Công sứ Phạm Vinh Quang bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố của đại diện Ai Cập, thay mặt Phong trào không liên kết, cũng như lo ngại sâu sắc trước các cuộc xung đột liên tục diễn ra 63 năm qua tại Trung Đông, đặc biệt do Israel chưa chấm dứt xây dựng và mở rộng các khu định cư cũng như những bức tường ngăn cách, phá hủy nhiều nhà ở và xua đuổi nhiều gia đình người Palestine.
Công sứ khẳng định Việt Nam chia sẻ quan điểm chung ủng hộ một Nhà nước Palestine độc lập, thịnh vượng và tất cả các dân tộc trong khu vực cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh, tất cả các bên liên quan cần theo đuổi đối thoại và các cuộc đàm phán phù hợp với các Nghị quyết 242, 338, 425, 1397 và 1850 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tôn trọng các khung pháp lý được tạo ra trong Lộ trình, Các Điều khoản tham khảo Madrid và Sáng kiến hòa bình Arập. Vì vậy, Việt Nam coi trọng các nỗ lực mới của nhóm Bộ tứ (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga), Liên đoàn Arập và các nước trong khu vực nhằm làm sống lại tiến trình hòa bình Trung Đông để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo hiện nay.
Cuối cùng, Công sứ Phạm Vinh Quang khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết tham gia các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế hướng tới một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine, giải quyết một cách hòa bình cuộc xung đột Arập-Israel và cuối cùng đạt được một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài ở Trung Đông.
Cũng tại phiên họp trên, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Lý Bảo Đông kêu gọi các bên liên quan tại Trung Đông giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, hướng tới giải pháp hai nhà nước độc lập Israel và Palestine cùng tồn tại trong hòa bình.
Ông Lý nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của nhóm Bộ tứ nhằm nối lại cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine phải hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình, tạo điều kiện tái xây dựng lòng tin và phá vỡ sự bế tắc hiện nay. Ông khẳng định Bắc Kinh phản đối việc Israel xây dựng các khu định cư.
Đại diện Nhật Bản, Pakistan, Ấn Độ và Namibia cũng có ý kiến tương tự tại phiên họp.