Triển lãm Rồng mang lời chúc mừng Năm mới Giáp Thìn hạnh phúc, an lành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Triển lãm Rồng mừng Năm mới Giáp Thìn 2024 khai mạc chiều 24/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) là lời "chúc vận mới khởi từ Giáp Thìn an lành và hạnh phúc tới tất cả mọi người.”
Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: TTXVN phát)

Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: TTXVN phát)

Chào đón Năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chiều 24/1, nhóm nghệ sỹ G39 đã khai mạc Triển lãm Rồng mừng Năm mới Giáp Thìn 2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Triển lãm trưng bày hơn 90 tác phẩm hội họa của 20 nghệ sỹ nhóm G39, là các tác phẩm tranh, tượng, được sáng tạo từ nhiều chất liệu như sơn dầu, bột mầu, sơn mài, giấy dó, acrylic đến gốm Hương Canh, gốm Phù Lãng…

Có thể kể đến bộ tác phẩm gốm “Rồng ẩn” của nghệ sỹ Nguyễn Hồng Quang, tác phẩm “Cùng chơi với rồng” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng, “Giáp Thìn” của họa sỹ Hoàng Phương Liên, “Hoa Tết” của họa sỹ Bình Nhi, “Lễ hội múa Lân” của họa sỹ Trần Hồng Đức, tác phẩm gốm “Tiên Rồng” của nghệ sỹ Vũ Hữu Nhung, “Tết xưa” của họa sỹ Nguyễn Hồng Phương, “Đợi Xuân” của Tào Linh, “Rồng Thiền” của Vương Linh, “Rước rồng” của Lê Thiết Cương, “Xuân Long” của Lê Thư Hương, “Ngày Tết” của Lê Minh Trí, “Nắng Xuân” của Lâm Đức Mạnh…

Bên cạnh những tác phẩm có đề tài về con rồng, triển lãm còn giới thiệu nhiều tác phẩm nghệ thuật có chủ đề về tình yêu với thiên nhiên, con người như “Nắng sớm” của họa sỹ Việt Anh, “Lắng nghe sắc màu” của họa sỹ Bùi Thanh Thùy, “Vũ điệu” của họa sỹ Phương Bình, “Tây Bắc” của họa sỹ Nguyễn Thanh Quang, “Cô gái phương Đông” của họa sỹ Nguyễn Minh…

Tại Lễ Khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho rằng Triển lãm là hoạt động vô cùng ý nghĩa của nhóm họa sỹ G39, để tiễn năm cũ Quý Mão và gửi đến công chúng lời chúc mừng Năm mới Giáp Thìn hạnh phúc, an lành.

Họa sỹ Lê Thiết Cương, đại diện nhóm G39 chia sẻ, từ xa xưa, rồng là con vật cùng một lúc mang hai biểu tượng, đó là biểu tượng của vương quyền trong thời phong kiến và biểu tượng tín ngưỡng, vì rồng nằm trong bộ tứ Long, Ly, Quy, Phượng. Rồng cũng là con vật mang biểu tượng của một trong 12 con giáp.

Trải qua hơn 1.000 năm, với các thời kỳ từ Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Lê Mạt, Nguyễn, hình tượng rồng đã có nhiều thay đổi, từ tạo hình, bố cục đến chất liệu.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: TTXVN phát)

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: TTXVN phát)

Điều dễ nhận thấy là rồng thời Lý mượt mà, tinh tế, uốn lượn mềm mại. Rồng thời Trần nhìn bề mặt giống rồng thời Lý, nhưng tinh thần thì khác, thô và khỏe hơn. Rồng thời Lê sơ chú trọng chi tiết, cụ thể, ít chất trang trí cách điệu.

Rồng thời Mạc bỏ hẳn lối uốn khúc hình sin của thời Lý Trần, tuy ít uốn lượn nhưng vẫn mềm mại, tạo cảm giác mộc mạc giản dị.

Rồng thời Lê Trung Hưng và Lê Mạt có hai đột phá là phần thân ở đoạn giữa có thêm một nhịp võng xuống tạo thành hình yên ngựa, có hình mây lửa ở đuôi, bờm hoặc kết hợp rồng và những đám mây lửa hòa cùng nhau.

Rồng thời Nguyễn là vẻ đẹp của cầu kỳ, kỹ lưỡng, trau chuốt...

Họa sỹ Lê Thiết Cương cho biết các tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này được các nghệ sỹ sáng tạo thông qua sự tiếp nối truyền thống và kế thừa di sản rồng trong mỹ thuật của cha ông ta thời xưa, tạo nên những tác phẩm mỹ thuật có chủ đề về rồng đi từ truyền thống sang hiện đại.

Thông qua triển lãm, các nghệ sỹ đã mang đến một không khí lễ hội về rồng tưng bừng theo phong cách rất hiện đại nhưng cũng vẫn tôn trọng truyền thống.

“Triển lãm lần này là lời chúc Năm mới, chúc vận mới khởi từ Giáp Thìn an lành và hạnh phúc tới tất cả mọi người,” họa sỹ Lê Thiết Cương, đại diện nhóm G39 chia sẻ.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30/1 tới.

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...