Triệu con tim tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dẫu biết rằng sinh-tử là quy luật nhưng hàng triệu triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế vẫn thấy đột ngột, hụt hẫng trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Tiếc thương một người đã ra đi là lúc mỗi chúng ta bồi hồi nhớ lại những gì người ấy để lại cho đời. 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, gần 14 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội, ông đã để lại một di sản đồ sộ về hệ thống lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của một nhà lãnh đạo nhiều năm giữ vị trí chủ chốt của đất nước.

Ngần ấy thời gian, ngần ấy trọng trách đã đủ cho thấy những gì ông làm được thật đáng để thế hệ sau suy ngẫm, chiêm nghiệm cho mình mà sống sao cho xứng với người đi trước.

Dẫu biết rằng sinh-tử là quy luật nhưng hàng triệu triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế vẫn thấy đột ngột, hụt hẫng trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Cho nên dù nghi thức Quốc tang dành cho người đứng đầu Đảng ta phải đến sáng 25-7 mới chính thức được tổ chức, nhưng bằng cách riêng của mình, từ mấy ngày qua, người dân đã tự treo cờ rủ để tang cho nhà lãnh đạo mà mình kính trọng và yêu mến, xem đó là cách để nhắn gửi rằng, sự ra đi của ông là một mất mát lớn lao với họ.

Những lễ tang trong lòng dân đã được bắt đầu bằng cách giản dị và chân thành nhất, như những dòng nước mắt nóng hổi trên khuôn mặt đượm buồn của nhiều người trước di ảnh của Tổng Bí thư trên ban thờ lập ra ở các ngôi chùa, nơi công cộng hay trong nhà riêng của những cựu chiến binh nơi đất mũi Cà Mau, thay lời tiễn biệt vị lãnh đạo yêu quý của mình về nơi an nghỉ cuối cùng.

Hàng triệu con tim người dân đất Việt đang thổn thức, tiếc thương khi mất ông-hiện thân cao quý của người cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ, mẫu mực, giản dị, khiêm cung, tận trung với nước, tận hiếu với dân… Người đã mang lại cho đất nước Việt Nam một diện mạo mới, đạt tới vị thế cho phép mỗi người dân có thể ngẩng cao đầu khi bước ra thế giới.

Bạn bè quốc tế thương mến dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những lời đánh giá chân thành, đúng mực, xem ông là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng nhất của Việt Nam trong thời cận-hiện đại. Không chỉ mang lại cho đất nước những kỳ tích khi tạo ra môi trường chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng gấp 2,5 lần, đưa Việt Nam vào hàng các nước có mức thu nhập trên trung bình mà vị thế ngoại giao cũng ngày một nâng cao.

Ông là nhân tố quyết định, đặt Việt Nam vào thế cân bằng trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là với các nước lớn. Chúng ta luôn muốn làm bạn với tất cả, nhưng không dễ dàng bị dẫn dắt vào những mối quan hệ do họ đặt ra mà có thể làm an nguy đến độc lập, chủ quyền.

Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu các cường quốc của thế giới như Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Nga, Tổng Bí thư-Chủ tịch Trung Quốc đều thăm chính thức Việt Nam. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý nói chuyện với nhau tại Hà Nội.

Tiễn biệt Tổng Bí thư là lúc chúng ta nhớ về những dấu ấn mà ông để lại cho đời. Nghĩ về “Người đốt lò vĩ đại” là cách nghĩ dung dị mà sâu sắc, tận cùng ý nghĩa về cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó, lấy đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí làm giải pháp đột phá, mà ông, trong vai trò người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đã kiên quyết và nỗ lực không ngưng nghỉ nhằm loại ra khỏi hàng ngũ những phần tử thoái hóa biến chất, tham nhũng, phản bội lời thề danh dự đảng viên.

Cuộc đấu tranh đầy cam go ấy, suy cho cùng là cuộc đấu tranh vì danh dự của Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng cầm quyền, có mục tiêu duy nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Xưa nay, bậc vĩ nhân không chỉ cống hiến bằng những việc đã làm, mà ngay cả khi ra đi cũng khơi dậy những điều tốt đẹp cho đời. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người như thế. Sự kính trọng, lòng tiếc thương mà hàng triệu triệu người dân Việt Nam dành cho ông khi đón nhận tin buồn đang trở thành sợi dây gắn kết, khiến mọi người quên đi những nhỏ nhoi, vụn vặt, sẵn lòng bỏ qua những mâu thuẫn thường ngày để đoàn kết, đồng lòng hướng đến những điều ý nghĩa, lớn lao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống một cuộc đời đáng sống, làm những việc ở đời đáng làm và giờ là lúc ông về với thế giới người hiền, về với Bác Hồ và các bậc tiền bối của Đảng. Nhưng cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách sáng ngời của ông vẫn mãi mãi sống trong lòng Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; đánh thức trong mỗi người tinh thần công dân, khát vọng cống hiến cho một đất nước ngày càng lớn mạnh, cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.