Tuyển người mẫu nhí và chiêu trò lừa đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tham gia thử thách 'Ứng tuyển người mẫu nhí' cho con, nhiều phụ huynh bị sập bẫy trò lừa đảo, bị lừa hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Dụ phụ huynh nộp tiền "làm nhiệm vụ" để con thành người mẫu nhí
Một ngày đầu tháng 11.2022, sau khi đọc thông tin: “Tuyển người mẫu nhí từ 2 - 15 tuổi. Thu nhập tại gia cùng bé từ 7 - 15 triệu đồng/tháng, hoa hồng hấp dẫn” trên mạng xã hội Facebook, chị N.Y.T (ngụ TP.HCM) liên hệ với trang “Mẫu Ảnh Thời Trang Bé Yêu” để đăng ký cho con, là bé D.K (8 tuổi) ứng tuyển người mẫu ảnh.
“Họ chào mời hấp dẫn, phụ huynh chỉ cần có Zalo, thẻ ngân hàng để đăng ký làm việc, nhận lương. Rồi yêu cầu mình kết bạn Zalo với người tên Lê Thị Trúc Ly, nhân viên bộ phận nhân sự, để đăng ký hồ sơ cho con là đủ điều kiện tham gia”, chị T. nói.
Chị T. tham gia với mong muốn con mình có thể trở thành người mẫu, gia đình có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, chị T. đã bị lừa mấy chục triệu đồng.

Trang Facebook bị nhiều phụ huynh tố lừa đảo. Ảnh: Chụp màn hình
Trang Facebook bị nhiều phụ huynh tố lừa đảo. Ảnh: Chụp màn hình
Trò chuyện qua Zalo với chị T., Trúc Ly tự xưng là chuyên viên tư vấn của chuỗi hệ thống thời trang Y. (một hãng thời trang nổi tiếng dành cho trẻ em - PV). Để hoàn tất thủ tục hồ sơ, Ly yêu cầu chị T. tham gia vào nhóm có 7 thành viên trong ứng dụng Telegram.
Chị T. cho biết, nhóm chị tham gia có một điều phối viên là Mr Thành (tự xưng Dương Văn Thành) và một số thành viên khác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, mỗi nhóm do các nghi can lập ra, chỉ có 1 - 2 người (nạn nhân) là thật, còn lại đều là nick ảo do chính các nghi can lập để dẫn dắt câu chuyện, nhằm lừa đảo.
Cụ thể, mỗi khi Dương Văn Thành đưa ra một chủ đề, lập tức, các tài khoản ảo trong nhóm đồng loạt hưởng ứng, bàn luận sôi nổi. Để bé D.K được xét tuyển chính thức, Thành yêu cầu chị T. lần lượt hoàn thành 5 "nhiệm vụ mua sản phẩm" với hứa hẹn sẽ được hoàn lại tiền gốc và lãi theo phần trăm hoa hồng từ giá trị sản phẩm.
Thành gửi một đường link có hình ảnh một túi xách và yêu cầu chị T. đúng hẹn phải chuyển 2,2 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng tên Nguyen Quang Huy, với cú pháp “NV1” để thanh toán tiền túi xách.

Rất nhiều phụ huynh sau đó mới biết mình bị lừa đảo. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
Rất nhiều phụ huynh sau đó mới biết mình bị lừa đảo. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
“Ban đầu tôi cũng nghi ngờ, đăng ký mẫu ảnh cho con nhưng phải chuyển tiền. Nhưng thấy các phụ huynh khác hưởng ứng sôi nổi, tôi sợ con bị tranh mất suất, cũng thực hiện theo. Sau này mới biết những tài khoản đó là ảo”, chị T. kể lại.
Cũng theo chị T., nhiệm vụ của chị gọi là thanh toán sản phẩm nhưng không hề nhận được đơn hàng nào mà chỉ là hình ảnh do Thành đưa ra.
Sau nhiệm vụ 1, nhiệm vụ 2 với sản phẩm phải thanh toán có mệnh giá thấp, chị T. được Thành hoàn trả tiền gốc và lãi 10%. Đến nhiệm vụ thứ 3, sản phẩm là chiếc váy có giá 5,5 triệu đồng. Khi chị T. chuyển khoản 5,5 triệu đồng thì Thành thông báo sai số lượng, số tiền bị đóng băng và yêu cầu chị T. phải chuyển lại từ đầu nhiệm vụ 3, với số tiền 11 triệu đồng (tức tiền cho 2 chiếc váy - PV) thì mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ.
Chị T. thắc mắc khi nào được nhận lại số tiền đã chuyển thì Thành cảnh báo, hoặc toàn bộ số tiền bị đóng băng 24 tháng hoặc hoàn thành đến nhiệm vụ thứ 5. Thành cũng không quên rót mật vào tai: “Nhiệm vụ 5 cũng là nhiệm vụ cuối cùng, phụ huynh được hoàn tiền kèm lãi suất và bé nhà sẽ được chính thức thành mẫu ảnh nhí”.

Nạn nhân thực hiện các
Nạn nhân thực hiện các "nhiệm vụ" và sau đó bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ở nhiệm vụ thứ 5, chị T. phải chuyển 31,5 triệu đồng. Đến đây, chị T. rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ 5 do Thành yêu cầu. Tuy nhiên, Thành tiếp tục báo sai cú pháp, yêu cầu chị T. phải làm nhiệm vụ lại từ đầu.
Chị T. nói không còn đủ tiền để tham gia thử thách và yêu cầu được trả lại tiền thì lập tức bị Thành xóa khỏi nhóm, cắt đứt mọi liên lạc. Lúc này, chị T. mới “bật ngửa kêu trời” khi biết mình bị lừa 31,5 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 13.12.2022, thông qua số điện thoại, PV Thanh Niên đã liên hệ với tổng đài của hãng thời trang Y. và đại diện thời trang Y. khẳng định, hiện hãng không có chương trình tuyển mẫu nhí thông qua mạng xã hội.
Đại diện thời trang Y. cho biết, thời gian qua có rất nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng thương hiệu của đơn vị để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, và khuyến cáo: “Thời gian qua, bộ phận chăm sóc khách hàng bên em nhận rất nhiều cuộc gọi của phụ huynh tố cáo bị lừa đảo, mất rất nhiều tiền. Mong người dân cảnh giác trước hình thức này”.
Chúng tôi nhiều lần gọi vào số điện thoại của Trúc Ly nhưng không liên hệ được.
Bát nháo 'tuyển người mẫu nhí' trên mạng xã hội
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khi nhập từ khóa “Ảnh mẫu nhí” trên mạng xã hội, lập tức hàng chục trang xuất hiện như “Người mẫu nhí” với gần 25.000 thành viên, “Người mẫu ảnh nhí” với gần 20.000 thành viên... Các trang này thường xuyên đăng tải các nội dung tuyển người mẫu nhí "làm việc tại nhà" với chào mời lương, thưởng hấp dẫn.
Chỉ vài giờ sau khi tài khoản Anh Nguyen đăng trên nhóm “Người mẫu ảnh nhí” nội dung: “TP.HCM, tìm mẫu nhí từ 1 - 2 tuổi, chụp ảnh sản phẩm áo choàng cho bé. Mẹ bình luận ảnh bé kèm chiều cao cân nặng ở dưới, nếu hợp tiêu chí em sẽ chủ động nhắn tin nhé”, đã có 82 phụ huynh bình luận vào bài viết đăng kèm ảnh, thông tin cá nhân của con.
Trong số đó có tài khoản N.T.T.A ghi: “Bé H.T., cao 90 cm, nặng 12 kg” và đính kèm hình bé. Còn tài khoản H.T.L giới thiệu: “Bé gái T., nhà con ở Q.Gò Vấp, cao 88 cm, nặng 13 kg, mặc quần áo size 100 cm”…
Chị N.P.N (TP.HCM) chủ động đăng hình con gái lên các hội nhóm tuyển mẫu nhí, kèm dòng trạng thái: “Con tên M.A, ở TP.HCM, 3 tuổi, xin ứng tuyển người mẫu nhí ạ”. Bên dưới, rất nhiều người tự xưng đại diện cho nhãn hàng nổi tiếng bình luận yêu cầu hợp tác.
Trao đổi với Thanh Niên, chị N. cho hay, những người tự xưng đại diện nhãn hàng chào mời hợp tác theo cách rất… lạ. Cụ thể, khi chị N. yêu cầu được cung cấp địa chỉ tại TP.HCM để làm việc trực tiếp, trên giấy tờ, hợp đồng thì những người này hẹn, tìm đủ mọi cách để né tránh.
“Thông qua điện thoại di động, họ xoay tôi như chong chóng, nào là làm việc với giám đốc, rồi giám đốc gửi số của quản lý chi nhánh, rồi đến trợ lý… Cứ như vậy, chuyền qua hơn 5 người rồi thêm tôi vào một nhóm Telegram yêu cầu tham gia thử thách cùng 3 - 4 phụ huynh để tranh suất”, chị N. kể.
Thấy có “mùi” lừa đảo, chị N. liên hệ tổng đài của một nhãn hàng thì được biết, nhãn hàng này không có chương trình tuyển mẫu. Chưa hết, nhân viên tư vấn của nhãn hàng này còn cảnh báo thời gian gần đây, đơn vị đã nhận được rất nhiều cuộc gọi của phụ huynh phản ánh có tổ chức, cá nhân giả danh thương hiệu để lừa đảo. Số cuộc gọi phản ánh tăng dần theo từng ngày.
Chị N. tá hỏa, lập tức thoát khỏi nhóm chat trên Telegram mà chị đã tham gia. Sau đó, người tự xưng đại diện nhãn hàng cũng tự động chặn chị N., khóa liên lạc…
Rất nhiều phụ huynh bị sập bẫy chiêu trò lừa đảo này. Thậm chí, các nạn nhân còn lập nhóm để tổng hợp các tin nhắn chuyển khoản, chứng cứ bị lừa đảo với số tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Đó là trường hợp chị T.M.N (ở TP.Hà Nội), sau khi chuyển 45 triệu đồng "làm nhiệm vụ" thì bị ngắt liên lạc.
Chị K.L, chuyên viên quản lý hình ảnh và truyền thông của một công ty thời trang nổi tiếng, phải thường xuyên đăng đàn cảnh báo: “Công ty K. hiện không tuyển mẫu nhí như các bài đăng trên mạng xã hội, các mẹ cảnh giác”.
(còn tiếp)
Theo Trần Duy Khánh - Ngọc Lê (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.