Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 (Hà Nội, 3/1/2023). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết "Dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tiến trình phát triển đất nước" của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta.
Trong hơn 13 năm làm Tổng Bí thư của Đảng ta, đồng chí kiên định đường lối đổi mới và đường lối độc lập tự chủ của Đảng, đứng mũi chịu sào cùng với toàn Đảng lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều gian nan thách thức, giành được những thành tựu ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực.
Trong khi cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng chí nhìn rõ nguy cơ suy thoái trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước, trực tiếp chủ trì cuộc chiến chống tham nhũng, chống tiêu cực nhằm làm trong sạch nội bộ, bảo tồn thành quả phát triển.
Lịch sử sẽ đánh giá công lao và di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong những ngày đau buồn này, với tư cách là người công tác gần gũi với đồng chí trong một thời gian tương đối dài hơn 10 năm, tôi chỉ xin nêu một số dấu ấn sâu sắc nhất mà tôi cảm nhận:
Là nhà lý luận của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có rất nhiều nỗ lực vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của Việt Nam.
Sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gặp nhiều thách thức, đồng chí đã chỉ đạo các cơ quan lý luận của Đảng căn cứ vào thực tiễn của đất nước và tình hình quốc tế để hoàn thiện lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội trên nền tảng của công cuộc Đổi mới được Đảng ta khởi xướng từ năm 1986. Bản thân đồng chí cũng có những tác phẩm lý luận quan trọng về vấn đề này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (Hà Nội, 24/11/2021). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trước hết phải có kinh tế thị trường đầy đủ. Định hướng xã hội chủ nghĩa là sử dụng nguồn lực của Nhà nước để bảo đảm cho nền kinh tế đủ sức đối phó với rủi ro khủng hoảng, loại bỏ sự lũng đoạn của “lợi ích nhóm," bảo đảm cơ hội bình đẳng cho các chủ thể của nền kinh tế trong thụ hưởng các chính sách và tiếp cận các nguồn lực của quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất cho người dân theo hướng ưu tiên cho các thành phần yếu thế.
Định hướng xã hội chủ nghĩa chủ yếu thực hiện bằng công cụ thị trường cùng chính sách an sinh xã hội, không phải là sự can thiệp phi thị trường vào sự vận hành của nền kinh tế.
Quan điểm này được Đảng ta xác định đầy đủ trong thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư. Hiện có 72 nước công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường, trong đó có tất cả các nước ASEAN và những nền kinh tế thị trường lớn như Nhật Bản, Anh, Canada, Australia…
Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên Đảng ta xác định “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” sửa đổi vào Đại hội XI của Đảng năm 2011, là Đại hội quyết định đồng chí Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên làm Tổng Bí thư. Cũng trong thời gian đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được ghi vào Hiến pháp 2013.
Bản Hiến pháp này cũng đã Hiến định quyền con người, quyền công dân khi lần đầu tiên quy định "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" (khoản 2, Điều 14).
Đến ngày 9/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng ký Nghị quyết số 27-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới," sau khi Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua, coi đây là “nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị," khẳng định “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội." Nghị quyết này cần phải có thời gian để luật hóa và đưa vào cuộc sống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, ngày 14/11/2021. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Tại Đại hội XIII của Đảng (25/1/2021-2/2/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay." Lời nói đó là hoàn toàn chính xác.
Kết quả thực hiện Chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) đề ra tại Đại hội XI của Đảng đưa quy mô nền kinh tế lên 2,4 lần, trong đó năm 2020 bằng 1,4 lần năm 2015. Việt Nam được xếp thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, riêng thời kỳ 2016-2019 Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được thành tựu ngoạn mục, riêng giai đoạn 5 năm cuối của chiến lược tỷ lệ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020.
Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới, việc chăm sóc y tế toàn dân của Việt Nam có nhiều tiến bộ khi mức sống ngày càng được cải thiện. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73 (trên 100), cao hơn trung bình khu vực và trung bình thế giới. Số năm đi học bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, đứng thứ hai trong khu vực, chỉ sau Singapore. Chỉ số vốn con người của Việt Nam là 0,69 (thang cao nhất là 1), xếp hạng cao nhất trong các nền kinh tế có cùng mức thu nhập. Khả năng người dân tiếp cận hạ tầng cơ sở được cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2019, 99,4% dân số sử dụng điện chiếu sáng, so với tỷ lệ 14% năm 1993…
Với vị thế và uy tín quốc tế của mình, Việt Nam đã thiết lập đối tác toàn diện với 12 quốc gia; đối tác chiến lược với 18 quốc gia, trong đó có 7 quốc gia là Đối tác Chiến lược Toàn diện, phần lớn các đối tác này được thiết lập trong thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Trong 7 Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam, trừ Trung Quốc được thiết lập năm 2008, 6 đối tác được thiết lập trong thời gian đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.
Nền kinh tế của chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ta đã ký kết đang có hiệu lực, có một nửa số FTA, trong đó tất cả 5 AFTA thế hệ mới được ký trong thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.
Những FTA, đặc biệt là AFTA thế hệ mới không những thúc đẩy mạnh mẽ tự do thương mại, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế mà những cam kết hội nhập rất cao của chúng đã thúc đẩy, rút ngắn việc hoàn thiện hệ thống luật pháp tương thích với cơ chế thị trường, nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những thành tựu nổi bật thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước nói trên là nỗ lực chung của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong nhiều nhiệm kỳ, là sự kế thừa tiếp nối những thành tựu của gần 40 năm Đổi mới đất nước, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với tư cách là người đứng đầu Đảng ta trong hơn 13 năm.
Tại Đại hội gần đây nhất của Đảng, tôi được đồng chí Tổng Bí thư phân công làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện về kinh tế-xã hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn ủng hộ những quan điểm mới và có những chỉ đạo sắc sảo để Tiểu ban Văn kiện Đại hội đưa những quyết sách mới, đặc biệt là trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu dự Hội nghị Văn hóa Toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Hà Nội, 24/11/2021). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng có sự quan tâm đặc biệt về phát triển văn hóa. Đặc biệt, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Văn hóa Toàn quốc ngày 24/11/2021. Đây là hội nghị mang ý nghĩa lịch sử nhân kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946.
Hội nghị này đã tổng kết, đúc rút quá trình phát triển văn hóa sau gần 40 năm đổi mới đất nước và mở ra một bước ngoặt trong chấn hưng và phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của đất nước trong tình hình mới và mang đậm dấu ấn đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Trong Thông cáo đặc biệt về tổ chức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước ta ghi nhận “Đồng chí đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc".
Là người cộng sự gần gũi đồng chí, tôi thấy công lao của đồng chí trong thúc đẩy công cuộc đổi mới trong tiến trình phát triển của đất nước với những mốc thời gian tôi đã nêu là dấu ấn đậm nét nhất.