việc cắt hom bán giống. Giờ đây, khi vùng hồ tiêu Nam Yang đã bắt đầu xuất hiện tình trạng hồ tiêu chết và ngày một lan rộng, nếu không thay đổi và hành động từ bây giờ, nguy cơ mai một giống tiêu sẻ Lệ Chí là có thật, đồng thời nguy cơ xóa sổ vùng sản xuất hồ tiêu Nam Yang cũng ngày một không xa. Vì vậy, nhiều nông dân trồng hồ tiêu ở Nam Yang đang cùng nhau gầy dựng lại giống tiêu sẻ Lệ Chí cho mùa vụ sắp tới, kết hợp với việc tuyên truyền, kêu gọi sự chung tay góp sức nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ để hướng tới một nền nông nghiệp sạch và xanh.
Sơn Ca