Trung - Triều "bắt tay" gửi thông điệp đến Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc chuyến thăm Trung Quốc ngày 20/6 với những lời ca ngợi và những cái bắt tay cùng 1 thông điệp cho nước Mỹ.

Giữa những câu hỏi còn bỏ ngỏ về thiện chí phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang chóng mặt, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Trung Quốc là lời nhắc nhở rằng Bắc Kinh vẫn là nhân tố chủ chốt, một “biến số” mà Tổng thống Donald Trump rất cần nhưng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ông.

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng họ sẽ duy trì trừng phạt đối với Triều Tiên ngay cả khi đối thoại Mỹ-Triều diễn ra và sẵn sàng tăng cường sức ép kinh tế nếu Bình Nhưỡng không hợp tác. Nhưng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, mới là nước có “quyền năng tối thượng” trong việc quyết định liệu các biện pháp trừng phạt có thực sự bóp nghẹt Bình Nhưỡng hay không.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, một số nhà phân tích chỉ ra rằng, sự ấm lên của quan hệ Trung – Triều qua các chuyến thăm của ông Kim Jong-un là một lời cảnh báo từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, các động thái của ông Trump trên “ván cờ” thương mại có thể cản trở mục tiêu tham vọng nhất trong chương trình chính sách đối ngoại của ông – đó là hòa bình với Triều Tiên.

“Tôi nghĩ Trung Quốc đang gửi 1 thông điệp đến ông Trump rằng: Ông muốn vừa áp đặt thuế với chúng tôi, vừa muốn chúng tôi hợp tác trong vấn đề Triều Tiên ư? Ông không thể có cả 2” – Bill Richardson, cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ, cựu Đặc phái viên Mỹ đến Triều Tiên chia sẻ với CNN.

Mối quan hệ phức tạp

Chuyến thăm 2 ngày vừa qua là lần thứ 3 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Trung Quốc trong vòng 4 tháng qua và nó diễn ra chỉ 1 tuần sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore.

Bên ngoài, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ duy trì vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy các nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa và ủng hộ cam kết của Triều Tiên đối với mục tiêu đó bất chất những tranh cãi thương mại nảy lửa với Mỹ.

Nhưng thực tế căng thẳng như nước sắp tràn ly. Ngày 18/6, Tổng thống Trump đã chỉ thị đại diện thương mại Mỹ chuẩn bị áp thuế mới bổ sung đối với khối lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump thực sự đã “nổi giận lôi đình” vì Bắc Kinh sẵn sàng “ăn miếng, trả miếng” sau khi Mỹ áp thuế bổ sung với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ngày 15/6 để phản đối “hành vi thương mại không công bằng” của nước này.

“Hết lần này đến lần khác, Mỹ đã khơi mào 1 cuộc chiến thương mại” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói ngày 19/6.  Ông khẳng định Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại “nhưng cũng không sợ một cuộc chiến như thế”.

“Chúng tôi khuyên Mỹ nên tìm lại lý trí và ngừng những ngôn từ cũng như hành động làm tổn hại bản thân họ và cả nước khác” – ông Cảnh Sảng nêu rõ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert thì bác bỏ những suy luận cho rằng bất đồng thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến hợp tác của Bắc Kinh trong tiến trình đối thoại với Triều Tiên, đồng thời chỉ ra rằng Mỹ duy trì mối quan hệ phức tạp với rất nhiều nước.

“Chúng ta có những lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc. Đôi bên có mối quan hệ vững mạnh nhưng cũng có những lĩnh vực chúng ta không thể lúc nào cũng nhất trí với Trung Quốc và chúng ta chắc chắn sẽ phải đưa điều đó ra ánh sáng” – Bà Nauert nói và cũng nêu bật “những việc tốt mà Chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ Trung Quốc đã làm nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán”.

“Chúng ta muốn có một mối quan hệ mang tính xây dựng với chính phủ Trung Quốc và để làm được điều đó, chúng ta cần phải chỉnh sửa, thúc đẩy một số tiến bộ liên quan đến vấn đề thương mại” – bà Nauert nêu rõ.

Theo Mintaro Oba, cựu quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, hiện chưa rõ liệu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng đến đàm phán với Triều Tiên hay không. Tuy nhiên ông cảnh báo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thay đổi sự hợp tác nếu căng thẳng đến mức độ “giọt nước tràn ly”.

“Trung Quốc vẫn đang cố gắng giữ lấy một đường lùi trong vấn đề này”, ông Oba chia sẻ với CNN. “Nhưng nếu chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại đến mức hủy hoại nghiêm trọng quan hệ đôi bên thì rất có thể Trung Quốc sẽ cảm thấy bớt sẵn lòng hợp tác để gây áp lực với Triều Tiên”.

Trung Quốc đã giúp chiến dịch gây “áp lực cực đại” của chính quyền của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên có hiệu quả. Các quan chức Mỹ thừa nhận điều đó nhưng cũng hiểu rằng thực tế Bắc Kinh đã chậm trễ trong việc áp đặt trừng phạt của quốc tế đối với Bình Nhưỡng hoặc vẫn tìm cách để các công ty Trung Quốc “đi đêm” với phía Triều Tiên.

Tìm một đòn bẩy

Tiếp ông Kim Jong-un, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi cách nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên xử lý các vấn đề trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ 1 tuần trước đó ở Singapore. Ông Tập Cận Bình bày tỏ hài lòng về kết quả của Thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng như mục tiêu phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng trong thời gian tới.

Trong khi Tổng thống Mỹ muốn chứng tỏ ông mới là người có “bước đi đầu tiên đi đến một thỏa thuận” bằng việc thiết lập mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên thì ông Kim Jong-un cũng tạo mọi đòn bẩy có thể để nâng cao vị thế của mình trong đàm phán. Và quan hệ với Trung Quốc là một trong số đó.

“Tôi tin rằng ông Kim Jong-un đang tìm cách trì hoãn phi hạt nhân và thực hiện điều đó theo tiến độ mà ông ấy đề ra” - cựu Đặc phái viên Bill Richardson nhận định. Ông cho rằng điều đó chỉ có thể thực hiện được khi Trung Quốc dỡ bỏ trừng phạt.

Trong khi Tổng thống Trump tự tin rằng ông đã “giải quyết” được vấn đề Triều Tiên thì giới quan sát hồ nghi rằng Thượng đỉnh Mỹ Triều vừa qua chỉ như một “show diễn” chính trị với khán giả là hàng nghìn phóng viên đổ đến Singapore, còn thực tế, tình hình vẫn tiếp tục phức tạp hơn với việc ông Kim Jong-un tìm những đòn bẩy mới.

“Logic của ông Kim Jong-un có vẻ rất đơn giản: thêm phương án là thêm đòn bẩy” – ông Oba nhận định. “Không hòa hoãn với Mỹ thì việc ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh sẽ khiến ông ấy trông thê thảm và chỉ làm nổi bật sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc”.

“Còn nếu không có Trung Quốc chống lưng chắc chắn cho Triều Tiên, Mỹ có thể cảm thấy thoải mái bỏ qua lựa chọn ngoại giao mà gia tăng sức ép. Giờ thì ông ấy [Kim Jong-un – ND] vừa độc lập và mạnh mẽ khi ‘chơi’ với cả 2 bên để có được vị thế tốt nhất có thể cho Triều Tiên”.

Các nhà phân tích cho rằng vị thế của ông Kim Jong-un chỉ thực sự mạnh lên sau khi Tổng thống Donald Trump không yêu cầu một sự nhượng bộ cụ thể từ phía Triều Tiên trong cuộc gặp ở Singapore.

CNN dẫn một số nguồn tin cho rằng không có dấu hiệu Triều Tiên đã phá hủy các bãi phóng tên lửa của nước này dù ông Trump nhiều lần đưa ra tuyên bố trái ngược, thậm chí còn nói rằng Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa.

Theo Vipin Narang, phó giáo sư khoa học chính trị tại Viện nghiên cứu công nghệ Massachusetts (MIT) chuyên về lĩnh vực không phổ biến hạt nhân, quyết định của ông Trump đình chỉ tập trận chung với Hàn Quốc mà không đòi hỏi Triều Tiên phải có bước đi cụ thể nào đã nhường cho ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình sự linh hoạt chiến lược.

Triều Tiên và Trung Quốc từ lâu đã hối thúc việc chấm dứt tập trận giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc và gợi ý rằng Bình Nhưỡng sẽ có động thái tương tự, được gọi là sáng kiến “cùng ngưng”.

“Giờ đây khi ông Trump có ý định leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nếu ông Kim Jong-un quyết định đùa bỡn với sáng kiến “cùng ngưng” thì Trung Quốc cũng chẳng đời nào cho rằng đó là là một sự vi phạm hay đặt ra bất cứ áp lực nào với Triều Tiên”.

“Trang Economist đã gọi tên ‘Kim Jong Won’”, ông Narang nói về cách chơi chữ của tờ tạp chí danh tiếng trong dòng tít đưa tin về kết quả Thượng đỉnh Mỹ-Triều, ám chỉ ông Kim Jong-un đã thắng (won). Nhưng chuyên gia này cũng cho rằng “thực sự thì ông Tập Cận Bình mới là người chiến thắng”.

Diệu Hương/VOV

Có thể bạn quan tâm

Nga cho chưa đúng thời điểm để ngừng bắn ở Ucraine

Nga cho chưa đúng thời điểm để ngừng bắn ở Ucraine

(GLO)-"Hôm nay là khoảnh khắc đặc biệt, duy nhất sẽ không bao giờ xảy ra. Cả trong lịch sử Nga, Belarus và Ukraine, cũng như trong lịch sử thế giới, đặc biệt là châu Âu. Câu hỏi duy nhất là phải làm gì. Tất cả các bạn đều hiểu và biết rằng chỉ có một cách thức – đó là đàm phán. Đàm phán không có điều kiện tiên quyết", ông Lukashenko nói trong bài phát biểu trước người dân Belarus và các nhà lập pháp hôm 31/3.
Cựu tổng thống Trump bị truy tố

Cựu tổng thống Trump bị truy tố

(GLO)-Theo CNN đưa tin ngày 30/3, ông Trump sẽ trở thành cựu Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ bị truy tố hình sự. Diễn biến này có thể tác động đáng kể đến chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông Trump, trùng với thời điểm xét xử vụ án.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ chuyển đến Belarus

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ chuyển đến Belarus

(GLO)-Mới đây, đài RT dẫn lời ông Putin cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể được đưa đến Belarus sớm nhất vào mùa hè năm nay, đánh dấu lần đầu tiên từ thập niên 1990 vũ khí này được triển khai ngoài lãnh thổ Nga. Vũ khí đưa đến Belarus nhưng sẽ do lực lượng Nga quản lý.
Lần đầu sau 19 năm, dân số Bắc Kinh giảm xuống

Lần đầu sau 19 năm, dân số Bắc Kinh giảm xuống

(GLO)-CNN hôm 23/3 dẫn số liệu thống kê từ chính quyền Bắc Kinh cho hay, từ năm 2021 – 2022, dân số thành phố đã giảm từ 21,88 triệu người xuống 21,84 triệu người. Đây là lần đầu tiên trong vòng 19 năm trở lại đây, Bắc Kinh ghi nhận tình trạng dân số giảm.
Khổng lồ: cần 411 tỷ USD để tái thiết Ucraine

Khổng lồ: cần 411 tỷ USD để tái thiết Ucraine

(GLO)-Theo Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, nhu cầu để Ukraine tái thiết và phục hồi đã tăng lên tới 411 tỷ USD, chỉ sau một năm Nga tấn công nước này. Khoản kinh phí khổng lồ nêu trên thể hiện tại cáo cáo được thực hiện bởi Kiev, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và Liên hợp quốc.
Mỹ không coi quan hệ Nga- Trung là liên minh

Mỹ không coi quan hệ Nga- Trung là liên minh

(GLO)-Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/3, người phát ngôn phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Chúng ta đã thấy cách mà hai quốc gia này phát triển mối quan hệ gắn bó như thế nào trong nhiều năm qua”.
Nếu trái đất nóng lên 1,8 độ C, tính mạng con người bị đe dọa vào năm 2100

Nếu trái đất nóng lên 1,8 độ C, tính mạng con người bị đe dọa vào năm 2100

(GLO)-Báo cáo được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) công bố hôm 20/ 3 ‐ chắt lọc từ 10.000 trang báo cáo của hơn 1.000 nhà khoa học - cho thấy thế giới có khả năng đã bỏ lỡ mục tiêu khí hậu là hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5⁰C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
Dịch tả lại hoành hành châu Phi

Dịch tả lại hoành hành châu Phi

(GLO)-Ngày 17/3, TTXVN tại châu Phi dẫn thông tin từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết trong đợt dịch tả đang bùng phát tại một số quốc gia thuộc châu lục này, giới chức y tế đã ghi nhận tổng cộng 53.660 ca mắc bệnh kể từ tháng 2 vừa qua đến nay, trong đó 1.282 ca tử vong.
ICC phát lệnh bắt tổng thống Nga

ICC phát lệnh bắt tổng thống Nga

(GLO)-Theo TASS, trong lệnh bắt ngày 17-3, Tòa hình sự quốc tế ( ICC) cho biết họ nghi ngờ ông Putin đã trục xuất bất hợp pháp trẻ em và đưa người bất hợp pháp từ lãnh thổ Ukraine sang Nga.